Người giàu nhất Thái Lan tìm truyền nhân đế chế tỷ đô

Bốn ngày sau lễ đăng quang của Vua Vajiralongkorn Bodindradebayavarangkun vào tháng 5/2019, doanh nhân giàu nhất Thái Lan cùng 2 người kế nghiệp đến hoàng cung tiếp kiến tân vương.

Người đàn ông đó là Dhanin Chearavanont, 80 tuổi, Chủ tịch tập đoàn Charoen Pokphand (CP). Ông vận một bộ vest tối màu và thắt cà vạt vàng - màu truyền thống tượng trưng cho nhà vua.

Cuộc gặp mặt diễn ra không lâu ngay sau khi Vua Vajiralongkorn lên ngôi đã cho thấy mối quan hệ thân cận của ông Dhanin với hoàng gia cũng như vị thế quan trọng của ông có được nhờ sự nghiệp huy hoàng kéo dài suốt 50 năm qua.

Ông Dhanin Chearavanont, Chủ tịch Cao cấp của Tập đoàn CP, trong buổi phỏng vấn với Nikkei năm 2016. Ảnh: Nikkei Asian Review.

Ông Dhanin Chearavanont, Chủ tịch Cao cấp của Tập đoàn CP, trong buổi phỏng vấn với Nikkei năm 2016. Ảnh: Nikkei Asian Review.

Hai người con trai ông đã chọn để kế nghiệp có lẽ sẽ không có nhiều thời gian như vậy để tạo nên dấu ấn của riêng mình lên đế chế thực phẩm, bán lẻ và viễn thông có doanh thu lên tới 63 tỷ USD mỗi năm này.

Sẵn sàng lựa chọn một CEO không phải “người nhà”

Trong cuộc phỏng vấn với Nikkei Asian Review hồi đầu tháng, ông Dhanin tiết lộ dự định để con trai cả, Soopakij, và con trai thứ ba, Suphachai, tiếp quản tập đoàn với cương vị chủ tịch và CEO trong 10 năm. Ông cũng cho biết sẵn sàng lựa chọn một CEO ngoài gia đình và nhấn mạnh tiềm năng của học viện đào tạo lãnh đạo mà CP đã đầu tư 7 tỷ baht (tương đương 223,5 triệu USD) để phát triển thế hệ mới những người điều hành cấp cao cho tập đoàn.

Khi ngày chuyển giao chính thức quyền điều hành CP đang đến gần, các tập đoàn gia đình ở châu Á sẽ theo dõi sát sao sự kiện này, theo Nikkei Asian Review.

“Nhiều tập đoàn lớn ở Đông Nam Á được điều hành bởi thế hệ thứ hai là những người Hoa ở nước ngoài cũng đã, đang và sẽ đối mặt với những thách thức tương tự”, giáo sư Akira Suehiro, chuyên gia ngành Khoa học Xã hội Quốc tế thuộc Đại học Gakushuin, Nhật Bản, đồng thời là một chuyên gia về kinh tế châu Á, nhận định.

Những thách thức bao gồm việc đưa tập đoàn lớn, lâu đời và hoạt động theo phương thức truyền thống, như CP, thích nghi với thế giới và nền công nghiệp hiện đại, nơi công nghệ phát triển với tốc độ nhanh chưa từng có.

Tập đoàn CP ra đời từ những năm 1920 khi cha và chú của ông Dhanin, Chia Ek Chor và Chia Siew Whooy, mở một cửa hàng nhỏ ở khu phố Tàu (Chinatown) ở Bangkok và bán các loại hạt nhập khẩu. Dhanin, con trai thứ tư của ông Ek Chor, đã tiếp quản công việc làm ăn của gia đình từ năm 1969 và từ đó đưa công ty vươn xa ra ngoài lĩnh vực kinh doanh nông nghiệp.

CP hiện nay có ba trụ cột chính sản xuất thức ăn chăn nuôi, điều hành một chuỗi cửa hàng tiện lợi với hơn 10.000 cửa hàng khắp Thái Lan và công ty viễn thông lớn thứ hai Thái Lan. Tập đoàn CP gồm 200 công ty con với 310.000 nhân lực, đầu tư vào 22 nước trên thế giới.

Một nhà máy chế biến gà tại Thái Lan của CP Foods, đơn vị chủ lực trong ngành kinh doanh nông nghiệp, một trong những trụ cột của tập đoàn CP. Ảnh: Nikkei Asian Review.

