Người gieo mầm thanh long Nữ hoàng trên đất cằn xứ Thanh

Từ nông dân nghèo, với tinh thần dám nghĩ, dám làm, sau ba năm 'liều lĩnh', kiên trì bám đuổi, anh Lê Xuân Bình ở thôn Duyên Lộc, xã Định Hải (Yên Định) đã trồng thành công giống thanh long Nữ hoàng trên mảnh đất cằn xứ Thanh.

Anh Bình bên vườn thanh long ruột đỏ.

Gieo quả “lòng son” trên đất cằn

Những ngày nắng gắt của tháng 6 oi ả, chúng tôi có dịp về xã Định Hải và không khỏi choáng ngợp xen lẫn sự thích thú khi nhìn thấy đồi thanh long với hàng vạn bông hoa chen lẫn những quả non đua nhau nở, những đàn ong, bướm đua nhau chuyền cành tìm mật, làn gió nhẹ phẳng phất mùi hương khiến chúng tôi quên đi cảm giác nắng nóng của đất trời xứ Thanh.

Men theo con đường nhỏ dọc đồi thanh long, chúng tôi tìm đến nhà Lê Xuân Bình. Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang với đầy đủ tiện nghi, anh Bình cho biết: “Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng quê nông thôn nghèo. Trước đây làm công nhân cho một nhà máy tại địa phương với mức thu nhập 4-5 triệu đồng/tháng, cuộc sống khá chật vật và khó khăn”. Thấy quê hương có nhiều diện tích hoang hóa để không, trong lúc bà con vẫn phải mua hoa quả nơi khác về dùng, không cam lòng, năm 2013, Bình lặn lội đến Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam (Tiền Giang) học cách trồng cây hợp với đất đai quê mình.

Mới đầu, anh quan tâm đến nhiều giống cây khác nhau, nhưng giống thì không hợp với đất, khí hậu, giống thì tại địa phương đã trồng nhiều. Mất gần một tháng “lang bạt” nơi đất khách quê người, anh mới tìm thấy “bảo bối”, đó là giống thanh long ruột đỏ. “Khi bổ quả thanh long ra thấy ruột đỏ, tôi lấy làm lạ nên hỏi và được người dân nơi đây cho biết đây là giống thanh long Nữ hoàng, có xuất xứ từ Côlômbia. Thời điểm đó, nước ta chỉ có ba tỉnh trồng thí điểm trên diện rộng là Bình Thuận, Tiền Giang và Tây Ninh. Tôi như mở cờ trong bụng, mê mẩn với thứ thanh long ruột đỏ này và quyết định mang về quê để gây trồng”, Bình kể.

Sau khi xác định được giống cây phù hợp, anh quyết định ở lại Tiền Giang xin làm thuê và học hỏi kinh nghiệm gần một năm. Năm 2014, anh đưa gần 200 gốc thanh long giống về quê và bắt đầu công cuộc trồng cây mới.

Mới đầu, do chưa có kinh nghiệm, chưa nắm rõ kỹ thuật trồng, chăm sóc nên thanh long của gia đình không được đẹp, tán không đều, bị lỗ vốn. Tuy vậy, Bình cho rằng, việc đưa cây về đã thành công. Vấn đề còn lại là phải tìm hiểu thêm về kỹ thuật để có sản phẩm như ý. Nghĩ vậy, Bình tiếp tục mày mò, tìm hiểu kiến thức, kỹ thuật chăm sóc thông qua sách báo. Nhờ vậy, gần 1.000 trụ thanh long ruột đỏ đã cho nhiều trái, mẫu mã đẹp”.

Anh tiếp tục vay mượn 200 triệu đồng để đầu tư vào trồng gần 1.000 trụ thanh long ruột đỏ trên diện tích 7.000m2. Nếu như năm 2014, anh Bình chỉ thu hoạch được khoảng 15 tấn, thì nay đạt 25 tấn/năm.

Không giấu nghề

Theo anh Bình, trồng 1 gốc thanh long tính cả giống, cột (bê tông), phân bón và công lao động hết khoảng 110.000 đồng. Mỗi hecta trồng 1.000 gốc, tổng đầu tư khoảng 150 triệu đồng, nhưng chỉ 3 năm là thu hồi vốn, sau đó sẽ thu lãi không dưới 200 triệu đồng/năm.

Về kinh nghiệm trồng thanh long ruột đỏ, anh Bình chia sẻ: “Đổ trụ bê tông cao 1,1m, khoảng cách giữa các cây và hàng khoảng 2,7m. Việc xông đèn cũng phụ thuộc theo nhiều loại đèn như compact (thời gian đầu cây phát triển tốt, về sau sẽ yếu dần), đèn led (không ra hoa), đèn halogen (cho ra bông nhưng giảm sự phát triển cây), đèn dây tóc (sử dụng sức nóng nhiều và cho cây phát triển tốt nhất nhưng tiêu thụ điện năng nhiều), đèn cao áp (cây tạo nhánh tơ yếu)… Nên sử dụng xen kẽ đèn compact và đèn sợi tóc để chúng hỗ trợ nhau. Tùy vào kỹ thuật xông đèn, bón phân và công việc chăm sóc mà cho cây cho trái đạt loại 1 nhiều hay ít. Đối với vườn lớn, nông dân giỏi, có thể chăm sóc cho ra trái loại 1 chiếm 70%”.

Tuy nắm trong tay bí quyết trồng cây “triệu phú” nhưng với mong muốn giúp bà con thoát nghèo, anh Bình không giấu nghề mà còn đề đạt với chính quyền bảo lãnh cho nông dân vay vốn trồng thanh long. Ngoài cung cấp cây giống, anh còn nhiệt tình tư vấn, hướng dẫn miễn phí cho các hộ trồng thanh long ruột đỏ trên địa bàn.

Khi biết chúng tôi đến từ báo Kinh tế nông thôn, anh Bình vui mừng trải lòng: “Ngày trước đi học lớp tập huấn trồng cây ăn quả, tôi được cán bộ tư vấn đưa cho tờ báo Kinh tế nông thôn, trong đó có bài về kinh nghiệm trồng thanh long. Tôi về đọc thấy báo viết rất đúng và ý nghĩa. Từ đó tôi đặt mua báo thường xuyên. Ngoài học cách trồng, chăm sóc thanh long, tôi cũng biết được nhiều kinh nghiệm trong sản xuất - kinh doanh trên các bài viết của báo Kinh tế nông thôn”.

Hữu Thắng

KTNT

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/nguoi-gieo-mam-thanh-long-nu-hoang-tren-dat-can-xu-thanh-post4824.html