Người góp công dập dịch SARS

GS.TS Trần Quỵ, nguyên GĐ BV Bạch Mai được biết đến như một người anh hùng trong cuộc chiến chống dịch SARS năm 2003 tại Việt Nam. Giờ đây khi tuổi đã cao, ông vẫn say sưa làm việc với một trí tuệ mẫn tiệp…

GS Trần Quỵ SN 1939 tại tỉnh Hà Tĩnh, trong một gia đình nghèo. Ông được đi học là nhờ sự giúp đỡ, khích lệ rất lớn của người thân và bà con xóm giềng, vậy nên ông đã quyết tâm học thật giỏi. Bằng nghị lực, tinh thần phấn đấu học tập không ngừng, ông Trần Quỵ tốt nghiệp xuất sắc trường ĐH Y Hà Nội năm 1961 và được giữ lại làm giảng viên, đồng thời là bác sĩ tại BV Bạch Mai. Năm 1975, ông được Đảng và Nhà nước cử sang Rumani làm nghiên cứu sinh chuyên ngành hô hấp. Trong thời gian thực tập ở khoa Nhi, ông rất trăn trở trước tỉ lệ tử vong do viêm phổi ở trẻ em quá cao. Đó là lý do thôi thúc để ông chọn đề tài “Hình ảnh lâm sàng, chẩn đoán và điều trị viêm phổi ở trẻ em” trong luận án tốt nghiệp và được Hội đồng khoa học đánh giá xuất sắc.

Sau khi bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ, năm 1979 ông về nước tham gia giảng dạy tại trường ĐH Y Hà Nội. Trong quá trình tham gia giảng dạy, ông đã đào tạo nhiều thế hệ sinh viên, hướng dẫn nghiên cứu sinh, sau ĐH, nội trú, BSCK I, BSCK II. Tham gia đào tạo CĐ, trung cấp chuyên nghiệp, bổ sung chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ y tế cơ sở.

Nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, ông còn tham gia xây dựng và cải tiến chương trình đào tạo ĐH, sau ĐH và CĐ, trung cấp y tế. Ông cũng là một trong những người đầu tiên biên soạn tài liệu và giảng dạy phương pháp sư phạm y học cho các trường y tế từ 1987 đến nay. Sau khi biên soạn tài liệu, ông trực tiếp trình bày các chuyên đề về y đức - y nghiệp, kỹ năng giao tiếp... cho các cơ sở y tế và nhân viên y tế góp phần nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ y tế. Bên cạnh thời gian dành cho công tác giảng dạy và biên soạn tài liệu, ông cũng tham gia tích cực trong hoạt động nghiên cứu khoa học.

Dù tuổi đã cao, GS Trần Quỵ vẫn tích cực tham gia công tác đào tạo và hướng dẫn nhiều nghiên cứu sinh.

Dù tuổi đã cao, GS Trần Quỵ vẫn tích cực tham gia công tác đào tạo và hướng dẫn nhiều nghiên cứu sinh.

Năm 1984, ông và một số đồng nghiệp xây dựng thành công chương trình quốc gia phòng chống nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính ở trẻ em, đưa nước ta trở thành một trong những nước triển khai Chương trình sớm nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Chương trình đã góp phần giảm một nửa tỷ lệ tử vong ở trẻ em do viêm phổi. Trong quá trình bùng nổ dịch SARS tại nhiều nơi trên thế giới trong đó có Việt Nam, GS Trần Quỵ cùng đồng nghiệp đã chủ động thành lập Ban chỉ đạo phòng chống SARS, đưa ra phác đồ điều trị, tổ chức bảo vệ tránh lây nhiễm cho các y, bác sĩ tại BV... Kết quả là đã dập tắt được dịch, điều trị khỏi hoàn toàn 34 bệnh nhân, không có người tử vong. Việt Nam trở thành nước đầu tiên trên thế giới khống chế thành công dịch bệnh này, được Tổ chức Y tế thế giới đánh giá cao và các nước đến trao đổi học tập kinh nghiệm.

Trong hoạt động nghiên cứu khoa học, ông đã chủ trì nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp TP và cấp cơ sở. Hoàn thành 3 chương trình cấp Nhà nước và cấp Bộ, gần 100 đề tài cơ sở và bài báo khoa học, được báo cáo và đăng trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế, tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học với các nước Mỹ, Pháp, Thụy Điển, Hà Lan, Úc, Nhật Bản và nhiều nước trong khu vực và thế giới, đặc biệt là các đề tài về tim mạch, hô hấp, hen, dị ứng, miễn dịch, phòng chống dịch nguy hiểm... góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học của cán bộ công nhân viên trong các cơ sở y tế, góp phần xây dựng nền y học Việt Nam.

Trên cương vị là GĐ BV Bạch Mai, bộn bề với công tác quản lý một BV lớn nhất cả nước với 6 viện thành viên, 4 trung tâm, một trường trung học, 27 khoa điều trị, ông còn đầu tư thời gian cho công tác nghiên cứu khoa học, nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh. Hàng ngày, ông vẫn dành thời gian xuống buồng bệnh thăm, khám bệnh nhân. Ông vẫn tham gia hội chẩn những ca bệnh khó, qua đó đào tạo một lớp bác sĩ trẻ có trình độ chuyên môn cao. Ông còn thường xuyên quan tâm đến việc mở các lớp đào tạo về cách ứng xử, nhắc nhở các y bác sĩ về thái độ giao tiếp với bệnh nhân, nâng cao y đức. Ông quan niệm, y đức không chỉ là thái độ ứng xử, giao tiếp tốt với bệnh nhân mà bác sĩ còn cần trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng chuyên môn tốt. Cùng với đó, để người thầy thuốc thực hiện y đức cũng cần sự hợp tác từ nhiều phía trong đó có người bệnh.

Hơn nửa thế kỷ công tác, ông cùng đồng nghiệp đã thực hiện hàng trăm công trình nghiên cứu các cấp, xuất bản trên 40 đầu sách giáo khoa, sách tham khảo... Ông là người có công lớn trong xây dựng, triển khai thực hiện hai chương trình: 1- Quốc gia phòng chống nhiễm khuẩn hô hấp cấp tỉnh ở trẻ em (ARI) năm 1984, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước đầu tiên khu vực châu Á - Thái Bình Dương triển khai có hiệu quả chương trình này; 2- Trong vai trò Trưởng ban, ông và đồng nghiệp đưa Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới dập tắt dịch bệnh SARS năm 2003, được Tổ chức Y tế thế giới đánh giá cao và nhiều quốc gia đến học tập.

Với những đóng góp trong lĩnh vực quản lý và y học, ông đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Nhà giáo nhân dân và được trao tặng nhiều phần thưởng cao quý khác. Năm 2017, Hội đồng Tôn vinh trí thức của Liên hiệp Hội Việt Nam quyết định tôn vinh ông cùng 52 trí thức tiêu biểu khác đại diện cho các hội ngành toàn quốc. Hội đồng cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen nhằm ghi nhận những đóng góp không mệt mỏi của ông. GS Trần Quỵ tâm sự: “Làm nghề y điều quan trọng là phải luôn học hỏi để nâng cao tay nghề, kỹ năng, kiến thức. Đặt tâm đức, trách nhiệm với sức khỏe, tính mạng của người bệnh lên hàng đầu”.

Bản Sa

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nguoi-gop-cong-dap-dich-sars-142086.html