Hai người kế nghiệp ưu tú

Sau nhiều thập kỷ bành trướng tập đoàn, tỷ phú người Thái đang từng bước chuyển giao quyền lực cho hai người con trai, Soopakij, 55 tuổi và Suphachai, 52 tuổi. Vào tháng 1/2017, ông lui về giữ vị trí chủ tịch cấp cao của tập đoàn.

“Mặc dù những quyết định quan trọng vẫn phải được ông Dhanin thông qua, chúng tôi cũng đã bắt đầu có những thương vụ mà con trai của ông Dhanin thay mặt đàm phán và ra quyết định”, một đối tác kinh doanh của CP cho hay.

Ông Dhanin đã dành nhiều lời khen ngợi về năng lực của hai cậu con trai trong tự truyện dài kỳ của mình đăng trên tạp chí Nikkei Asian Review năm 2016. Cả hai đều đã cống hiến cho sự phát triển của CP trước khi họ bước lên vị trí lãnh đạo cao cấp.

Ông Dhanin khen ngợi con trai Soopakij “là người đối nhân xử thế rất tốt và có nhiều bạn bè”. Ông Soopakij đã có công mở rộng hoạt động của CP ở Trung Quốc, nơi họ đã có được nhà đầu tư nước ngoài đầu tiên khi nền kinh tế bắt đầu mở cửa cuối thập niên 1970. Ông cũng đã từng giữ cương vị Phó chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến Đầu tư và Thương mại Thái Lan - Trung Quốc, góp công xây dựng mối quan hệ giữa hai nước như cha mình.

Ông Dhanin Chearavanont (giữa) và hai con trai: Soopakij Chearavanont (trái) và Suphachai Chearavanont (phải). Ảnh: Nikkei Asian Review.

Ông Suphachai tốt nghiệp Đại học Boston tại Mỹ với bằng Cử nhân Quản trị Kinh doanh và sau đó tiếp quản mảng viễn thông của tập đoàn. CP bắt đầu tham gia vào thị trường viễn thông năm 1990 qua thương vụ mua lại một phần TelecomAsia, một công ty liên doanh với Mỹ xây dựng và vận hành 2 triệu đường dây điện thoại tại Bangkok. Dưới sự điều hành của ông Suphachai, TelecomAsia cuối cùng trở thành TrueCorp ngày nay, được biết tới là nhà mạng di động lớn thứ hai và nhà cung cấp dịch vụ Internet lớn nhất nước.

Ông Dhanin viết về Suphachai như một người “rất tích cực học hỏi về kinh doanh viễn thông từ những điều cơ bản nhất”. Chính sự cầu thị này đã giúp ông Suphachai dẫn dắt công ty vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997.

Dựa vào nền tảng của mình, hai người con trai của ông Dhanin sẽ phụ trách hoạt động của CP tại những khu vực khác nhau. Ông Dhanin cho hay về việc đầu tư ông Soopakij sẽ phụ trách khu vực Trung Quốc, Nhật Bản và Nga, còn ông Suphachai sẽ tập trung vào thị trường Bắc Mỹ.

Nhiều thách thức

Hai người kế nhiệm sẽ đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt trong việc điều hành hoạt động ngày một rộng lớn và phức tạp trên nhiều lĩnh vực của tập đoàn.

Nhiệm vụ đầu tiên của họ là phải cải thiện toàn diện sự phối hợp giữa mảng chế biến thực phẩm và khối bán lẻ. Họ cũng sẽ phải thúc đẩy có giám sát những thương vụ sáp nhập và đầu tư xuyên biên giới, một trong số đó là bước tiến gần đây đưa Việt Nam thành mục tiêu xuất khẩu gia cầm của tập đoàn.

Ông Dhanin cũng ngỏ ý muốn hợp tác với các nhà sản xuất và chế biến hoa quả và thịt bò, thịt lợn tại Nhật Bản để nâng cao năng suất và mang sản phẩm của mình tiếp cận với phân khúc thị trường tiêu dùng cao cấp tại châu Á.

Một cửa hàng 7-Eleven ở Bangkok. CP All sở hữu hơn 11.000 cửa hàng 7-Eleven trên toàn Thái Lan. Ảnh: Nikkei Asian Review.

Ở Trung Quốc, CP hoạt động trên rất nhiều lĩnh vực, từ sản xuất xe máy tới kinh doanh tài chính. Tập đoàn này nắm giữ một lượng lớn cổ phần của Bình An, công ty bảo hiểm lớn nhất thế giới hiện nay. Điều này tiềm ẩn nguy cơ rủi ro và thách thức trong thời điểm hiện tại khi nền kinh tế Trung Quốc đang chững lại do căng thẳng thương mại với Mỹ.

