Người giữ 'ngọn đèn thiêng' giữa trùng khơi Trường Sa

Hơn 30 năm theo nghề gác đèn biển, có đến 24 năm gắn bó với các trạm hải đăng Trường Sa...

 Anh Trần Văn Ngữ (trái) thay mặt trạm hải đăng Tiên Nữ nhận quà do Đoàn Thanh niên TCT Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam trao tặng nhân chuyến thăm trạm tháng 4/2018 - Ảnh: Mai Huyên

Anh Trần Văn Ngữ (trái) thay mặt trạm hải đăng Tiên Nữ nhận quà do Đoàn Thanh niên TCT Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam trao tặng nhân chuyến thăm trạm tháng 4/2018 - Ảnh: Mai Huyên

Giữ “ngọn đèn thiêng” nơi đầu sóng ngọn gió

Câu chuyện của tôi với anh Trần Văn Ngữ - Trạm trưởng trạm hải đăng Tiên Nữ bắt đầu bằng cái nhìn xa về ký ức, khi anh Ngữ mới là chàng công nhân đèn biển 17 tuổi. “Lúc đó, không nghĩ mình lại có thể gắn với nghề lâu đến thế. Thoáng cái đã hơn 30 năm”, anh nhớ lại.

“4 năm sau khi theo nghề công nhân đèn biển, tôi được tín nhiệm giao nhiệm vụ là trạm trưởng hải đăng Hòn Dấu (Đồ Sơn, Hải Phòng). Thêm 4 năm nữa, với kinh nghiệm dày dặn cộng với nhiệt huyết của tuổi trẻ, tôi được lãnh đạo cử ra tiếp nhận trạm hải đăng Đá Tây mới vận hành. Và từ đó đến nay đã 24 năm, tôi gắn bó với các trạm hải đăng quần đảo Trường Sa. Hải đăng là nhà, người thân là đồng nghiệp”, anh Ngữ nói và chia sẻ thêm: Công ty quản lý 9 trạm hải đăng trong khu vực anh đã có mặt ở cả 9 trạm. Có trạm “đến hẹn lại lên” tới 5 lần do đặc thù công việc là điều chuyển nhân lực liên tục giữa các trạm để thay vị trí anh em trong thời gian về đất liền nghỉ phép. Cũng vì thế, đặc điểm kĩ thuật đèn từng trạm ra sao, địa lý, thời tiết khu vực thế nào, quy định luồng lạch hàng hải, anh đều nắm rõ như lòng bàn tay.

"Anh Trần Văn Ngữ là người giàu kinh nghiệm. Trong quản lý trạm hải đăng, anh quy tụ được anh em đoàn kết thực hiện tốt nhiệm vụ. Dù điều kiện ngoài biển còn nhiều khó khăn, anh Ngữ luôn chăm lo, nâng cao đời sống sinh hoạt, điều kiện làm việc của cán bộ, nhân viên. Vì vậy, lãnh đạo công ty tín nhiệm, “chọn mặt gửi vàng” thường cử anh đi tiếp nhận và vận hành các trạm hải đăng mới đi vào hoạt động”.

Ông Nguyễn Đức Huy
Chủ tịch Công đoàn Công ty Bảo đảm an toàn Biển Đông và hải đảo

Riêng với trạm hải đăng Tiên Nữ, anh đã 3 lần nhận nhiệm vụ. Đây là một trong những trạm khó khăn nhất vì ở cực Đông, cách xa đất liền nhất, cách bán đảo Cam Ranh khoảng 370 hải lý về phía Đông. Hải đăng Tiên Nữ được xây dựng năm 2000 trên mỏm đá mồ côi của đảo chìm san hô, cao 22,1m, có tầm hiệu lực ánh sáng ban ngày 14 hải lý, ban đêm 15 hải lý. Trạm đèn cách đầu kia của đảo, nơi đơn vị bộ đội đóng quân khoảng 6,5-7km. Tuy nhiên, để đi được sang bên phía bộ đội cũng phải mất cả tiếng đi xuồng vì khi nước lên chỉ còn mặt biển mênh mông, trơ lại hai đầu đảo đá: Bên này bộ đội, bên kia trạm hải đăng. Khi nước xuống, trơ bãi san hô thì ở giữa đảo thành lòng hồ. Thành ra, 5 nhân viên tại trạm như những “Robinson” trên hoang đảo, phải tự chịu trách nhiệm và chủ động, tự giác thực hiện nhiệm vụ.

Đèn tại hải đăng Tiên Nữ hoạt động 12/24h vào ban đêm. Còn ban ngày, công nhân đèn biển phải quan sát tàu bè qua lại, xem có tàu lạ, mục tiêu lạ trên không, trên biển hay vấn đề gì xảy ra để thông báo cho các lực lượng chức năng. Cùng đó, duy tu, bảo dưỡng trang thiết bị thường xuyên.

Anh Ngữ tâm sự, khoảng 2 tháng tàu tiếp tế mới từ đất liền ra, tuy có vật tư dự phòng nhưng không phải lúc nào cũng đáp ứng được. Còn nếu báo về đơn vị, cũng phải mất thời gian chờ tàu mang ra. Trong điều kiện khó khăn đó, ưu tiên hàng đầu vẫn phải là chăm sóc, sử dụng các thiết bị thật tốt để “ngọn đèn thiêng” không bao giờ tắt khi màn đêm buông xuống. Vì thế, với vai trò trạm trưởng, anh luôn tích cực tìm tòi, học tập tài liệu, vận dụng vào thực tiễn để vận hành các máy móc, thiết bị báo hiệu hàng hải hoạt động đúng thông số kĩ thuật, đảm bảo an toàn cho tàu, thuyền, phương tiện đi lại trên tuyến hàng hải được phân công. Mặt khác, thường xuyên trao đổi, hướng dẫn, động viên anh em trong trạm thực hiện tốt nhiệm vụ.

