Người giáo viên, cựu binh in thơ lên đá

Lần đầu tiên đặt chân tới đỉnh núi Lớn đứng bên bờ biển, tại TP Vũng Tàu vào cuối tháng 7/2020, tôi đã ngỡ ngàng xiết bao khi diện kiến những tảng đá lớn với hình dạng khác nhau, nhưng cùng nhau 'đội thơ trình với trời xanh mây trắng'.

Người giáo viên, cựu binh in thơ lên đá

Chưa kịp đọc hết những dòng thơ in trên đá, nhưng tôi đã vô cùng xúc động, bởi như đã thấy, một giấc mơ thầm kín của mình trở thành hiện thực.

Tôi chỉ có thể lặng lẽ chạm tay vào giấc mơ ấy, dù không sở hữu được. Vậy ra, có những ý tưởng, xuất phát từ những tâm hồn khác nhau, ở những nơi xa ngàn trùng, mà lại hữu ý trùng nhau. Tôi gọi đó là hiện tượng đồng sóng não.

Vốn là một nhà văn, tôi viết nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết. Có những đoạn văn viết xong, rất thích thú, nhiều lần đọc lại. Và thế rồi, trong một lần cao hứng, tôi nghĩ ra ý tưởng, sẽ chạm những đoạn văn mình tâm đắc nhất lên các tảng đá lớn, sắp đặt trong vườn cây nhà mình, để những lúc thư nhàn, thảnh thơi dạo vườn có thể đọc lại, để trái tim tiếp tục rung ngân cảm xúc đẹp đẽ.

Tuy nhiên, tôi ước điều đó mà qua nhiều năm, vẫn chưa thể thực hiện được.

Khi tới thăm Hồ Mây Park, một khu du lịch tuyệt đẹp ngự trên đỉnh núi Lớn tại TP Vũng Tàu, tôi gặp được giấc mơ ấy. Lặng lẽ đọc những dòng thơ in trên đá, tôi thán phục người đã thực hiện được điều lạ lùng này, tìm ra cách xuất bản thơ thật độc đáo: In thơ lên đá.

Những bài thơ được chép lên đá tại Khu du lịch Hồ Mây Park trên đỉnh núi Lớn, TP Vũng Tàu (ảnh nhỏ).

Hơn thế nữa, khi tôi đứng trên đỉnh núi Lớn, còn núi thì dầm chân xuống biển, đội vầng mây trắng bồng bềnh như lớp voan mềm mại trải tới mênh mang, thì tôi chợt nhận ra rằng, không chỉ là một giấc mơ và quyết tâm của một con người, còn cần sự trợ giúp có một không hai của mẹ thiên nhiên nơi này, mới có thể cùng sáng tạo nên một Thạch Thi Thư (thư viện thơ) tráng lệ, lay động lòng người như thế.

Ông Đậu Văn Hóa, một cựu sĩ quan thời chống Mỹ (từ năm 1973 ông là giáo viên dạy sửa chữa điện xe quân sự cho các đơn vị cơ động trên tuyến đường Trường Sơn), là người với tâm hồn thơ ca, hữu duyên bắt tay được với đất trời, đồng sáng tạo nên tác phẩm đồ sộ những tuyệt tác thơ in trên đá, ngay trên đỉnh núi Lớn.

Ông Hóa cho biết, từ thời chiến tranh, chiến đấu, nằm rừng, ông đã nương vào những vần thơ để nuôi dưỡng tâm hồn mình. Và nhờ yêu thơ, chính ông cũng làm thơ, những bài thơ như cánh hoa rừng, hữu duyên đậu xuống bờ vai người lính chiến lãng mạn, mang tâm hồn thơ ca.

Ông chẳng định sẽ trở thành nhà thơ, nhưng khi nàng thơ đến, thì ông đón nhận, và ghi lại mà thôi.

Sau này, khi hòa bình lập lại, người cựu sĩ quan Đậu Văn Hóa trở về với đời thường, chọn ngành du lịch để lập nghiệp. Ông quan niệm, làm du lịch là cách làm văn hóa vừa hấp dẫn, vừa tinh tế.

Và vào những năm 2000 - 2006, khi xây dựng khu du lịch Hồ Mây Park, ông ngẫu nhiên bắt gặp những tảng đá lớn rải rác trên đỉnh núi.

Ý tưởng đẹp vụt tới, ông sẽ dùng những tảng đá "trời cho" này, để in thơ lên đó. Những vần thơ đẹp của các nhà thơ Việt Nam được ông sưu tập, chép lên đá, cùng một số bài thơ của chính ông, được ông tâm đắc nhất, cũng được "xuất bản" trên đá. Những gì thiên nhiên ban tặng cho mảnh đất này, được ông khéo léo sử dụng, làm nên những điều kỳ thú, tặng lại cho du khách.

Quả vậy, khi tha thẩn mơ mộng dạo bước tại Hồ Mây Park, thỉnh thoảng bạn có thể bắt gặp những tảng đá, bạn dừng mắt lâu hơn ở những dòng thơ viết trên đá, cho lòng mình được lắng dịu lại, chiêm nghiệm ý tứ, triết lý cao siêu hoặc bình dị từ những dòng thơ, hoặc thả hồn mình phiêu lãng trong nhạc điệu thơ bay bổng.

Bấy nhiêu thôi, cũng đủ làm hồn bạn thư thái, nhẹ nhõm và hạnh phúc hơn giữa dòng đời bộn bề. Khi thả bước trong khu Vườn Tình yêu, dừng lại đọc những dòng thơ của các thi sĩ Nguyễn Du, Xuân Diệu,… bạn sẽ muốn ngừng lại, nhắm mắt, để dòng thơ trên đá ngân rung trong trái tim mình, để xiết chặt tay người tình đi bên cạnh, để biết ơn cuộc đời, đã ban tặng cho bạn trái tim yêu.

Nhiều năm qua, chiến tranh đã lùi xa, và trong công việc thường ngày, khi có cảm hứng, khi có xao động đẹp đẽ, hay những chiêm nghiệm sâu xa, ông Đậu Văn Hóa lại viết những dòng thơ. Tuy đã có kha khá vốn thơ, nhưng ông không xuất bản thơ theo cách truyền thống, mà xuất bản thơ trên đá.

Dù muốn, chẳng ai mua được những tập thơ của ông, chỉ có cách là đi cáp treo lên Hồ Mây Park trên đỉnh núi Lớn, thấy mình lơ lửng giữa trời, đất, biển và trong không gian cao vời mênh mang đó, tự mình vừa đi vừa đọc thơ, những vần thơ in trên đá, hòa vào đá, vào sóng biển, vào gió mây và tâm hồn chính mình.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/van-hoa/nguoi-giao-vien-cuu-binh-in-tho-len-da-1597050060778.html