Người giữ lại làng

Trang trại An Nhiên ở thôn Triêm Tây, Điện Phương, Điện Bàn, Quảng Nam, cách Hội An 2km về hướng Đông Bắc mang dáng vẻ của làng quê Việt đúng nghĩa, với những rặng tre, khu vườn, bè tre, những căn nhà gỗ và lối sống chan hòa với thiên nhiên. Sự bình yên hiện ra trong mỗi dáng vẻ của con người sinh hoạt nơi đây, dù họ là người đang tạm dừng ở An Nhiên học cách làm vườn, là người thợ địa phương đang trồng cây làm kè, tái chế bánh xà phòng…

“Đất lành chim đậu” hẳn là không đúng với Vũ Mỹ Hạnh, cô gái Hà Nội sinh năm 1987, có công việc thu nhập cao, cơ hội đi khắp nơi trên thế giới lại chọn một làng quê Quảng Nam làm nhà. Năm 2014, khi Hạnh đến Triêm Tây, cầu Cẩm Kim chưa xây, người dân muốn sang phải lụy con đò. Người dân Triêm Tây lần lượt bỏ làng ra đi, bởi không chỉ vì xa cách phố thị mà cứ vào mùa mưa lũ, hàng ngàn mét vuông đất bị sạt lở trôi theo dòng nước.

Năm 2001, tổng diện tích đất ở của thôn Triêm Tây là 40ha nhưng đến năm 2017 chỉ còn 12,8ha. Như vậy, qua 16 năm, đất ở của người dân Triêm Tây đã bị “ngoạm” mất 27,2ha... Vắng bóng người, thường xuyên bị sạt lở, hệ sinh thái dần bị bào mòn, ngay đến cả ba mẹ của Vũ Mỹ Hạnh ở Hà Nội cũng không thể nào hiểu nổi tại sao con gái của mình lại chọn nơi đây để sống.

Các tình nguyện viên, học viên đến An Nhiên để sống với thiên nhiên

“Trước khi đến Triêm Tây sống và xây dựng An Nhiên Farm, tôi làm việc trong một tổ chức phi chính phủ và mối quan tâm của tôi luôn là cuộc sống của con người với đất đai, làng mạc; nhất là trong bối cảnh mọi thứ đều thay đổi, cách thức con người canh tác với đồng ruộng cũng khác đi. Những trăn trở mang tính cá nhân đó không được giải đáp trọn vẹn. Khung cảnh làng quê ở Triêm Tây vào năm 2014 đã chinh phục tôi.

Mọi thứ ban đầu rất đơn giản là tôi chọn Triêm Tây để sống gần gũi với thiên nhiên, với con người lao động. Ban đầu chỉ với tấm lòng, và rồi sống trong làng, cảm nhận vùng đất này, tôi dần hiểu vấn đề của làng quê Triêm Tây là gì, tình hình sạt lở đất ra sao. Mọi thứ đến tự nhiên như một dòng chảy. Có lẽ tôi là kiểu người thích thử thách, mạo hiểm. Sự đầy đủ, có sẵn không dành cho mình mà dường như những gì khó khăn, hoang dã quyến rũ mình hơn”, Vũ Mỹ Hạnh chia sẻ về mối duyên với làng Triêm Tây.

Trước khi đồng tiền trở thành mục tiêu cuối cùng cho mọi sự, ông bà ta đã sống rất gần gũi và thuận hòa với thiên nhiên.

“Tôi luôn ước mơ về một cuộc sống mà con người chan hòa với nhau, với thiên nhiên. Để hiện thực hóa điều đó rất khó, bởi Triêm Tây lúc đó đang thoái hóa và bị bào mòn bởi điều kiện tự nhiên và hoạt động của con người. Chính sách phát triển các vùng phụ cận, việc xây đê bê tông ở các khu vực khác ảnh hưởng đến dòng chảy. Hoạt động canh tác nông nghiệp của con người thì ngắn hạn. Con người chỉ lợi dụng sự giàu có của thiên nhiên để khai thác mà không có ý thức gầy dựng lại sự trù phú. Tôi nghĩ nếu hệ sinh thái tự nhiên trù phú thì con người sẽ hạnh phúc và ấm no.

Trước khi đồng tiền trở thành mục tiêu cuối cùng cho mọi sự, ông bà ta đã sống rất gần gũi và thuận hòa với thiên nhiên. Tôi muốn gầy dựng lại trong khả năng của mình một cuộc sống bình yên ở làng, đưa con người trở lại với vùng đất họ bỏ đi, nơi họ đã từng mất dần hy vọng...”, Mỹ Hạnh nói.

Thanh niên địa phương tham gia làm kè sinh thái An Nhiên

Ở những vùng tiếp giáp bị sạt lở, thay vì dùng kè cứng như đá, thép, xi măng, Mỹ Hạnh - An Nhiên Farm và cộng sự đưa ra ý tưởng thiết kế kè sinh thái. Kiến trúc sư Bùi Kiến Quốc từ Pháp về, khi đến Triêm Tây cũng đã từng tâm huyết với dự án kè sinh thái này và những người như Mỹ Hạnh đã có những tiếp bước rất mạnh dạn.

