Người giữ nghề làm bánh của đồng bào Tày

Đơn giản chỉ là món ăn dân giã trong văn hóa ẩm thực của đồng bào Tày, nhưng nhờ sự năng động và khéo tay, duy trì nghề truyền thống bản địa món bánh chưng đen Văn Bàn đã có mặt tại những thị trường khó tính như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và các tỉnh thành lân cận…

Chị Huế và món bánh thành phẩm.

Người con gái dân tộc Tày Hoàng Thị Huế học cách gói bánh từ bà và mẹ khi mới 12 - 13 tuổi. Tâm sự với chúng tôi, chị Huế vẫn nhớ tâm trạng những dịp lễ tết của bản mình, được phụ giúp mẹ gói bánh chưng đen theo kiểu truyền thống. Vẫn là gạo nếp, nhưng phải là hạt gạo nếp Thẩm Dương – loại gạo đặc sản của Văn Bàn. Cây núc nác đem về đốt thành tro, ngâm với gạo nếp. Lá dong cũng được người Tày thu hái trên rừng về. Thịt lợn để làm nhân bánh cũng phải là thịt lợn đen nuôi tại bản, nhiều mỡ, bánh mới ngậy.

Thế rồi, lớn lên, chị Huế đi lấy chồng vẫn không quên nữ công gia chánh, duy trì gói bánh mỗi dịp lễ tết của gia đình. Cách đây chừng 5 năm, chị Huế chợt suy nghĩ, muốn cho mọi người thưởng thức món bánh ngon truyền thống nên đã thử gói và đem ra chợ trung tâm huyện bán. Ban đầu chỉ bán cho người dân trong huyện, thế rồi, miếng bánh theo chân mọi người đi làm quà… “Hữu xạ tự nhiên hương” - vậy là, vị bánh chưng ngon đã chiếm được tình cảm của người miền xuôi. Ban đầu mỗi ngày chị chỉ bán được khoảng 20 - 30 chiếc bánh chưng đen tại chợ huyện, sau dần nhu cầu tăng thêm, có ngày chị bán được 100 - 200 cái. Có khách đặt mang về xuôi, chị tập hợp chị em trong bản Mạ, thị trấn Khánh Yên cùng làm…

Nghề gói bánh chưng đen truyền thống đã mang lại nguồn thu nhập ổn định.

Sau khi bánh được gói cẩn thận sẽ được luộc 10 – 12 tiếng.

Thế rồi, có những ngày chị phải trả đơn hàng 2.000 chiếc bánh. Giờ đây, bánh chưng đen của chị Huế và tổ nhóm nghề của phụ nữ thôn Mạ đã theo chân các đơn hàng tỏa đi muôn nơi. Bình thường, mỗi ngày chị Huế làm khoảng 400 - 500 chiếc bánh; những dịp ngày Rằm, mồng Một hoặc lễ tết thì chị làm nhiều hơn 1.500 - 2.000 chiếc… Chị Huế bảo: Bánh giờ còn đi xa hơn người, chúng tôi làm ra chiếc bánh mà còn chưa được đi xa như thế. Ngoài duy trì bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc mình, làm bánh cũng mang lại nguồn thu nhập ổn định cho chị Huế và chị em trong tổ nhóm làm nghề gói bánh. Bánh chưng đen người Tày thường gói theo 2 loại, một là bánh chưng gù (theo cặp) và bánh chưng tày (loại dài). Cũng có khi gói bánh vuông theo yêu cầu của khách đặt hằng. Ngoài vị bánh chưng đen từ cây núc nác, khách hàng cũng rất ưa chuộng món bánh chưng lá riềng của người Tày Văn Bàn.

Đặc sản bánh chưng đen Văn Bàn.

Chất lượng làm nên thương hiệu, không cần phải quảng bá, giờ đây bánh chưng đen Văn Bàn đã được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, trở thành sản phẩm OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) 3 sao cấp tỉnh. Càng thế, chị Huế và chị em thôn Mạ càng thấy mình phải làm sao giữ được chất lượng bánh ngon mang hương vị riêng của núi rừng Tây Bắc từ khâu lựa chọn nguyên liệu sạch, có sẵn tại địa phương, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và điều đặc biệt hơn cả là phải làm giữ vững được thương hiệu – giữ uy tín với khách hàng.

Kiều Lê

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/nguoi-giu-nghe-lam-banh-cua-dong-bao-tay-76991