Người Hải Phòng thích thú, tự hào về bãi cọc Cao Quỳ có từ thời nhà Trần

Sau khi bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên được phát lộ, người dân xã Liên Khê và các xã lân cận tìm đến nơi đây tham quan rất đông để tận mắt thấy những cây cọc đã có tuổi đời cả ngàn năm.

Theo ghi nhận của phóng viên Infonet vào sáng 24/12, khu vực quanh hố cọc Cao Quỳ được cơ quan chức năng lập "hàng rào" với cọc gỗ quây cùng hàng rào dây thép.

Các cây cọc trong các hố khai quật hiện được bọc kín bằng vải để bảo quản.

Các lực lượng chuyên trách cũng được cắt cử bảo vệ 3 hố khai quật 24/24.

Sau khi bãi cọ được phát lộ, rất đông người dân địa phương đã kéo về khu di tích bãi cọc Cao Quỳ để tận mắt thấy những cây cọc hàng nghìn năm tuổi.

Ông Nguyễn Tuân Triệu (SN 1963, xã Liên Khê), người phát hiện hai cây cọc trong lúc canh tác tại cánh đồng Cao Quỳ cho biết, hiện ông phụ trách chính việc bảo quản các cây cọc tại đây.

Ngoài ông Triệu, lực lượng bảo vệ cũng có mặt canh gác 24/24 để đảm bảo an toàn, an ninh cho khu vực khai quật.

Được biết, hàng ngày (từ 10h sáng đến 14h chiều) có rất đông người dân của xã Liên Khê và các xã lân cận đến đây chiêm ngưỡng các cây cọc Bạch Đằng có từ thời nhà Trần.

"Mặc dù các cây cọc đã được bọc lại để bảo quản, nhưng nhiều người đến thăm vẫn cảm thán không thôi về di tích từ trận chiến Bạch Đằng hồi thế kỉ 13 này" - ông Nguyễn Tuân Triệu tự hào chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Năm (60 tuổi, trú tại thôn 5, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) chia sẻ: "Mấy hôm trước do khu vực này bị chặn để phục vụ công tác khảo cổ nên hôm nay bà mới có thể đến xem được bãi cọc.

Cách đây nhiều năm cũng có nhiều gia đình tại địa phương từng vớt dưới sông lên được những cây gỗ cỡ lớn, nhưng không biết đây là những cây cọc tồn tại trong trận chiến Bạch Đằng. Sau khi các nhà khảo cổ về khảo sát, chúng tôi mới biết ở đây tồn tại một bãi cọc lịch sử".

"Xã tôi đã có 3 di tích khác có từ thời nhà Trần, nên việc phát hiện thêm di tích bãi cọc Cao Quỳ khiến người dân chúng tôi rất tự hào về mảnh đất nơi mình sinh ra" - Bà Năm chia sẻ thêm.

Anh Nguyễn Quang Đông (trú tại xã Phục Lễ, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) vui vẻ cho biết, nhà anh cách đây 18km nhưng anh cũng cố gắng thu xếp thời gian để về chiêm ngưỡng bãi cọc Cao Quỳ.

"Tận mắt chứng kiến tôi càng cảm thấy khâm phục ông cha ta ngày xưa. Những cây gỗ to và chắc như vậy, để có thể đóng xuống lòng sông bằng sức người tưởng như là việc không thể. Vậy mà cha ông ta làm được. Thật quá khâm phục" - anh Đông chia sẻ.

Đôi bạn trẻ cùng nhau đến tìm hiểu bãi cọc Cao Quỳ, được xác định có từ năm 1288.

Người dân địa phương tự hào, thích thú khi đến thăm bãi các Cao Quỳ.

Trước đó, vào sáng 21/12, thành phố Hải Phòng đã tổ chức Hội nghị Báo cáo kết quả khai quật bãi cọc Cao Quỳ trong Quần thể di tích Bạch Đằng Giang, thuộc xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên.

Căn cứ vào các tài liệu, kết quả khảo cổ, bước đầu Viện Khảo cổ học nhận định, bãi cọc trên thuộc trận chiến Bạch Đằng lần 3 (năm 1288), để ngăn chặn quân Nguyên Mông không đi vào khu vực sông Giá và khu vực chỉ huy của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn.

Bãi cọc này có vao trò ngăn đà tiến bước của địch, buộc đạo quân Nguyễn Mông tiến vào từ hướng biển phải đi theo sông Đá Bạc vào sông Bạch Đằng. Từ đó, quân địch đã rơi vào trận địa cọc khác được bố trí sẵn của Trần Quốc Tuấn.

Với chiến thắng Bạch Đằng lần 3 (năm 1288) đã nhấn chìm toàn bộ đội quân chủ lực Nguyên Mông xuống lòng sông Bạch Đằng, qua đó chấm dứt hoàn toàn mộng xâm lăng của đế quốc Nguyên Mông với quốc gia Đại Việt.

Nguyên Trung

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/nguoi-hai-phong-thich-thu-tu-hao-ve-bai-coc-cao-quy-post326703.info