Tuy nhiên, nhiệm vụ quan trọng và khó khăn nhất hiện nay của hai người kế nhiệm ông Dhanin là thực hiện thành công hợp đồng xây dựng và vận hành hệ thống đường sắt cao tốc nối liền các sân bay chính tại Thái Lan mà CP mới giành được gần đây. Dự án trị giá 7 tỷ USD này vừa là cơ hội nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro lớn đối với đội ngũ lãnh đạo mới của tập đoàn.

Đây là bước tiến đầu tiên của CP vào ngành công nghiệp đường sắt. Tập đoàn đã mời nhiều chuyên gia về cơ sở hạ tầng tham gia dự án qua việc hợp tác với một công ty xây dựng đường sắt của Trung Quốc. Tuy nhiên, việc đội ngũ quản lý dự án của Itochu và nhà sản xuất phương tiện chạy trên đường ray nổi tiếng Nhật Bản, Hitachi, quyết định không tham gia dự án đã làm dấy lên những lo lắng, đồn đoán về khả năng sinh lợi của thương vụ này.

Ông Dhanin tin rằng câu trả lời nằm ở việc thu hút, tận dụng những nhân tài và chuyên gia cao cấp, kết hợp với việc thường xuyên đổi mới chiến lược lãnh đạo tập đoàn.

Ông cũng đã lựa chọn hai cháu trai có tiềm năng kế nhiệm hai con trai của mình sau này. Tuy nhiên, không có điều gì đảm bảo những vị trí lãnh đạo cao nhất của tập đoàn CP sẽ vẫn là những người trong gia đình Chearavanont. Dù vị trí chủ tịch tập đoàn có thể vẫn sẽ phải được đảm nhiệm bởi “người nhà” nhưng ông Dhanin cho biết “vị trí CEO tập đoàn có thể được trao cho người có năng lực và phù hợp nếu tôi không tìm được ai tốt hơn trong gia đình”.

Ông Dhanin đã nghĩ ra ý tưởng thành lập Học viện Lãnh đạo CP khoảng 8 năm sau khi thăm trung tâm đào tạo của những đế chế công nghiệp lớn nhất thế giới gồm General Electric, Boeing và Samsung.

Quang cảnh Học viện Lãnh đạo CP tại Khao Yai, Thái Lan. Ảnh: Art Consulting Thailand.

Một tháng sau lễ đăng quang của tân vương Thái Lan, ông Dhanin đã đến trung tâm đào tạo để dự một buổi học tập trung có sự tham gia của khoảng 300 ứng viên và nhân sự cấp cao. Những tiếng rầm rì trong khán phòng tắt hẳn khi ông bước lên và ngồi vào vị trí chủ tọa.

Các ứng viên lần lượt thuyết trình về kế hoạch thúc đẩy hoạt động của cửa hàng và tăng doanh thu.

Những cuộc hỏi đáp giữa các ứng viên và lãnh đạo tập đoàn, trong đó có ông Dhanin, rất căng thẳng. Trước những nhận định của hai ứng viên nữ, đang được đào tạo và cạnh tranh để giành quyền quản lý một cửa hàng 7-Eleven ở trung tâm Bangkok, một giám khảo đã chất vấn: “Có bao nhiêu văn phòng trong khu vực? Bao nhiêu tầng? Bao nhiêu người đang làm việc? Các em phải tận dụng những dữ liệu này để đánh giá chính xác nhận định của mình”.

Ba ứng viên đang tập trung lắng nghe những đánh giá của một quản lý trong chương trình Nhà Lãnh đạo Tương lai CP tại Khao Yai, Thái Lan. Ảnh: Nikkei Asian Review.

80% ứng viên của chương trình Nhà Lãnh đạo Tương lai sẽ được tiếp tục cấp độ tiếp theo với 2 giai đoạn. Ông Dhanin dự định sẽ tham gia đánh giá ứng viên trong chương trình. Ông tính toán đã dành khoảng 20% thời gian của mình ở học viện Khao Yai từ khi thành lập, và dự kiến sắp tới sẽ tăng lên tới 30 đến 40%.

Khánh Linh
Theo Nikkei Asian Reiview

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nguoi-giau-nhat-thai-lan-tim-truyen-nhan-de-che-ty-do-post957467.html