Người giữ hồn quê qua những chiếc nón lá

Hơn 50 năm gắn bó với nghề truyền thống của quê hương, bà Phạm Thị Mì ở làng Chuông, xã Phương Trung, huyện Thanh Oai (Hà Nội) nổi tiếng là người tâm huyết trong việc gìn giữ, phát triển nghề làm nón lá.

Bà Phạm Thị Mì vừa chuốt nan để tạo vành nón, vừa chia sẻ

về nghề làm nón lá truyền thống của quê hương. (Ảnh: LT)

Làng Chuông cách trung tâm Hà Nội khoảng 30 km về hướng Tây, thuộc xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, nằm bên dòng sông Đáy hiền hòa, thơ mộng… Một ngày đầu thu, chúng tôi có mặt tại chợ Chuông đúng vào buổi chợ phiên. Tại đây luôn tấp nập người mua, người bán với nhiều loại sản phẩm phong phú, nhưng đặc trưng và bày bán nhiều nhất là các nguyên liệu để làm thành một chiếc nón lá. Thật tình cờ, chúng tôi tìm đến đúng quầy hàng của bà Phạm Thị Mì.Vừa giới thiệu về nghề làm nón lá truyền thống của quê hương mình, bà Mì vừa tận tình hướng dẫn chúng tôi cách lựa chọn nón lá. “Các bạn đừng lấy chiếc nào vành nón đã bị cong, mang về đội thì nón sẽ rất nhanh bị bung ra”, bà Mì chia sẻ.

Vừa bước qua tuổi 65, bà Phạm Thị Mì có dáng người nhỏ nhắn, giọng nói trầm ấm, bước đi nhanh nhẹn. Tuổi thơ của bà gắn liền với những chiếc lá, khung nón, đường kim, sợi cước mà ông bà, cha mẹ đã truyền dạy từ khi bà còn nhỏ. Sáu tuổi, bà Mì đã thành thạo hầu hết các công đoạn để làm ra chiếc nón lá. Cùng chúng tôi về thăm ngôi nhà của gia đình mình, bà Phạm Thị Mì cho biết: “Đây là nơi tôi đã gắn bó với nghề làm nón lá suốt trong mấy chục năm qua”. Trước hiên ngôi nhà cổ, những chiếc lá nón được phơi gọn gàng; bên trong nhà, những sợi cước, vành khung được sắp xếp ngay ngắn tại một góc.

Bà Mì tâm sự, để có một chiếc nón đẹp, bền, người thợ làm nón truyền thống phải thực hiện qua rất nhiều công đoạn. Những chiếc lá nón được lấy từ rừng về, mang ra trải cát cho phẳng, rồi lau sạch và phơi khô dưới nắng. Khung nón được làm từ thanh cây tre già, thẳng và lóng dài ngâm nước một thời gian để tăng độ bền, dẻo dai, tránh mối mọt, sau đó vót thành từng thanh tre mảnh, nhỏ, uốn hình vòng tròn có đường kính to nhỏ khác nhau thành những cái vành nón. Có đến 16 cái vành, vành nón to nhất có đường kính rộng khoảng 50cm, cái tiếp theo nhỏ dần và cái nhỏ nhất tròn bằng đồng xu, tất cả được xếp tiếp nhau trên một cái khuôn hình chóp. Đặc tính của lá nón là mỏng và nhanh bị hỏng khi gặp mưa nhiều nên người thợ thủ công đã tận dụng bẹ tre khô để làm lớp lót giữa hai lớp lá nón, làm cho nón vừa cứng lại vừa bền. Công đoạn tiếp, người thợ lấy dây cột chặt lá nón đã trải đều trên khuôn với khung nón rồi bắt đầu khâu. Đặt lá lên sườn nón rồi dùng dây cước và kim khâu để chằm nón thành hình chóp. Nón sau khi thành hình được quét một lớp dầu bóng để tăng độ bền và tính thẩm mĩ. Ở giữa nan thứ ba và thứ tư người thợ dùng chỉ đôi kết đối xứng hai bên để làm thành buộc quai. Quai thường được làm từ nhung, lụa, với các màu sắc như tím, xanh, đỏ...

Tìm hiểu được biết, đối với những người thành thạo nghề như bà Phạm Thị Mì, để hoàn thành một chiếc nón với các công đoạn nói trên phải mất ít nhất một ngày, nhưng giá thành thì dao động từ 60.000 đồng đến 70.000 đồng/chiếc nón. Với giá thành như thế, làm nón chỉ có những người già hay có con nhỏ, chân yếu, tay mềm... vì yêu nghề, tận dụng thời gian nhàn rỗi kiếm thêm thu nhập. Không giấu được nỗi buồn, bà Mì cho biết: “Giá trị ngày công của người làm nón giờ thấp lắm, vậy nên thanh niên ở đây cũng bỏ sang làm công việc khác ở Hà Nội hết cả chứ chẳng mấy người chịu ở nhà làm nón. Chỉ những người tuổi như bác ở nhà giữ cháu, lập lại thành nhóm duy trì công việc khâu nón để làm sao giữ cho được cái nghề cha ông để lại, hướng dẫn, truyền dạy lại con cháu trong làng để khỏi mất nghề truyền thống”.

Với tình yêu nghề truyền thống, bà Phạm Thị Mì đã tham gia nhiều lớp hướng dẫn các cháu thiếu nhi cách thức làm nón lá. Đặc biệt, bà Mì còn góp phần đưa nón lá Việt Nam đến với nhiều nước trên thế giới. Theo đó, bà Mì đã cùng một số người ở làng Chuông phối hợp với các hướng dẫn viên du lịch cùng thuyết minh, giới thiệu về nghề truyền thống và vẻ đẹp độc đáo của chiếc nón lá Việt Nam. Thông qua sự phiên dịch của các hướng dẫn viên, nhiều đoàn khách, nhất là khách nước ngoài đến tham quan làng Chuông đã rất ấn tượng với chiếc nón lá. Họ tham gia trải nghiệm các công đoạn để tạo thành chiếc nón theo sự hướng dẫn của bà Mì. Và chiếc nón lá đã theo chân du khách đến với nhiều vùng đất mới. Chiếc nón lá đơn sơ, gần gũi vốn là vật dụng dùng để che nắng, che mưa, làm quạt khi nóng… Ngày nay, nón lá còn được xem là những món quà đặc biệt và có ý nghĩa cho mỗi du khách khi đến Việt Nam. Bên cạnh đó, nón lá còn chứa đựng nét văn hóa của một làng quê.

Trải qua những thăng trầm của thời gian, mặc dù nghề làm nón lá đang gặp nhiều khó khăn so với trước, nhưng những người như bà Phạm Thị Mì vẫn cần mẫn và âm thầm lưu giữ hồn quê Việt qua những chiếc nón lá. Xếp những chiếc lá lên khuôn, bà lại ngân nga hát ru đứa cháu đang thiu thiu ngủ. Bàn tay bà khéo léo, mềm mại thành thục thực hiện các đường kim, mũi cước… Chính những con người bình dị như bà Mì đã và đang góp sức gìn giữ nghề truyền thống mang đậm bản sắc của người Việt Nam qua từng chiếc nón lá./.

Lê Tây

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/tu-tuong-van-hoa/nguoi-giu-hon-que-qua-nhung-chiec-non-la-497006.html