Người 'giúp' quân Đồng Minh tiến vào Berlin

Phần lớn những nguồn tin quan trọng giúp Đồng Minh đánh thắng Đức quốc xã lại không đến từ người Đức, mà từ một chiến hữu thân cận với Hitler. Đó là Baron Hiroshi Oshima, đại sứ Nhật Bản ở Berlin…

Trong suốt cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ II, phía Đồng Minh đã áp dụng rất nhiều những biện pháp để có thể nắm được ý đồ quân sự của Hitler cùng các tướng lĩnh Đức Quốc xã. Một trong những biện pháp ấy là nghe lén, giải mã các mật lệnh của Bộ Tổng tham mưu quân đội Quốc xã gửi đến tất cả các đơn vị trên chiến trường.

Nhưng trớ trêu thay, phần lớn những nguồn tin quan trọng giúp Đồng Minh đánh thắng Đức quốc xã lại không đến từ người Đức, mà từ một chiến hữu thân cận với Hitler. Đó là Baron Hiroshi Oshima, đại sứ Nhật Bản ở Berlin…

Từ nhà quân sự đến nhà ngoại giao

Hiroshi Oshima đến Berlin, Đức, lần đầu tiên vào năm 1934 - một năm sau khi Hitler lên nắm quyền lãnh đạo Nhà nước Quốc xã, với cương vị là tùy viên quân sự của Đại sứ quán Nhật Bản tại Đức. Và bởi vì quan điểm chính trị của Oshima hoàn toàn phù hợp với thuyết "chủng tộc thượng đẳng" của Hitler nên Oshima nhanh chóng thành công trong việc thiết lập mối quan hệ hữu hảo với những nhân vật chóp bu trong chính quyền Đức, cũng như với các thành viên cao cấp đảng Quốc xã. Hơn thế nữa, khi liên minh Đức, Nhật, Italy - gọi là phe Trục - Axis - ra đời thì vai trò của Oshima càng được nâng cao, cả ở Đức lẫn Nhật Bản.

Năm 1939, trước lúc Hitler xua quân xâm lược Ba Lan, châm ngòi cho Thế chiến II thì Oshima trở về Nhật. Một năm sau, ông quay lại Berlin nhưng lần này với cương vị đại sứ. Trong lễ trình quốc thư, đích thân Hitler ra tận cửa đại sảnh đón Oshima rồi sau đó, cả hai trò chuyện với nhau suốt gần 2 giờ đồng hồ. Trong cuộc trò chuyện, phát xuất từ lòng tin liên minh chiến lược Đức, Nhật, Italy, nên Hitler đã không ngần ngại cho Oshima biết về kế hoạch phát động chiến tranh của Quốc xã ở châu Âu, trong đó có cả việc Đức sẽ chiếm Pháp, Bỉ, Áo, Na Uy, Hà Lan, Đan Mạch…

Hitler ra tận cửa đại sảnh đón Oshima khi ông đến trình quốc thư.

Ngay tối hôm ấy, toàn bộ thông tin nêu trên được Oshima soạn thành văn bản dưới dạng mật mã rồi gửi về Tokyo để Chính phủ Nhật nắm được động thái quân sự của nước Đức, giúp Bộ Tham mưu quân đội Thiên Hoàng vạch ra chiến lược phù hợp ở Mãn Châu, Trung Quốc, Miến Điện, Philippines, Singapore, Việt Nam và các hòn đảo ở Thái Bình Dương.

Là con trai trong một gia đình võ sĩ đạo (samurai) nổi tiếng ở tỉnh Gifu, Nhật Bản, cha của Oshima là ông Ken'ichi - đã từng là Bộ trưởng Bộ Chiến tranh Nhật Bản từ năm 1916 đến 1918. Sau khi tốt nghiệp Học viện Quân sự Hoàng gia Nhật Bản và Đại học Quân sự Nhật Bản, Oshima trở thành sĩ quan hàm đại úy trong đạo quân viễn chinh ở Siberia. Tiếp theo - năm 1930 - ông mang hàm đại tá và được bổ nhiệm làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn pháo binh hạng nặng số 10.

