Người Hà Nội bây giờ dễ dãi, xô bồ hơn xưa?

Dù đã sống ở mảnh đất ngàn năm văn hiến này từ lúc lọt lòng, hay chỉ là người lữ khách, trú chân ở đây trong những năm tháng thanh xuân, ai cũng có cách riêng để yêu Hà Nội.

Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu cùng Hà Nội quán xá phố phường là hai cuốn tản văn giàu chiêm nghiệm và cảm xúc, viết về mảnh đất kinh kỳ. Hai tác giả đã dùng những “hệ quy chiếu” riêng để cảm nhận về mảnh đất mình đang sống và luôn thương mến. Mới đây, hai nhà văn Trung Sĩ và Uông Triều đã có một cuộc trò chuyện sôi nổi cùng độc giả về những vẻ đẹp của Hà Nội xưa và nay.

Những hoài niệm đẹp còn mãi trong ký ức

Mở đầu buổi talkshow “Hà Nội trong mắt ai”, hai tác giả cùng với bạn đọc đã hàn huyên về Hà Nội trong kí ức của nhà văn Trung Sĩ. Một Hà Nội cách đây chưa xa lắm, nơi có tiếng tàu điện leng keng. Ngày Tết, ở các ngõ phố, người ta nghe thấy râm ran tiếng trẻ con đốt pháo. Xác pháo tép đỏ rực rơi đầy đường.

Như bao bạn bè đồng trang lứa, cứ đến giáp tết, “cậu bé” Trung Sĩ lúc đó lại để dành tiền mua pháo. Tiếng nổ lách tách gần xa, đã trở thành một kỷ niệm đẹp, mà ông trân trọng và viết về nó rất tình cảm trong Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu.

Hai tác giả Uông Triều và Trung Sĩ (từ phải qua) trong buổi talkshow Hà Nội trong mắt ai, diễn ra tại Ơ kìa,Hà Nội. Ảnh: Sống.

Hai tác giả Uông Triều và Trung Sĩ (từ phải qua) trong buổi talkshow Hà Nội trong mắt ai, diễn ra tại Ơ kìa,Hà Nội. Ảnh: Sống.

Nhà văn Uông Triều lại bị mê hoặc bởi ẩm thực phong phú của Hà Nội. Đó cũng là lý do tại sao trong cuốn Hà Nội quán xá, phố phường tập trung rất nhiều bài viết về ẩm thực. Tác giả chia sẻ: Khi mới ra Hà Nội, nghe bạn bè nói, món này phải ăn ở quán nọ, quán kia mới ngon. Anh không tin lắm, nên lê la ăn thử nhiều hàng quán ở khắp Hà Nội để so sánh. Vừa đi ăn hàng, anh vừa cầm theo cuốn sổ tay, tỉ mẩn ghi chép.

Bạn bè cùng thời với anh, những người đã trải qua quãng đời sinh viên đầy khó khăn ở Hà Nội, chắc ai cũng nhớ cảnh ăn cơm hàng cả tháng, rồi nợ triền miên, có khi ra trường vẫn chưa trả được. Chủ quán cơm thời ấy cũng chẳng so đo nhiều với đám sinh viên nghèo. Ai ăn bao nhiêu, cứ tự ghi vào sổ nợ. Có người ra trường, đi làm vài năm mới tới trả nợ cũng không sao.

Hà Nội như một cậu thanh niên mới lớn

Nhà văn Uông Triều tâm sự rằng: Khen Hà Nội, anh đã khen nhiều rồi, khen trong trang sách và cả ở những cuộc trò chuyện với bạn bè. Nhưng đôi khi anh vẫn phải “chê” Hà Nội một chút. Bởi người Hà Nội giờ đây chửi tục nhiều quá. Nhất là ở các khu chợ, hay những con phố buôn bán sầm uất. Những ấn tượng xấu trong lòng khách thập phương như “bún mắng, cháo chửi” cũng từ đó mà ra.

Nói về vấn đề này, nhà văn Trung Sĩ cũng chia sẻ: Đây là điều khiến ông buồn và tiếc nhớ về Hà Nội trước kia. Khi ông còn nhỏ, không có cô cậu học trò nào dám nói bậy, chửi tục. Vì ai cũng ý thức được việc làm ấy rất xấu. Trong nhà, mỗi khi còn cái đi đâu chơi, đều thưa gửi cha mẹ đàng hoàng. Những biểu hiện nhỏ trong cách nói năng, ứng xử đã thể hiện được nét thanh lịch của người Tràng An.

Dường như giờ đây người Hà Nội trở nên dễ dãi hơn. Dễ dãi trong cách nói năng, cư xử và dễ dãi cả trong chuyện ăn uống. Thế nên, mới có những quán ăn mang ra cho khách miếng thịt dai nhách với cái giá không hề rẻ, cùng thái độ phục vụ không mấy niềm nở, nhưng người ta vẫn tới rất đông.

Hai cuốn sách Hà Nội quán xá phố phường và Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu. Ảnh: Trần Ngọc Hương.

Tuy có nhiều ý kiến trái chiều về Hà Nội của hiện tại, nhưng hai tác giả cùng bạn đọc điều đồng ý rằng: Hà Nội giờ đây là một đô thị lớn, đang trong giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ. Thành phố này, như một “gã choai choai, còn chưa biết sợ” cần nhiều thời gian để uốn nắn và trưởng thành.

Mỗi người trong chúng ta, hãy góp phần để Hà Nội trở nên thanh lịch hơn, hãy bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt như: ngừng nói tục, hình thành thói quen xếp hàng, tuân thủ luật giao thông, tập cách sống văn minh, lịch sự. Từ đó, mỗi cá nhân có thể lan tỏa lối “sống đẹp” đến những người xung quanh.

Giống như việc dạy dỗ một đứa trẻ, đây không phải là việc có thể cho kết quả trong một sớm một chiều. Thế nhưng, nỗ lực của nhiều cá nhân hợp lại, có thể tạo nên một môi trường sống tốt đẹp hơn ở bất cứ đâu, chứ không chỉ riêng Hà Nội.

Buổi trò chuyện đã thu hút đông đảo độc giả trẻ.

Trong buổi trò chuyện này, nhà văn Uông Triều cũng có nhắc đến một “nhân vật” rất đặc biệt của Hà Nội, đó là cầu Long Biên. Bên cạnh Nhà Hát Lớn, các biệt thự trong phố cổ thì cây cầu này là một công trình kiến trúc mang nhiều dấu ấn lịch sử của người Pháp ở Hà Nội.

Phố xá Hà Nội đã khác xưa rất nhiều. Nhà Hát Lớn và các biệt thực cổ cũng đã có nhiều thay đổi để phù hợp với công năng sử dụng hiện tại. Trong khi đó, cầu Long Biên là một công trình còn giữ được nhiều nét nguyên bản, sát với thiết kế ban đầu. Vậy nên, chúng ta cần phải quan tâm đến việc bảo tồn cây cầu này, để biến nó thành một điểm đến hấp dẫn với những người yêu Hà Nội.

Dù đã gắn bó với Hà Nội cả đời người, hay chỉ là một vị khách, tình ngang qua nơi đây. Mỗi người sẽ có cách riêng để cảm nhận về thành phố này. Bằng những xúc cảm chân thành ấy, chúng ta hãy nuôi dưỡng trong mình tình yêu với Hà Nội, để từ những hạt mầm nhỏ nhoi ấy, thành phố nghìn năm tuổi trở nên dịu dàng hơn.

Thụy Oanh

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/nguoi-ha-noi-bay-gio-de-dai-xo-bo-hon-xua-post1008473.html