Người Gò Vấp giữa tâm dịch: Lo nhất sức khỏe, việc khác từ từ xử lý

'Lo nhất vẫn là sức khỏe của mình thôi, còn những việc khác cũng lo phần nào, nhưng từ từ sẽ xử lý được', anh Nguyễn Minh Tiến, chủ tiệm cắt tóc, chia sẻ.

Tiếng còi xe cấp cứu chạy liên tục cả ngày lẫn đêm khắp các khu phố khiến anh Nguyễn Minh Tiến (25 tuổi, chủ tiệm cắt tóc ngụ quận Gò Vấp) ngày càng sốt ruột.

Chỉ trong 4 ngày kể từ khi TP.HCM phát hiện ca chỉ điểm liên quan Hội thánh truyền giáo Phục Hưng, F0 đã xuất hiện ở 10/16 phường của quận Gò Vấp. Đến 9h ngày 30/5, quận này có 44 ca dương tính với nCoV và con số tiếp tục tăng.

Chưa kịp tính đường xoay xở từ khi TP.HCM yêu cầu đóng cửa tiệm cắt tóc, gội đầu, anh Tiến lại nghe thêm tin quận Gò Vấp phải áp dụng Chỉ thị 16.

Diễn biến bất ngờ

Vừa đọc báo thấy thông tin cách ly xã hội quận Gò Vấp, anh Tiến lập tức đi chợ để mua một số thực phẩm, đồ dùng thiết yếu, thuốc men, chuẩn bị cho "cuộc chiến" 2 tuần tới.

Đóng cửa tiệm cắt tóc, thanh niên này vẫn chưa biết làm thế nào để có 50 triệu đồng trả tiền thuê mặt bằng và lương cho nhân viên hàng tháng.

Để vượt qua những đợt đóng cửa từ đầu năm 2020 đến nay, anh cũng đã phải vay mượn không ít. Khoản hỗ trợ 1 triệu đồng của thành phố không thấm tháp bao nhiêu so với số tiền anh phải chi hàng tháng để duy trì tiệm.

"Lo nhất vẫn là sức khỏe của mình thôi, còn những việc khác cũng lo phần nào, nhưng từ từ sẽ xử lý được", chủ tiệm cắt tóc chia sẻ.

Người dân Gò Vấp xếp hàng chờ xét nghiệm tầm soát Covid-19. Ảnh: Phạm Ngôn.

PGS. TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Kinh tế phát triển TP.HCM, nhận định chuỗi lây nhiễm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng là "diễn biến bất ngờ" với toàn thành phố. Ông cho rằng quyết định áp dụng Chỉ thị 15 và 16 đã được lãnh đạo thành phố suy nghĩ, cân nhắc rất kỹ.

"Nếu để chậm, TP sẽ bị ảnh hưởng và cả các địa phương khác. Quyết định rất đắn đo nhưng có sự đồng thuận. Thà chấp nhận khó khăn trong 14 ngày còn hơn để khó khăn kéo dài", ông nhận định.

Viện trưởng Viện Kinh tế Phát triển TP.HCM kiến nghị sau khi áp dụng Chỉ thị 15, nếu tình hình được kiểm soát, thành phố có thể giảm xuống Chỉ thị 19.

Mục tiêu kép thì tùy từng thời điểm nhưng bây giờ phải ưu tiên dịch bệnh.

PGS. TS Trần Hoàng Ngân

Ông nhắc lại thời điểm tháng 3-4/2020, TP.HCM cũng trải qua một đợt cách ly xã hội, từ đó, giúp thành phố rút ra nhiều bài học kinh nghiệm. Theo ông, điều quan trọng là phải duy trì sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh. Các khu công nghiệp, doanh nghiệp cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của thành phố, không để xảy ra dịch bệnh, duy trì sản xuất, kinh doanh.

Cùng với đó, thành phố cùng doanh nghiệp phải nỗ lực để có nguồn cung ứng vaccine, sớm triển khai cho người dân trong thời gian sớm nhất. Như vậy, TP.HCM mới có khả năng kiểm soát dịch bệnh.

"Mục tiêu kép thì tùy từng thời điểm, nhưng bây giờ phải ưu tiên dịch bệnh. Sau 14 ngày kiểm soát tốt thì sản xuất kinh doanh sẽ phục hồi trở lại", chuyên gia nhận định.

Chuyên gia dự báo đợt dịch này sẽ ảnh hưởng không ít đến tăng trưởng kinh tế của thành phố năm 2021, và Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM sẽ phải thay đổi kịch bản tăng trưởng kinh tế dựa trên tình hình hiện tại.

Tuy nhiên, ông cũng dẫn chứng nền kinh tế của Mỹ, Trung Quốc đã suy giảm rất nhiều trong dịch nhưng nhờ thực hiện tốt chính sách tiêm chủng vaccine nên nhanh chóng phục hồi trở lại.

"Chúng ta phải vừa học tập bài học của chính chúng ta năm 2020, nhưng cũng học bài học của các nước để kiểm soát dịch, bảo vệ sức khỏe nhân dân", ông chia sẻ.

Vượt qua ngưỡng an toàn

"Tỷ lệ lây nhiễm tại thành phố hiện là 13 ca/triệu dân. Như vậy là đáng báo động", Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh cảnh báo tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch TP.HCM sáng 30/5. Với mốc này, TP.HCM đã trở thành địa phương có dịch khi vượt qua ngưỡng an toàn là 10 ca mắc/triệu dân (theo WTO).