Năm 1934, Oshima là tùy viên quân sự của Đại sứ quán Nhật Bản ở Berlin, Đức, hàm thiếu tướng trước khi chính thức giữ vai trò đại sứ năm 1940 với cấp hàm trung tướng. Là bạn thân với Joachim Von Ribbentrop, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Quốc xã đồng thời cũng là cố vấn về các chính sách đối ngoại cho Hitler, cũng như với Heinrich Himmler, trùm mật vụ Đức Quốc xã, cả hai nhân vật ấy đã cung cấp cho Oshima nhiều tin tức thuộc loại "trên cả tuyệt mật".

Thời điểm này, giữa Mỹ và Nhật chưa xảy ra chiến tranh, nước Mỹ vẫn đứng ngoài cuộc nhưng Chính phủ Mỹ không ngừng cảnh giác, đề phòng chủ nghĩa quân phiệt Nhật. Bên cạnh việc thiết lập một mạng lưới điệp viên ở Đức, Nhật và nhiều quốc gia khác đã bị Đức, Nhật chiếm đóng, hoặc có quan hệ ngoại giao, thương mại với Đức, Nhật để thu thập tin tức, Bộ Chiến tranh Mỹ còn tổ chức một hệ thống nghe lén và giải mã các bản tin gửi đi và đến các sứ quán Nhật, Đức.

Hệ thống ấy đặt tại một tòa nhà cổ kính trong công viên Bletchley, Bukinghamshire của Anh với các máy móc tối tân nhất thời bấy giờ. Đến năm 1940, Bletchley đã giải mã được tất cả những bản tin từ Đại sứ quán Nhật Bản ở Berlin gửi về Tokyo và ngược lại. Tuy nhiên, người Nhật hoàn toàn giấu kín người Đức việc họ sẽ tập kích Trân Châu Cảng nên Washington chẳng hay biết gì.

Những thông tin vô giá

Tháng 6-1941, Nhật bất ngờ tấn công Trân Châu Cảng, gây thiệt hại nặng nề cho Hạm đội Thái Bình Dương, Mỹ, thì đại sứ Oshima trở thành trọng tâm của những buổi thảo luận với các tướng lĩnh cao cấp nhất trong quân đội Quốc xã về vấn đề liên kết Đức, Nhật, thông qua ngả Trung Đông. Bên cạnh đó, Oshima còn được quyền tiếp cận với các tin tức từ Bộ Chiến tranh Đức.

Với sự tận tâm vì Đế quốc Nhật, Oshima ghi chép tất cả những vấn đề mà ông đánh giá là quan trọng rồi gửi về Tokyo. Sự tận tâm ấy vô tình đã cung cấp cho người Mỹ những tài liệu "có nằm mơ cũng chẳng thấy được". Những báo cáo của Oshima bao trùm một loạt các vấn đề quân sự, chẳng hạn như người Đức đang tiến hành chương trình chế tạo máy bay phản lực, bom bay V1, bom nguyên tử và quan trọng nhất là kế hoạch tấn công Liên Xô, được gọi là "Chiến dịch Barbarosa", xảy ra vào ngày 22-6-1941.

Thiết bị nghe lén, giải mã các báo cáo của Oshima ở Bletchley.

Khi giải mã được thông tin này, Chính phủ Mỹ cung cấp cho Chính phủ Anh để người Anh báo cho phía Liên Xô với ý định lôi kéo Liên Xô tham gia vào phe Đồng Minh chống phát xít Đức. Tuy nhiên những nhà lãnh đạo Liên Xô hồi ấy lại không tin rằng Đức sẽ đánh họ vì giữa hai nước đã ký kết một hiệp ước không xâm lược lẫn nhau. Cuối cùng, khi cuộc tấn công diễn ra đúng với những gì người Anh đã cảnh báo, Liên Xô mới biết Hitler đã trở cờ.

