Người đứng đầu 'há miệng mắc quai' thì sao xử lý được cán bộ vi phạm

Người trên mà không chính trực thì không thể bảo người khác được. Vì thế, toàn Đảng phải đề cao sự gương mẫu của cán bộ lãnh đạo, của các đảng viên, tổ chức đảng...

Phóng viên VOV.VN phỏng vấn ông Vũ Quốc Hùng nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương

PV: Thưa ông, trong thời gian gần đây, một số cán bộ cao cấp mắc sai phạm đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật hoặc đề nghị kỷ luật vì những sai phạm liên quan đến điều hành, kê khai tài sản, vi phạm nguyên tắc của Đảng... Thưa ông, đây có phải là tín hiệu tích cực trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng?

Ông Vũ Quốc Hùng: Gần đây, việc phát hiện ra một số cán bộ vi phạm và thái độ của Ban Kiểm tra Trung ương theo tôi là nghiêm khắc, trong đó có việc xử lý kỷ luật hoặc đề nghị, xem xét kỷ luật một số cán bộ. Đây là điều đáng mừng vì quyết tâm chính trị của Đảng đã được các cán bộ, tổ chức, cấp ủy thực hiện.

Ông Vũ Quốc Hùng

Tuy nhiên, việc xử lý đó đã đáp ứng được về số lượng và chất lượng chưa, điều đó vẫn phải chờ thời gian. Tôi nói thế bởi tôi không muốn hàm hồ khi phân tích hay phê phán điều gì mình không được trực tiếp tham gia xem xét, thẩm tra cùng các cơ quan chức năng. Nhưng qua phản ánh còn rất nhiều tiêu cực ở các cấp, tình trạng trên bảo dưới không nghe vẫn còn rất nhiều, cho nên nhiều nơi, nhiều việc ở dưới vẫn ngang nhiên làm sai trái, làm mất niềm tin của dân.

Đối với các cơ quan Trung ương cũng phải xem xét lại mình. Để cấp dưới làm sai trái, hoàng hành như vậy là do trên không sát sao hay biết nhưng làm ngơ, hay có khi có chỗ nào đó, có ai đó đỡ đầu cho việc làm sai trái đó không?

Về xử lý, phải làm thế nào cho thật công minh. Cơ quan kiểm tra phải làm việc theo đúng phương châm về công tác của mình “công minh, chính xác, kịp thời”. Nếu như đáng xử lý nặng mà xử lý không đúng mức thì tác dụng không cao. Còn nếu xử lý nặng hơn so với vi phạm dễ dẫn đến oan sai.

Hiện nay nhiều người vẫn có tâm trạng chung là thấy việc xử lý chưa thật nghiêm trong một số trường hợp. Tất nhiên đó là cảm giác của xã hội, vì nhận xét của nhiều người không tiếp xúc với các văn bản, không dự các cuộc họp. Nhưng một điểm chung ai cũng thấy rõ ràng trong nhiệm kỳ này là việc chống tiêu cực trong Đảng đã có những chuyển biến đáng mừng, nhất là đã đưa ra xem xét, xử lý một số cán bộ có chức, có quyền. Đó là điều rất đáng hoan nghênh, được dư luận đồng tình cao.

PV: Thưa ông, qua những vụ việc như Ban Kiểm tra Trung ương chỉ ra trong thời gian vừa qua, cũng đặt ra trăn trở là vì sao lại có nhiều cán bộ giữ các trọng trách quan trọng của Đảng, Nhà nước lại vi phạm nghiêm trọng đến như vậy?

Ông Vũ Quốc Hùng: Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã nói rõ về xây dựng chỉnh đốn Đảng. Về trước nữa là Nghị quyết Trung ương 6 lần 2 khóa VIII cũng đã đề ra việc xây xây dựng chỉnh đốn Đảng. Tiếp đó là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI. Tất cả những Nghị quyết này đã nói rõ về thực trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn. Đó là sự xuống cấp về tư tưởng đạo đức của những người cán bộ Đảng viên không rèn luyện, tu dưỡng.

Khi đã vào Đảng, phải tự giác rèn luyện. Đã tình nguyện đứng trong đội ngũ suốt đời cống hiến cho sự nghiệp của Đảng, của nhân dân sao còn cứ nghĩ đến cá nhân mình. Tư tưởng chính trị đạo đức suy thoái, nó biểu hiện mặt xấu của đảng viên chỉ nghĩ đến cá nhân.

Những cá nhân này họ lập các nhóm lợi ích cấu kết với nhau cũng nhằm bảo vệ lợi ích cá nhân mình. Đó là việc làm rất xấu xa, làm nhân dân khinh ghét, mất lòng tin, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng. Vì thế phải giáo dục để Đảng viên biết khi vi phạm họ sẽ mất danh dự, mất lòng tin và ảnh hưởng tới cả tổ chức. Đó là sự mất mát rất lớn.

Làm thế nào để những cán bộ khi có chức có quyền họ không lạm dụng chức quyền, tự tung tự tác, coi thường pháp luật, coi thường kỷ luật của Đảng, xa dân?. Theo tôi phải làm tốt công tác giáo dục để công tác này thực sự lành mạnh. Cùng với đó là công tác cán bộ, những người không đủ tư cách phải thay ngay.

Nhưng ai thay? Phải là những người đủ tư cách. Những người kém tư cách làm sao có thể thay được những người không đủ tư cách.

PV: Ông có liên hệ gì về những sai phạm của cán cán bộ mà Ủy ban Kiểm tra trung ương nêu trong thời gian gần đây với những biểu hiện của sự suy thoái tư tưởng đạo đức mà Đảng ta đã “chỉ mặt, gọi tên” trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII?