Chưa đầy một tuần, TP.HCM phát hiện 4 chuỗi lây nhiễm. Nguồn lây của 2 trong 4 ổ dịch này đến nay vẫn là ẩn số. Lần đầu tiên, thành phố cùng tồn tại 2 biến chủng của SARS-CoV-2 là biến chủng Anh và Ấn Độ.

Tỷ lệ lây nhiễm tại thành phố hiện là 13 ca/triệu dân, đáng báo động.

Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh

Đầu tiên là chuỗi lây nhiễm trong công ty ở quận 3 với hai bệnh nhân là BN4514 (ngụ TP Thủ Đức) và BN4583 (ngụ quận 7). Qua điều tra dịch tễ, BN4583 từng đến Hải Phòng từ 24/4 đến 3/5. Kết quả giải mã bộ gene cho thấy họ mang biến chủng Ấn Độ, chủng lây nhiễm phổ biến tại Hải Phòng. Do đó, ngành y tế nhận định nguồn lây của ổ dịch từ bệnh nhân này.

Ổ dịch tại quán bánh canh quận 3 có 5 bệnh nhân, gồm: BN4780, BN4781 (con BN4780), BN4782 (con BN4780), BN5329 (cháu ngoại BN4780), BN5463 (con BN4780). Kết quả giải mã gene cho thấy bệnh nhân mang biến chủng Anh. Hiện, ngành y tế chưa phát hiện nguồn lây của chuỗi lây nhiễm này.

Lực lượng y tế thức trắng nhiều đêm để lấy mẫu xét nghiệm cho người dân khu vực phong tỏa. Ảnh: Duy Hiệu.

Đêm 26/5, Bệnh viện Nhân dân Gia Định bất ngờ phát hiện thêm 3 bệnh nhân dương tính với nCoV qua khám sàng lọc. Điều tra dịch tế cho thấy họ cùng thuộc Hội thánh truyền giáo Phục Hưng. Từ đây, ngành y tế thần tốc truy vết và liên tục phát hiện những ca dương tính mới. Tính đến 20h ngày 30/5, chuỗi lây nhiễm này đã lên đến 145 ca, trong đó 3 ca tại Long An, Tây Ninh và Bạc Liêu.

Khi chuỗi lây nhiễm này vẫn đang lan rộng, tối 27/5, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn tiếp tục phát hiện thêm 2 ca dương tính SARS-CoV-2 qua khám sàng lọc. Điều đáng lo là 2 bệnh nhân này không có dấu hiệu dịch tễ liên quan đến nhóm tôn giáo kể trên.

Chọn giải pháp ít xấu nhất

Ngày 27/5, khi TP.HCM đang tồn tại cùng lúc 2 ổ dịch chưa rõ nguồn lây, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM tổ chức cuộc họp khẩn. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ đợt dịch thứ 4, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên tham dự cuộc họp chống dịch của thành phố.

Không có cách nào khác, ta phải chọn giải pháp ít xấu nhất.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên

Trước diễn biến của dịch, Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã lập tức đưa ra các chỉ đạo nhằm nâng mức độ phòng, chống dịch. Lãnh đạo thành phố yêu cầu tạm dừng các hoạt động kinh doanh ăn uống tại chỗ, dịch vụ làm đẹp (nail, cắt tóc...); không tập trung quá 10 người nơi công cộng...

TP.HCM gần như áp dụng Chỉ thị 15, ngoại trừ các hoạt động vận tải vẫn diễn ra bình thường với yêu cầu chỉ chở 50% sức chứa.

Ngày 28/5, số ca nhiễm vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Báo cáo với Thủ tướng tại cuộc họp ngày 29/5, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong thừa nhận "thành phố có thể vẫn tiếp tục ghi nhận các ổ dịch rải rác". Ông kiến nghị Chính phủ hỗ trợ tìm nguồn cung vaccine và hướng dẫn thành phố cơ chế tài chính để mua nhóm vaccine này.

TP.HCM liên tục nâng cấp độ phòng dịch phù hợp với tình hình thực tế. Ảnh: Duy Hiệu.

Sáng chủ nhật, TP.HCM tiếp tục có cuộc họp khẩn về phòng chống dịch sau khi phát hiện 33 ca nghi nhiễm. 7h ngày 30/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính gọi điện cho Chủ tịch Nguyễn Thành Phong để lưu ý về chuỗi lây nhiễm ở Hội thánh truyền giáo Phục Hưng và đề nghị thành phố xét nghiệm diện rộng, khoanh vùng quyết liệt.

Nhận định tình hình dịch đã vượt ngưỡng an toàn, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, và Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong thống nhất cao quan điểm áp dụng Chỉ thị 16 tại khu vực có nhiều ca nhiễm là quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12). Toàn TP.HCM áp dụng Chỉ thị 15 và tăng cường một số biện pháp.

"Chúng ta phải chấp nhận giải pháp là cách ly, giãn cách trong 2 tuần. Buộc phải chấp nhận hy sinh 2 tuần để bảo vệ lợi ích lâu dài. Hai tuần với TP.HCM rất lớn nhưng không có cách nào khác, ta phải chọn giải pháp ít xấu nhất", ông Nên động viên thành phố.

Gò Vấp sáng ngày đầu giãn cách: Ùn tắc ở chốt chặn Ngày đầu tuần, khi thực hiện cách ly xã hội quận Gò Vấp, những giao lộ vốn đông đúc nay khá vắng vẻ. Giao thông ùn tắc ở các chốt chặn.

Thu Hằng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-go-vap-giua-tam-dich-lo-nhat-suc-khoe-viec-khac-tu-tu-xu-ly-post1220251.html