Ngày 3-1-1942, Oshima và Hitler gặp nhau. Rất nhanh chóng, cả hai đi đến thống nhất rằng hải quân hai nước sẽ tiến hành các cuộc tấn công trên biển, nhắm vào các tàu dân sự không vũ trang, vận chuyển hàng hóa cho phe Đồng Minh. Mùa xuân nằm 1944, Oshima gửi Tokyo một báo cáo đầy đủ về chiếc máy bay phản lực Messerschmitt Me 262A-1a do Đức Quốc xã chế tạo, bay thử lần đầu tiên và đã thành công. Trong báo cáo, Oshima mô tả chi tiết các thông số của nó như hình dáng, vật liệu hợp kim, sức đẩy động cơ, tốc độ, vận tốc, độ cao, vũ khí trang bị cùng các nhà máy, nơi chế tạo ra các bộ phận của nó. Căn cứ vào báo cáo này, người Mỹ biết được chương trình chế tạo máy bay phản lực chiến đấu của Đức đã phát triển đến mức độ nào rồi từ đó, vạch ra kế hoạch ném bom vào các cơ sở công nghiệp hàng không Đức.

Trớ trêu thay, những báo cáo của Oshima nói về hậu quả của các trận ném bom lại được người Mỹ giải mã. Nhờ vậy, Bộ Chiến tranh Mỹ đánh giá được những thiệt hại của Đức, giúp những nhà hoạch định chiến lược tiến hành những cuộc ném bom tiếp theo. Chỉ duy nhất một lần người Mỹ không tin vào Oshima, đó là khi ông gửi Tokyo bản báo cáo về loại bom bay V1, V2 mà người Đức vừa thử nghiệm thành công. Khi ấy, Bộ Chiến tranh Mỹ cho rằng sau những cuộc ném bom hủy diệt, ngành công nghiệp quân sự Đức đã quay trở lại thời điểm những năm 1930 nên bom bay V1, V2 là đòn "rung cây nhát khỉ". Chỉ đến khi những quả bom này rơi xuống London, Anh, phá hủy phần lớn thành phố, giết chết hơn 20.000 người họ mới vỡ lẽ ra thì đã muộn.

Cũng trong năm 1944, khi được mời đi thăm tuyến phòng thủ ở bờ biển miền bắc nước Pháp, Oshima đã gửi về Tokyo tổng cộng 24 báo cáo, trong đó mô tả chi tiết từng ụ súng hạng nặng, số lượng, phiên hiệu và trang bị vũ khí của các đơn vị Đức đóng quân ở vùng này. Bên cạnh đó, Oshima còn nói rõ về cơ cấu chỉ huy, các tuyến đường tiếp vận chính. Những báo cáo ấy đã trở thành tài liệu vô giá để phía Đồng Minh lập ra kế hoạch đổ bộ lên Normandy ngày 6-6-1944.

Sau cuộc đổ bộ, ngày 4-9-1944, Oshima được Hitler mời đến Tổng hành dinh quân đội Quốc xã. Trong hơn một giờ đồng hồ nói chuyện, Hitler tiết lộ rằng ông ta đang lập kế hoạch phản công lớn ở phía tây, cụ thể là tại rừng Bulge thuộc vùng Ardennes, nước Bỉ. 20 sư đoàn bộ binh Quốc xã với sự phối thuộc của 9 sư đoàn xe tăng, 6 sư đoàn pháo binh và 4 sư đoàn không quân sẽ tập trung vào tháng 10 và tháng 11. Khi đó, thời tiết mùa đông sẽ rất xấu, máy bay Đồng Minh không thể phát huy sức mạnh. Theo Hitler, cuộc tấn công sẽ được tung ra vào cuối tháng 11 và để quân Mỹ phải đối phó ở cả hai đầu, Hitler yêu cầu Oshima báo về Tokyo, đề nghị phía Nhật tăng cường các trận tập kích Hải quân Mỹ trên biển Thái Bình Dương.