Ngoài thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, các anh còn thực hiện tốt vai trò người dân quân tự vệ biển. Tiểu đội trạm hải đăng phối hợp chặt chẽ với đơn vị bộ đội luyện tập với tinh thần luôn sẵn sàng tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Hải đăng là nhà, đồng nghiệp là người thân

Biền biệt ngoài đảo, trong khi vợ con vẫn ở Hải Phòng, có những lúc anh không tránh khỏi nỗi buồn, cô đơn, lại thương vợ một mình gánh vác, lo toan từ con cái học hành đến công to, việc lớn hai bên nội ngoại. Một năm chỉ gặp nhau một lần dịp anh về nghỉ phép, lúc đó mới tranh thủ đỡ đần được vợ.

“Như “ông Ngâu bà Ngâu” nhỉ! Thế nhưng, chưa bao giờ tôi có ý định chuyển nghề về quê cho gần vợ con. Đã là cái nghiệp rồi, gắn bó mấy chục năm trời. Vì thế, vợ động viên chồng, chồng động viên vợ cố gắng khắc phục, rồi cũng vượt qua được hết”, anh nói và tự hào khoe con gái lớn đã là sinh viên năm ba Học viện Báo chí tuyên truyền, con thứ 2 đang học lớp 9.

Anh Trần Văn Ngữ nhiều năm liền đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến”, từ năm 2013 - 2017 liên tục đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua” cơ sở; Bộ GTVT tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp phát triển GTVT Việt Nam; Bộ GTVT tặng Bằng khen; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 2013; Từ năm 2011 đến nay anh được Bộ Tư lệnh Hải quân tặng danh hiệu “Chiến sĩ tiên tiến”. Năm 2018, anh được vinh dự là một trong hai đại biểu của Bộ GTVT tham dự Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 -11/6/2018) và biểu dương tôn vinh các anh hùng, điển hình tiên tiến toàn quốc.

Ở đảo này sang đảo khác trong mấy chục năm, nên với anh, hải đăng là nhà, đồng nghiệp là người thân. Dù trạm lớn hay trạm nhỏ như Tiên Nữ, anh đều cùng anh em trong trạm dày công chăm sóc, kể cả tăng gia sản xuất. Hai tháng đơn vị tiếp tế lương thực, thực phẩm một lần trong khi điện trên đảo yếu, tủ cấp đông không thể trữ nhiều. Nâng niu từng chút đất từ đất liền chuyển ra đảo, chia vào những khay nhựa, anh em chăm chỉ trồng rau, rồi nuôi gà, vịt, câu cá, đánh lưới để có thực phẩm tươi phục vụ bữa ăn hàng ngày. Mà trồng rau cũng lắm công phu, tưới nước, bón phân đã đành, lại còn canh gió. Gió hướng nào, lại phải di chuyển khay rau để che chắn, tránh gió hướng đó. Mùa mưa, nước ngọt thoải mái vì đã có bể trữ nước mưa. Nhưng mùa khô phải tằn tiện, có khi còn phải tắm trong chậu rồi lấy nước đó tưới rau.

Có mấy anh em, chú cháu gắn bó với nhau như gia đình nhưng không vì thế mà dễ dãi, xuê xoa. Là trạm trưởng, anh thường xuyên động viên anh em xác định rõ trách nhiệm với nghề, phải đồng tâm, đoàn kết để vượt qua; đồng thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng hay hoàn cảnh gia đình của anh em để động viên, giúp đỡ kịp thời. “Đây không đơn thuần là công việc làm công ăn lương mà còn là trách nhiệm với bao con tàu, sinh mạng những người đi biển, là trách nhiệm trong giữ gìn biển đảo Tổ quốc”, anh chia sẻ.

Nói về người đồng nghiệp cũng là đồng hương Hải Phòng đã cùng nhau gắn bó mấy chục năm nơi biển đảo Trường Sa, trạm trưởng trạm hải đăng Song Tử Tây Vũ Sĩ Lưu chia sẻ, Trần Văn Ngữ là trạm trưởng giàu kinh nghiệm cả trong kĩ thuật lẫn trong quản lý trạm. Với công việc rất quyết đoán, với anh em lại rất tình cảm, hòa đồng nên luôn được anh em tin tưởng, cùng nhau khắc phục khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Ban tổ chức nhận tác phẩm dự thi từ ngày 28/8/2018 - 1/8/2019
(Thời gian tính theo dấu bưu điện)

Địa chỉ nhận bài dự thi: Báo Giao thông, số 2 Nguyễn Công Hoan, Ba Đình, Hà Nội

Email: cuocthigtvt@baogiaothong.vn Điện thoại đường dây nóng: 0914799709

Ghi rõ trên bì thư hoặc email: “Bài tham dự Cuộc thi Báo chí viết về giao thông vận tải” và thông tin cá nhân: Tên thật, địa chỉ, điện thoại, email để tòa soạn tiện liên lạc

Vĩnh Phú, Kỳ Nam

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/nguoi-giu-ngon-den-thieng-giua-trung-khoi-truong-sa-d274169.html