Người duy nhất 'giữ hồn lửa' cho phố Lò Rèn

Trước đây, phố Lò Rèn (Hoàn Kiếm, Hà Nội) luôn đỏ lửa. Qua thời gian, nghiệp đe búa mai một, nhiều gia đình đã chuyển nghề. Nhưng không vì thế mà ngọn lửa rèn tắt lụi, bởi ở con phố dài vài trăm mét ấy vẫn có một người thợ tuổi đã cao luôn giữ tình yêu với nghề rèn.

Người “giữ hồn lửa” duy nhất cho phố Lò Rèn. ẢNH: LÊ BẢO

Tình yêu mãnh liệt với nghề vang bóng

Mảnh đất kinh kỳ nổi tiếng với 36 phố phường và mỗi con phố đều mang một đặc trưng riêng mà bất cứ người Hà Nội xưa nào cũng nhớ đến. Phố Lò Rèn cũng vậy, dù chỉ dài vài trăm mét nhưng thời xưa nhiều người tìm đến để mua các dụng cụ làm nông, phục vụ sinh hoạt gia đình. Cũng chính vì lẽ đó mà phố Lò Rèn từng có một thời hưng thịnh, hầu hết các gia đình đều nổi lửa đỏ rực, tiếng đe búa vang lên chan chát đặc trưng, người mua kẻ bán luôn nhộn nhịp. Nhưng phố phường đổi thay, con người cũng vì thế mà phải thay đổi và nghề rèn cũng không còn được ưu ái ở chính con phố này.

Những chiếc lò rèn đỏ lửa xa xưa đã nhường chỗ cho các tiệm cà phê, kinh doanh đồ sắt thép, inox… điều này cũng dễ hiểu bởi cái nghề suốt ngày bám mặt với với muội than, dầu mỡ, chẳng ai bán sức mãi cho những quai búa nặng trĩu. Cách đây khoảng 10 năm, phố Lò Rèn còn lại hai gia đình làm nghề, nhưng đến hiện tại người duy nhất “giữ lửa” cho con phố là ông Nguyễn Phương Hùng (60 tuổi) bởi “có lẽ nghiệp đe búa đã ăn vào máu rồi nên quyết giữ bằng được”.

Dù “cơ ngơi” chỉ vài mét vuông ở góc phố Lò Rèn - Hàng Đồng nhưng với ông Hùng, đó là đam mê, niềm tự hào và là cả cuộc sống của mình. Ông nói: “Tôi là thế hệ thứ ba trong gia đình theo nghề rèn. Còn tên phố thì tôi còn làm nghề. Cái nghề này vất vả, khổ cực nhưng điều quan trọng hơn là bản thân mình được sống trong đam mê. Dịp nào có việc hay đau ốm phải nghỉ ít ngày là tôi thấy nhớ và khó chịu trong người”.

Những ngày cuối cùng của năm cũ dù ai cũng vội vàng nhưng với ông Hùng lại mong thời gian trôi chậm lại, bản thân ông muốn nhấm nháp nỗi cô đơn giữa chốn đông người hơn. Ông chia sẻ: “Năm nào cũng vậy, cứ chiều 30 Tết tôi mới dọn dẹp để về với con cháu. Đến mùng 6 hoặc mùng 8 tháng Giêng, tôi nổi lửa “khai lò” năm mới. Ai cũng thắc mắc sao tôi không nghỉ Tết sớm hơn, nhưng bản thân tôi thấy có lỗi khi để bếp lửa tắt sớm, nên còn sức cứ làm cho ấm lòng”.

Bén duyên với nghề từ lúc lên 8 tuổi

Vợ con, người thân của ông Hùng khuyên bảo mua sắm máy móc nhưng ông vẫn kiên trì với bếp lửa, đe búa.

Những cơn gió lạnh ùa về khiến đám lá cuối đông trên cây rơi xuống cộng với đốm lửa đỏ rực bếp rèn khiến khuôn mặt ông ửng đỏ. Vừa thoăn thoắt đe búa, vừa vùi từng mũi khoan thép vào than đỏ rực, ông Hùng kể về thời mình lên ba, lên năm: “Ông nội là người theo nghề đầu tiên trong gia đình từ những năm đất nước còn khó khăn, khổ cực. Rồi chính nghề rèn cũng đã nuôi được bố tôi cùng các bác trưởng thành. Đến đời bố tôi lại truyền cho tôi nên bản thân luôn trân trọng những gì gia tộc để lại. Ngày nhỏ khi tôi lên lớp 4 đã làm quen với nghề khi được tiếp xúc với bếp than, tiếng đe búa. Có lẽ chính những kỷ niệm đầu đời ấy đã theo tôi đi suốt cuộc đời”.

Năm 1987, ông Hùng được cha mẹ cho theo học Trường Trung cấp Cơ khí ô tô Hà Nội. Trong quãng thời gian học tập và khi ra trường, ông vẫn làm thợ phụ cho tiệm lò rèn của bố mình, nhưng ít lâu sau ông lại rẽ ngang sang làm nghề lái xe, thợ hàn xì. Ông chia sẻ: “Trước tôi làm lái xe, rồi thợ hàn xì, thợ sửa chữa ô tô chứ không theo nghề rèn. Nhưng có lẽ số phận không cho phép tôi chuyển sang nghề khác, Năm 1998, bố gọi tôi về để truyền nghề. Cũng từ đó, tôi đứng vai thợ cả và được cha giao trọng trách đảm nhiệm việc nối nghiệp gia đình”.