Một lần nữa, món quà vô giá lại rơi vào tay người Mỹ và Đồng Minh. Đúng như báo cáo của Oshima gửi Tokyo, cuối tháng 11-1944, quân đội Đức mở cuộc phản công chiếm lại nước Pháp. Ngày 16-12, Đồng Minh chính thức nghênh chiến. Trận đánh rừng Bulge kéo dài 39 ngày với số thương vong của Đồng Minh là 75.000 người, còn phía Đức là 98.000 người. Đây được coi là trận đánh đẫm máu nhất trong suốt chiều dài Thế chiến II. Kết quả quân Đức tháo lui, Đồng Minh lần lượt giải phóng Bỉ, Áo, Hà Lan, Na Uy, Đan Mạch… Ở Thái Bình Dương, Hải quân Mỹ đánh đắm một loạt các hàng không mẫu hạm và chiến hạm sừng sỏ của đế quốc Nhật, trong đó có soái hạm Yamato, được cho là "không thể chìm".

Tội phạm chiến tranh

Đầu tháng 3-1945, nhận thấy cuộc chiến đã đến hồi kết thúc, Oshima gửi về Tokyo bản báo cáo, nội dung cho biết "Berlin chỉ còn có thể đứng vững thêm 1 tháng". Ngày 13-4-1945, Oshima gặp Bộ trưởng Ngoại giao Ribbentrop - và đó cũng là lần gặp gỡ cuối cùng: Ông cùng tất cả các nhà ngoại giao khác phải rời Berlin ngay lập tức vì theo giải thích của Ribbentrop, Liên Xô và Đồng Minh sẽ hủy diệt cả thành phố. Lập tức, ông gửi vợ đến Bad Gastein, Áo rồi hôm sau, ngày 14-4, Oshima cũng các nhân viên ngoại giao Nhật Bản cũng đến Áo.

Đầu tháng 5-1945, Đức Quốc xã đầu hàng. Oshima bị quân Đồng Minh bắt giam. Trong suốt những năm là đại sứ ở Đức, Oshima đã gửi về Tokyo tổng cộng hơn 1.400 báo cáo, trong đó 300 báo cáo được phía Đồng Minh nhận định là vô cùng giá trị. Thống tướng George C. Marshall, Tổng Tư lệnh tối cao quân đội Đồng Minh nhận định: "Những báo cáo của Oshima là cơ sở giúp chúng ta nắm được chiến lược của Hitler ở châu Âu, và cũng là cơ sở để chúng ta đập tan những chiến lược ấy…".

Ngày 11-7-1945, người Mỹ chuyển Oshima đến trại tù binh chiến tranh Bedford Springs nằm ở núi Allegheny, thuộc bang Pennsylvania, Mỹ, để thẩm vấn. Đến tháng 11, sau khi Nhật đầu hàng, phía Mỹ trao trả ông cho chính quyền mới của nước Nhật.

Ngày 16-12-1945, Oshima ra tòa với cáo buộc tội phạm chiến tranh, bao gồm việc tích cực hợp tác với Hitler trong chiến dịch tấn công các tàu vận tải dân sự không vũ trang, dẫn đến cái chết của hơn 47.000 người vô tội, hợp tác với các phòng thí nghiệm Đức, cung cấp những kết quả thí nghiệm ấy để quân đội Nhật áp dụng trên cơ thể tù binh Anh, Mỹ, Philippines, tích cực ủng hộ việc diệt chủng người Do Thái, dùng tù binh là phi công Đồng Minh làm lá chắn sống để ngăn các cuộc ném bom lên lãnh thổ nước Nhật…

Ngày 12 tháng 11 năm 1948, Oshima bị kết án tù chung thân nhưng năm 1958, ông được ân xá. Oshima chết năm 1975 và cho đến tận lúc chết, ông vẫn không hề biết rằng chiến thắng của quân Đồng Minh một phần có được do sự "tận tâm" của ông trong việc phục vụ nhà nước quân phiệt Nhật…

Vũ Cao (theo War History)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/tu-lieu-antg/nguoi-giup-quan-dong-minh-tien-vao-berlin-519649/