Người gieo mầm văn hóa đọc: cha mẹ, thầy cô

Chúng ta đang bước vào tuần lễ cuối cùng của tháng 4, không những là thời điểm diễn ra nhiều hoạt động kỷ niệm ngày thống nhất đất nước, mà còn chứng kiến một chuỗi sự kiện được tổ chức nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2023, từ giữa tháng 4 đến đầu tháng 5.

Đây là năm thứ hai Việt Nam kỷ niệm Ngày Sách và Văn hóa đọc, một sự kiện hòa vào dòng chảy chung với nhiều nước trên thế giới.

Gần 30 năm trước, ngày 23-4-1995, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) cho ra đời World Book Day (Ngày Sách thế giới) nhằm tôn vinh vai trò của sách và thói quen đọc sách tại các quốc gia thành viên.

Khoảng 100 thành viên UNESCO tham gia World Book Day hàng năm. Các sự kiện trong ngày này có thể khác nhau, nhưng tựu trung đều hướng đến mục tiêu cổ vũ cho thói quen đọc sách. Ở Anh Quốc chẳng hạn, mục đích của World Book Day là khuyến khích trẻ em và giới trẻ đọc sách để tiêu khiển.

Tại Việt Nam, theo kế hoạch năm nay, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì và phối hợp với các cơ quan khác – như Ban Tuyên giáo trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch – để tổ chức các hoạt động phát triển văn hóa đọc.

Vậy văn hóa đọc (reading culture) là gì? Theo định nghĩa của một tác giả mà người viết cảm thấy tâm đắc, văn hóa đọc là môi trường trong đó việc đọc được trân trọng, cổ vũ (về mặt tinh thần) và ủng hộ (về mặt vật chất) một cách tích cực(1).

Câu hỏi tiếp theo: người ở nước nào đọc nhiều nhất trên thế giới? Tổ chức World Culture Score Index (tạm dịch “Chỉ số văn hóa thế giới”) đã thực hiện các cuộc điều tra toàn cầu nhằm thống kê thời gian trung bình người dân ở các quốc gia dành cho việc đọc trong một tuần lễ (từ đọc tin trên mạng, thư điện tử đến sách báo, tạp chí in truyền thống). Theo kết quả cuộc điều tra gần đây nhất năm 2017(2), Ấn Độ là nước dẫn đầu với 10 giờ 42 phút mỗi tuần. Theo sau là Thái Lan (9 giờ 24 phút), Trung Quốc (8 giờ), Philippines (7 giờ 36 phút), Ai Cập (7 giờ 30 phút), Cộng hòa Séc (7 giờ 24 phút), Thụy Điển (7 giờ 6 phút), Pháp (6 giờ 54 phút), Hungary và Ả Rập Xê Út (cùng 6 giờ 48 phút).

Theo bài viết về văn hóa đọc nêu trên, việc đọc sách – dù chỉ để tiêu khiển – cũng có thể giúp học sinh học tốt hơn ở trường. Các thầy cô biết rõ việc này, không phải bằng cảm tính mà là kết quả của nhiều nghiên cứu cho thấy thói quen đọc tạo nên sự khác biệt rất lớn lên kết quả học tập. Việc đọc sách giúp học sinh khám phá thêm nhiều quan điểm và ý tưởng mới, giúp các em nhận ra mối liên hệ giữa các môn học trong chương trình.

Bài viết dẫn một nghiên cứu tiến hành trên 17.000 người ngay từ lúc mới sinh cho biết ngay cả việc đọc chỉ nhằm tiêu khiển cũng giúp tăng cường năng lực toán học lẫn văn chương. Một trong các tác giả của nghiên cứu này khẳng định tầm quan trọng của nhà trường và thư viện trong việc tiếp cận nguồn cung cấp sách phong phú, giúp học sinh đến được với cuốn sách mình ưa thích.

Như vậy, thư viện trong trường học và trong cộng đồng là một phần của các phương tiện – hay cơ sở vật chất – giúp hình thành văn hóa đọc.

Tuy nhiên, cơ sở vật chất chỉ là điều kiện cần. Một quốc gia muốn có được nền văn hóa đọc tốt, cần nhiều hơn thế!

Có thể nói, trong lĩnh vực thư viện, Mỹ là một trong những nước làm rất tốt. Một nghiên cứu cho thấy 98% học sinh Mỹ có một thư viện ngay trong lớp học. Nhưng trong cuộc điều tra năm 2017 của tổ chức Progress in International Reading Literacy Study (tạm dịch “Tiến bộ trong nghiên cứu khả năng đọc quốc tế”), học sinh Mỹ đã tụt từ hạng 5 (năm 2011) xuống hạng 13 (năm 2017), gióng lên tiếng chuông cảnh báo về khả năng cạnh tranh của học sinh Mỹ với các bạn đồng trang lứa ở các nước khác(3).

Như đã nói ở trên, văn hóa đọc về thực chất là tạo ra môi trường trong đó thói quen đọc được trân trọng và khuyến khích. Thói quen đó cần được hình thành càng sớm càng tốt, ở nhà lẫn ở trường.

Năm 2019, chủ đề của World Book Day là “Share a Story” (tạm dịch, “Hãy chia sẻ một câu chuyện”). Theo đó, mọi người – từ người lớn, phụ huynh đến các thành viên gia đình lớn tuổi hơn – được khuyến khích dành 10 phút mỗi ngày để đọc [một chuyện gì đó, không nhất thiết là kiến thức nghiêm túc] và chia sẻ nó với người khác. Cốt lõi của điều này là phụ huynh và người lớn hãy cùng đọc với con em của mình, với bạn bè hay chỉ đọc một mình ở bất cứ nơi nào – nhà mình, trường học, nơi làm việc v.v… – chủ yếu nhằm khuyến khích các em tự đọc.

Theo ngữ cảnh này, các hoạt động do các bộ ngành nêu trên tổ chức là rất có ý nghĩa. Nhưng đó cũng chỉ là một điều kiện cần. Không ai có thể ươm mầm văn hóa đọc cho các em tốt hơn, hiệu quả hơn bằng chính phụ huynh và thầy cô của các em. Và một trong những cách hiệu quả nhất là hãy làm gương.

Muốn con em thích đọc sách, hãy đọc sách cùng với chúng. Người lớn chúng ta đang có khuynh hướng để chiếc máy tính bảng hay điện thoại di động làm việc này thay cho mình!

———–

(1)https://blog.pearsoninternationalschools.com/Ten-ways-to-create-a-reading-culture-in-your-school/

(2)https://www.worldatlas.com/articles/the-countries-that-read-the-most.html

(3)https://www.studyinternational.com/news/best-readers-world/

Quỳnh Thư

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/nguoi-gieo-mam-van-hoa-doc-cha-me-thay-co/