Người giàu Ấn Độ chuyển sang 'thị thực vàng' khi H-1B bị Mỹ siết chặt

Đối mặt với nhiều khó khăn khi xin thị thực H-1B, hàng trăm người Ấn Độ giàu có đang đổ xô sang một loại thị thực khác để nhanh chóng đến Mỹ.

Nhu cầu xin thị thực EB-5 của người Ấn Độ đang bùng nổ - Ảnh chụp màn hình CNN

Theo CNN, số lượng hồ sơ xin thị thực EB-5, loại thị thực nhập cư dạng đầu tư, từ Ấn Độ đã tăng đáng kể trong những tháng gần đây. Dựa trên số liệu từ Bộ Ngoại giao Mỹ, chính phủ Mỹ đã cấp 174 thị thực EB-5 cho người Ấn Độ vào cuối tháng 9.2017, tăng khoảng 17% so với năm trước đó. Tháng 10 và tháng 11.2017, Mỹ đã nhận được 307 đơn đăng ký khác từ quốc gia Nam Á cho “thị thực vàng”.

“Nhu cầu thị thực EB-5 của Ấn Độ đã thực sự bùng nổ trong 12 tháng qua”, Neil Weinrib, luật sư chuyên về di trú tại New York, nói với CNN.

Phản ứng với việc siết chặt H-1B

Hơn 70% thị thực H-1B cho người nước ngoài có tay nghề cao đến Mỹ làm việc đã được cấp cho người Ấn Độ trong những năm gần đây. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã thực hiện một số biện pháp để thắt chặt tình trạng các công ty trong nước ồ ạt xin thị thực H-1B cho lao động nước ngoài.

Sở Nhập tịch và Di trú Mỹ (USCIS) hồi tháng 2.2018 đã đưa ra một bản ghi nhớ chính thức để yêu cầu thêm thông tin về việc làm của người nhận thị thực H-1B, nhằm đảm bảo rằng người đó làm đúng với tính chất công việc được thuê. USCIS cho biết thời gian có hiệu lực của loại thị thực này có thể bị rút ngắn xuống còn ít hơn ba năm tùy thuộc vào thông tin mà bên sử dụng lao động cung cấp.

Các hãng công nghệ lớn của Ấn Độ như Tata Consultancy Services, Infosys và Wipro, những công ty đã gửi hàng ngàn nhân viên công nghệ đến Thung lũng Silicon, cũng đã nhận được cảnh báo từ phía Mỹ. Các công ty này hiện đang quay lưng lại với thị thực H-1B và thuê thêm lao động Mỹ.

“Đã có nhiều thay đổi với chương trình H-1B, rất nhiều người Ấn Độ đang chuyển qua xem xét EB-5”, Preeya Malik, người đồng sáng lập Step America, công ty tư vấn có trụ sở tại Dubai, nói.

Shai Zamanian, người đồng sáng lập với Malik, cho biết trung bình cứ bốn khách hàng Ấn Độ của Step America thì có một người đã nhận hoặc nộp đơn xin H-1B nhưng vẫn muốn đăng ký chương trình EB-5. Yêu cầu về “thị thực vàng” từ các khách hàng tiềm năng Ấn Độ của công ty cũng đã tăng 200% trong sáu tháng qua.

“Có một nhận thức chung là các cánh cửa di cư sang Mỹ đang dần khép lại. Đối với thị thực H-1B, nếu họ không có được trong năm nay, thì có khả năng họ sẽ không còn nhận được nó vào năm sau”, ông Zamanian nói.

"Mua hàng Mỹ, thuê người Mỹ"

Chương trình EB-5, tập trung vào việc đầu tư và tạo ra việc làm trên đất Mỹ, dường như rất phù hợp với tiêu chí kinh tế của ông Trump.

“Chính quyền hiện tại chắc chắn ủng hộ EB-5. Chính phủ thích nhóm người nhập cư này, thông minh, giàu có và là những người có thể tăng giá trị cho xã hội Mỹ”, Andrew Graves, người đứng đầu bộ phận phát triển kinh doanh tại Quỹ Di trú Mỹ, nhận định.

Cho đến nay Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất của “thị thực vàng”. Nước này có tới hàng nghìn hồ sơ đăng ký EB-5 mỗi năm, chiếm hơn 75% trong tổng số khoảng 10.000 “thị thực vàng” được cấp. Nhưng nhu cầu hiện tại đang giảm dần vì việc tồn đọng hồ sơ khiến các nhà đầu tư Trung Quốc phải đợi ít nhất là 10 năm cho tấm thẻ xanh.

“Sự sụt giảm nghiêm trọng ở thị trường Trung Quốc đã mang thêm cơ hội cho người Ấn Độ. Thời gian chờ đợi kéo dài cùng những hạn chế đối với các loại thị thực khác đã khiến khoản đầu tư 500.000 USD trở thành lựa chọn nhanh nhất và hợp lý nhất cho nhiều người Ấn Độ”, Brian Ostar, người đứng đầu hoạt động toàn cầu tại hãng tư vấn EB5 Capital, cho hay.

‘Đây là thời điểm thích hợp’

Abhiram Satyadev là một người Ấn Độ đã thực hiện lộ trình đầu tư. Ông chuyển đến Mỹ vào năm 2011 để học thạc sĩ. Sau khi tốt nghiệp vào năm 2013, ông muốn định cư tại Mỹ nhưng cảm thấy chương trình H-1B quá hạn chế.

Với sự giúp đỡ của cha mình là một doanh nhân tại Bangalore, Satyadev đã đầu tư vào một dự án bất động sản ở Baltimore (Mỹ). Năm 2015, ông nộp đơn xin thị thực EB-5 trong khi đang làm việc tại Mỹ theo chương trình thị thực H-1B và nhận được thẻ xanh vào năm 2017.

“H-1B không phải là một giải pháp, nhưng nó là một sự trợ giúp đáng kể. Nếu bạn muốn ở lại Mỹ và nếu bạn có tiền, tôi nghĩ EB-5 là một chương trình tốt. Đây là thời điểm thích hợp cho những ai đang xem xét việc xin thị thực EB-5. Các chính sách có thể thay đổi bất cứ lúc nào và ngưỡng đầu tư tối thiểu có khả năng sẽ được nâng lên”, ông Satyadev nói.

Phương Anh

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/kinh-doanh/nguoi-giau-an-do-chuyen-sang-thi-thuc-vang-khi-h1b-bi-my-siet-chat-956991.html