Ông nói, có lẽ nghề chọn mình chứ mình không chọn nghề bởi lẽ rất nhiều nghề khác đã đến với ông nhưng rồi nghiệp đe búa vẫn là bến đỗ cuối cùng. Ông vẫn giữ nguyên câu nói của cha mình khi giao trọng trách làm thợ cả rằng: “Mình có tâm với nghề thì nghề sẽ nuôi sống mình”. Thật vậy, trong nhiều năm qua, một mình ông với quai búa, với bếp lửa đã nuôi sống cả gia đình, hai người con khôn lớn, học hành tử tế và đã thành đạt. Đến thời điểm hiện tại, dù không còn quá áp lực về kinh tế nhưng ông nói làm cho vui, cho đỡ nhớ nghề và hơn hết là khách hàng vẫn cần ông mỗi ngày.

Ông bảo: “Công việc chính của tôi bây giờ là rèn mũi đục phá bê tông. Ở Hà Nội có rất nhiều tổ thợ phá dỡ công trình nên nhu cầu làm mới mũi đục rất lớn. Mũi đục phá bê tông có nhiều loại, nhiều kích cỡ cũng như xuất xứ từ nhiều nước cung cấp. Vì vậy, tùy từng loại mũi, chất thép mà có cách nung và ngâm dầu, nước cũng khác để có chất lượng tốt nhất”. Mỗi mũi đục bê tông sau khi được ông làm mới sẽ lấy công từ 7.000 - 10.000 đồng/chiếc.

Sẽ “giữ lửa” đến hơi thở cuối cùng

Rất ít khi bắt gặp ông Hùng cười bởi nhiều lý do nhưng với những người lần đầu tiên tiếp xúc như chúng tôi cảm nhận rằng, có lẽ ánh mắt hiện lên nỗi đượm buồn sâu thẳm từ trong tim bởi chẳng ai có thể nối nghiệp ông. “Việc nhiều lắm, khách cần mình rất nhiều, sau này nếu tôi không còn làm nữa thì biết sẽ ra sao. Con cái mình không theo nghề đã đành, tôi cũng từng có ý định truyền lại nghề cho ai đó nhưng giới trẻ mấy ai chịu. Hơn nữa, cả trăm nghề thời đại này ai lại đi chọn cái nghề cực nhọc, vất vả, suốt ngày lấm lem như này”, ông Hùng tâm sự.

Ngoài rèn mới mũi đục phá bê tông, ông Hùng vẫn nhận rèn những thứ lặt vặt của người dân trên phố, với tiền công chỉ vài ba chục ngàn. Ông nói, mình làm giúp bà con và hơn hết bà con tìm đến mình là thấy vui lắm rồi. Ánh mắt ông ánh lên niềm vui khi nói rằng: “Sang tuổi 60 cơ bắp vẫn rắn chắc, mắt vẫn tinh, đôi tay vẫn thoăn thoắt đe búa đó là thứ quý giá nhất đối với người thợ rèn gắn bó cả cuộc đời với nghề”.

Dù vất vả nhưng ông nhất quyết không trang bị máy móc hiện đại như lời khuyên của vợ con mà kiên quyết sử dụng phương pháp truyền thống. Ông nói: “Máy móc hiện đại là tốt nhưng mình vẫn thích rèn truyền thống, được ngồi bên bếp lửa bập bùng dù ngày hè nóng nực hay lạnh giá thì tâm hồn vẫn thấy “ấm”. Đó là điều làm mình vui sướng và hạnh phúc nhất. Một điều khiến mình “bảo thủ” với bếp lửa đỏ rực, với đe búa đó là “linh hồn” của con phố Lò Rèn nghìn năm”.

Theo ông Hùng, bản thân ông rồi cũng sẽ già và có thể phố Lò Rèn sẽ trôi vào quên lãng. Nhưng, ở thời điểm hiện tại, người thợ rèn duy nhất vẫn miệt mài làm việc. Ông nói sẽ gắn bó với nghề đến khi nào không cố được nữa. Nhưng trước khi rời bếp lửa, đe búa, ông luôn khao khát tìm người kế nghiệp để tiếp tục “giữ hồn lửa” cho phố.

Chia tay người thợ rèn cần mẫn khi những hạt mưa phùn bắt đầu rơi xuống, góc phố vẫn đỏ lửa, tiếng đe búa vẫn vang lên chan chát và trên khuôn mặt của ông hiện lên vẻ rắn rỏi. Ông Hùng ngân nga đọc tặng tôi câu thơ: “Giữa trăm nghề, chọn nghề thợ rèn/ Ngồi xuống nhọ lưng, quệt ngang nhọ mũi/ Suốt tám giờ chân than mặt bụi/ Giữa trăm nghề, chọn nghề thợ rèn…”.

Lê Bảo

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/nguoi-duy-nhat-giu-hon-lua-cho-pho-lo-ren-20191231201559167.htm