Người dùng thiết bị thông minh cần nhớ kỹ 3 bước này để tự bảo vệ mình

Nhiều người dùng thiết bị thông minh trong gia đình nhưng chưa biết cách để tự bảo vệ mình khỏi nguy cơ bị lộ lọt, thông tin trên các thiết bị chưa chắc chắn về mức độ an toàn.

Hiện nay rất nhiều chuyên gia cho rằng hàng tỷ thiết bị IoT kết nối thì nguy cơ mất an toàn thông tin rất cao. Thực tế hiện nay có rất nhiều người đã dùng thiết bị thông minh trong gia đình như điện thoại thông minh, box truyền hình qua Internet, Camera giám sát kết nối qua WiFi, thiết bị GPS dùng trên ô tô, máy tính… nhưng bản thân người dùng chưa hề biết khi dùng các thiết bị này thì nguy cơ cụ thể là gì, và họ cần sử dụng thiết bị một cách thật “thông minh” ra làm sao?

Theo đại diện Cục An toàn thông tin, khi sử dụng các thiết bị có kết nối Internet trong nhà mình thì người dùng cần phải có cột số biện pháp có thể tự bảo vệ mình khi sử dụng các thiết bị có kết nối Internet trong nhà như sau: Thứ nhất, kiểm tra các thông tin đánh giá trên mạng về mức độ an ninh, an toàn thông tin trước khi quyết định mua thiết bị, trong đó cần quan tâm trong thời gian qua thiết bị đã từng bị công bố lỗ hổng bảo mật nào chưa, sau đó nhà sản xuất đã đưa ra bản vá lỗ hổng đó chưa.

Thứ hai, không lưu trữ các dữ liệu liên quan đến bí mật đời tư, thông tin tài khoản tài chính, mật khẩu … trên các thiết bị mình chưa có sự chắc chắn về mức độ an toàn.

Thứ ba, theo dõi thường xuyên các thông tin cập nhật về bản vá lỗ hổng mới trên trang thông tin của nhà sản xuất và tiến hành cập nhật ngay khi có bản vá lỗ hổng mớ.

Gần đây, việc sử dụng camera giám sát trở lên khá phổ biến tại nhiều gia đình, cũng như cơ quan chính quyền. Việc áp dụng hệ thống camera giám sát giao thông và giám sát an ninh là một bước trong lộ trình của chính quyền địa phương để minh bạch hóa các hoạt động quản lý, giám sát, đặc biệt hỗ trợ lực lượng an ninh trong công tác điều tra, xử lý các tình huống vi phạm giao thông, trộm cắp, thậm chí những vấn đề gây nóng trên một số địa bàn thời gian vừa qua như bắt cóc trẻ em, đều có thể được xử lý nhanh hơn khi hệ thống camera giám sát được triển khai trên diện rộng.

Việc áp dụng những biện pháp cần thiết để đảm bảo an ninh, an toàn thông tin cho hệ thống camera giám sát là cần thiết, trong đó cơ quan nhà nước cần tiến hành rà quét thường xuyên để phát hiện các lỗ hổng của các thiết bị camera và cả máy chủ thu thập, xử lý thông tin, đồng thời tiến hành cập nhật bản vá sớm nhất có thể.

Hiện nay, một số tỉnh thành đã bước đầu triển khai thí điểm hệ thống camera giám sát đạt được hiệu quả khá tốt. Cụ thể, dự án Thành phố thông minh (TPTM) Phú Quốc hiện nay đã cơ bản hoàn thành giai đoạn 1. Trong đó, dự án lắp đặt hệ thống Camera giám sát (SafeCity) đã hoàn thanh 19 camera (trong đó có 11 điểm lắp camera cố định và 8 điểm lắp camera quay quét) và tích hợp 31 camera hiện hữu về Trung tâm giám sát của Công an huyện và sẵn sàng kết nối về trung tâm chỉ huy tại Công an tỉnh. Đồng thời hệ thống camera giám sát kết hợp với ứng dụng phân tích hình ảnh thông minh cho camera tại các khu vực công cộng, khu dân cư trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự như: Giám sát đọc biển số xe phương tiện giao thông, giám sát phát hiện xâm nhập, phát hiện chuyển động, giám sát vật thể bị gỡ bỏ, vật thể khả nghi, phát hiện ô tô dừng đỗ sai quy định.

Ngoài việc giám sát đảm bảo an ninh trật tự, du khách khi đến du lịch ở Phú Quốc chỉ cần tải ứng dụng SafeCity sẽ được hỗ trợ thông tin cần thiết khi du khách gặp khó khăn, cũng như chỉ dẫn các địa điểm lưu trú, nhà hàng, điểm tham quan cho du khách. Sau một thời gian ngắn, ứng dụng này được khá nhiều người dân sinh sống tại Phú Quốc, cũng như du khách đến du lịch Phú Quốc sử dụng.

P.V

Nguồn ICTNews: https://ictnews.vn/cntt/bao-mat/nguoi-dung-thiet-bi-thong-minh-can-nho-ky-3-buoc-nay-de-tu-bao-ve-minh-174079.ict