Ông Vũ Quốc Hùng: Cần ghi nhận những việc làm của Ủy ban kiểm tra Trung ương trong thời gian vừa qua, đã giúp Trung ương phát hiện vi phạm. Qua vi phạm thấy rõ sự yếu  kém của công tác cán bộ. Có những người họ đã mắc sai lầm manh nha từ cấp thấp, nhưng họ tiếp tục được đề bạt. Đây không phải là khuyết điểm của UBKT các cấp, mà là khuyết điểm của nhiều cơ quan, của các cơ quan chức năng có trách nhiệm trong việc quản lý cán bộ, không phải riêng của cơ quan tổ chức cán bộ mà các cơ quan ban Đảng cũng có trách nhiệm.

Qua đây mới thấy lộ ra công tác quản lý cán bộ của chúng ta quá kém. Trong quản lý phải có giám sát, có kiểm tra, để biết được cán bộ mình như thế nào. Vậy mà qua một quá trình rất lâu mới biết cán bộ vi phạm. Sự phát hiện chậm trễ này làm cho dư luận rất ái ngại về trách nhiệm của tổ chức Đảng các cấp, của người đứng đầu.

Nếu như các cơ quan có liên quan phát hiện sớm, kịp thời nhắc nhở họ, thì họ sẽ không vi phạm đến mức nghiêm trọng. Cho nên, ngoài việc mỗi người đã là Đảng viên phải luôn luôn tự tu dưỡng, thì sự giám sát, kiểm tra của cơ quan quản lý, tổ chức Đảng là rất quan trọng.

Người đứng đầu “há miệng mắc quai” thì sao xử lý được cán bộ vi phạm

PV: Thưa ông, trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Đảng ta cũng nhận định suy thoái tư tưởng đạo đức chính trị là nguy cơ trực tiếp đối với sự tồn vong của Đảng và của chế độ. Theo ông, vì sao sau nhiều năm tình trạng này không giảm mà ngày càng nghiêm trọng?

Ông Vũ Quốc Hùng: Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII cũng đã chỉ rõ, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước.

Nghiêm trọng là vì môi trường bây giờ liên quan đến tiền và vật chất rất nhiều. Trước những cám dỗ ấy, nhiều cán bộ mất phẩm chất, mất tư cách. Chính vì thế công tác cán bộ, kiểm tra, giám sát phải được làm thật tốt, phải siết chặt kỷ cương kỷ luật.

Chúng ta cũng đã có không ít quy định, nhưng việc thực hiện, kiểm tra giám sát còn lơi lỏng. Ví dụ quay lại việc khai báo tài sản, khai xong nhưng không ai kiểm tra, muốn khai thế nào thì khai, cho nên có rất nhiều thiếu sót như Trung ương đã chỉ ra. Dư luận rất mừng là Trung ương đã chỉ ra, nghĩa là đã thấy được yếu kém của bản thân mình, của cán bộ, tổ chức của mình.

Tôi tin rằng tới đây tất cả mọi hoạt động đều nhắc tới các việc đó. Hiện có nhiều đoàn kiểm tra của Trung ương, Bộ Chính trị tới các ngành, các địa phương. Tôi mong muốn các cuộc kiểm tra đó phải thật sự có hiệu quả, khi phát hiện ra những vi phạm đều cần phải nhắc nhở ngay. Nếu kiểm tra tốt thì công tác phòng ngừa tốt, đỡ tổn thất rất nhiều. Còn nếu không kiểm tra tốt, để đến khi mất con người, đến mức họ bị xử lý đến cách chức và các hình thức kỷ luật khác thì là nỗi đau xót và tổn thất rất lớn.

Vì thế kiểm tra phải rất gọn nhẹ, sau cuộc kiểm tra phải giúp cho đơn vị có những bước phát triển mới, như thế mới là thực hiện được Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII.

PV: Để chữa căn bệnh “suy thoái tư tưởng, đạo đức” mà Đảng ta đã chỉ ra trong nhiều khóa, theo ông cần có phương thuốc đặc trị như thế nào?

Ông Vũ Quốc Hùng: Nghị quyết Trung ương 4 cũng đã chỉ ra các phương thuốc để trị căn bệnh này. Tuy nhiên theo tôi quan trọng nhất là tất cả phải xem xét lại tất cả người đứng đầu các cấp. Người đứng đầu phải là những người có tâm có tài, kiên quyết chống tiêu cực, không có vướng mắc gì trong tư tưởng, đạo đức lối sống.

Ông cha ta đã từng nói “thượng bất chính, hạ tất loạn”. Nếu thủ trưởng các cấp mà “há miệng mắc quai” thì làm việc và xử lý vi phạm không đến nơi đến chốn. Người trên mà không chính trực thì không thể bảo người khác được. Vì thế, toàn đảng phải đề cao sự gương mẫu của cán bộ lãnh đạo, của các đảng viên, tổ chức đảng, nếu ai không gương mẫu cần phải giáo dục họ.

Ai giáo dục? Phải là những người gương mẫu, những người có tư cách đạo đức, có dũng khí. Nhiều khi không có tì vết nhưng lại giữ mình, ngại va chạm. Những ông “nghị gật” chỉ muốn cho vui vẻ thì tình hình không tiến triển được vì hiệ nay sai phạm ở khắp nơi, ở ngay cơ sở xã phường, ở đâu cũng có. Vì thế phải sớm xem xét lại đội ngũ cán bộ lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu các cấp. Những người này phải biết dựa vào tổ chức, dựa vào dân.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Kim Anh-Minh Hòa (Thực hiện)

Nguồn VOV: http://vov.vn/chinh-tri/nguoi-dung-dau-ha-mieng-mac-quai-thi-sao-xu-ly-duoc-can-bo-vi-pham-656487.vov