Trang trại An Nhiên sử dụng thảm thực vật bản địa và vật liệu thân thiện với môi trường, kết hợp kỹ thuật ổn định bờ, phù hợp điều kiện thực tế và không gian thực tế để xây dựng kè. Tháng 3.2017, dự án hoàn thành và đến tháng 11.2017, trận lụt lớn đưa dòng nước lên cao và nhanh gần đạt mức lụt lịch sử những năm 1964, 1999, 2007, bờ kè Triêm Tây chỉ bị hư hại chút ít, hàng bần phía ngoài bị trôi và lấp trong bùn, nhưng những cây còn lại vẫn đứng vững, cỏ búa che chở cho đất còn nguyên và những loài cây tiên phong trụ vững sau thảm họa.

Tôi muốn gầy dựng lại trong khả năng của mình một cuộc sống bình yên ở làng, đưa con người trở lại với vùng đất họ bỏ đi, nơi họ đã từng mất dần hy vọng...

Chính tín hiệu lạc quan đó đã khiến An Nhiên Farm tiếp tục phát triển các mảng khác trong đời sống sinh hoạt tại đây. Thanh niên địa phương, du khách, tình nguyện viên, những người nông dân cùng trồng lại các rừng cây lâu năm, phát triển các thảm thực vật khác nhau; hình thành các nhóm làm việc. Một ngày ở An Nhiên Farm là một điển hình của cuộc sống làng mạc đúng nghĩa với công việc đồng áng, vườn tược, quan sát vụ mùa, con nước...

Dự án mới nhất của An Nhiên là “Tái chế cho sinh kế” với các ý tưởng dần “chín mùi” và đang trong quá trình tìm kiếm các đối tác cùng thực hiện. Đó là việc tạo bánh xà phòng mới từ những mẩu thừa của khách sạn; tạo các sản phẩm vải cho trạm y tế, đồng phục học sinh, tác phẩm nghệ thuật từ vải thừa của khách sạn; tạo bánh xà phòng có thể phân hủy từ dầu chiên một lần của khách sạn... Đặc biệt, gây tiếng vang tốt là sản phẩm ống hút cỏ sậy đang được sử dụng tại nhiều địa chỉ ăn uống ở Hội An.

Bên cạnh đó, dịch vụ lưu trú - farm stay với lối sống tôn trọng, trải nghiệm thiên nhiên trong những ngôi nhà gỗ, những căn lều ở An Nhiên cũng đang thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước, những con người cùng mối quan tâm, chia sẻ những trăn trở trước các vấn đề về môi trường. Chỉ cần dừng chân tại An Nhiên, thử để những giọt mồ hôi rớt xuống sau một ngày đào hố trồng cây, tưới nước, hái rau, cào hến, nghỉ mát trên bè tre... mọi người sẽ dễ dàng chia sẻ được những công việc ý nghĩa và truyền cảm hứng về một lối sống gần gũi thiên nhiên mà Mỹ Hạnh đang dấn thân.

Chủ trang trại An Nhiên - Vũ Mỹ Hạnh một ngày ở vườn

Một ngày của Mỹ Hạnh tại An Nhiên Farm là một ngày mới với sự quan sát thiên nhiên, vừa học vừa nghiên cứu vừa làm... Chỉ cần vào trang facebook của An Nhiên Farm, mọi người sẽ dễ dàng được truyền cảm hứng về một lối sống tách rời công nghệ, lắng nghe thiên nhiên. Với Triêm Tây và An Nhiên Farm, vài năm cũng chỉ là chặng đường bắt đầu, bởi mọi sự luôn luôn là khó khăn. Thiên nhiên ngày càng phức tạp, con người lao động ngày càng ít bởi cuộc sống đầy đủ về mặt tài chính của những gia đình vừa bán được đất quê... Thế nhưng, với Vũ Mỹ Hạnh, càng khó khăn chị càng có niềm tin mãnh liệt và càng cảm thấy yêu công việc mỗi ngày.

“Nhà - vườn - rừng. Phục hồi, hỗ trợ hệ sinh thái đất, trồng cây gây rừng, trong bối cảnh thay đổi liên tục của diễn biến tự nhiên và xã hội, từ hiện trạng kiệt quệ, là một mục tiêu lớn. Nhưng bài học của An Nhiên sau bốn năm thực hiện điều này, là có thể chạm tới và hiểu hơn về mục tiêu ấy thông qua những gì đơn giản mà hiệu quả; cách tư duy và hoạch định việc cần làm, thời điểm và cách làm; tìm kiếm sự can thiệp và tạo ra sự ổn định từ quy mô nhỏ mà ra; và đôi khi, chính cảm giác đơn sơ dậy lên trong lòng, khi nghe thấy mùi thơm của đất và cỏ cây, cùng tiếng cười nói của những người bên cạnh trong mỗi bước đường ấy; là mạch nước ngầm trong trẻo len lỏi tưới tắm cho mỗi tâm hồn” - Vũ Mỹ Hạnh chia sẻ.

Trâm Anh - Ảnh: NVCC

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/nguoi-giu-lai-lang-18340.html