Người Hàn, Nhật làm thế nào để về nhà an toàn sau khi uống rượu bia

Ở các nước nổi tiếng với văn hóa rượu bia như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, dịch vụ và ứng dụng thuê tài xế trở thành thứ không thể thiếu với cuộc sống về đêm của các đô thị.

 "Tôi phải lái xe" được xem là cách từ chối nâng ly lịch sự và cũng hiệu quả nhất trong các tiệc rượu tại Australia. Trong văn hóa ăn nhậu tại xứ sở chuột túi, thẳng thừng nói không bị xem là thiếu tôn trọng người mời rượu, song việc cố ép người phải lái xe về nhà sau bữa tiệc uống say lại là điều cấm kỵ. Ảnh: depositphotos.

"Tôi phải lái xe" được xem là cách từ chối nâng ly lịch sự và cũng hiệu quả nhất trong các tiệc rượu tại Australia. Trong văn hóa ăn nhậu tại xứ sở chuột túi, thẳng thừng nói không bị xem là thiếu tôn trọng người mời rượu, song việc cố ép người phải lái xe về nhà sau bữa tiệc uống say lại là điều cấm kỵ. Ảnh: depositphotos.

"Daeri unjeon" là cụm từ tiếng Hàn chỉ nghề lái xe thuê, trong đó hầu hết khách hàng là những người say xỉn không thể tự lái xe về nhà sau tiệc đám cưới, cuối năm, liên hoan công ty... "Daeri unjeon" có giá cao hơn so với taxi song lại tiện lợi khi có thể xuất hiện mọi lúc, mọi nơi và khách hàng không cần quay trở lại lấy xe vào ngày hôm sau. Theo Hiệp hội dịch vụ tài xế Hàn Quốc, hơn 100.000 "Daeri unjeon" phục vụ 700.000 khách hàng mỗi ngày trên cả nước. Ảnh: Herald Tribune.

Không chỉ phát triển tại Hàn Quốc, dịch vụ cho thuê tài xế còn nở rộ tại nhiều nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Australia. Năm 2015, công ty Didi Kuaidi - đối thủ cạnh tranh của Uber tại đất nước tỷ dân - cho ra mắt ứng dụng thuê tài xế Didi Chauffeur. Chỉ cần những thao tác tương tự việc đặt taxi trên các ứng dụng gọi xe, chủ sở hữu xe có thể tìm thấy tài xế đưa mình về nhà trên chính chiếc xe của họ sau những buổi liên hoan quá chén với bạn bè, đồng nghiệp. Ảnh: Herald Tribune.

Tại Nhật Bản, lái xe khi say xỉn là một trong 3 loại tội phạm bị xử phạt nặng nhất theo luật giao thông đường bộ hiện hành, bên cạnh việc vi phạm tốc độ và không có bằng lái xe. Hình phạt cao nhất với người uống rượu khi điều khiển phương tiện giao thông là phạt tù 5 năm và phạt tiền khoảng 1 triệu yên (khoảng 213 triệu đồng). Khi mức phạt ngày càng nặng, các loại đồ uống không cồn dần trở nên phổ biến trên bàn nhậu. Không chỉ bia, từ cocktail đến rượu vang, Nhật Bản hiện có khoảng 30 loại đồ uống không cồn khác nhau. Ảnh: hoshino.

Ngoài tài xế say xỉn bị xử phạt, những người ngồi trên xe lẫn người để bạn bè uống rượu mượn xe cũng có thể bị xử lý ở xứ Phù Tang. Chính vì vậy, tại các cuộc nhậu, những người phải lái xe luôn được nhắc nhở hạn chế uống rượu và được gọi taxi riêng hoặc khuyến khích đi chung xe với người khác, qua đêm ở nhà bạn khi đã quá chén. Ảnh: autocar.

Người dân tại các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản thường sử dụng phương tiện giao thông công cộng như tàu điện ngầm, xe buýt sau khi uống rượu bia. Nhiều cửa hàng, quán rượu có dịch vụ giữ xe qua đêm để khách hàng có thể quay lại lấy vào sáng hôm sau. Ảnh: ISTOCK.

Gọi điện cho bạn bè, người thân cũng là biện pháp được nhiều người sử dụng khi không còn đủ tỉnh táo để lái xe về nhà. Trong trường hợp, tài xế quá say, những người xung quanh như bạn bè, đồng nghiệp hay phục vụ nhà hàng có thể hỏi thăm, chủ động liên hệ người nhà của tài xế. Ảnh: reverso.

Lê Vy

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/nguoi-han-nhat-lam-the-nao-de-ve-nha-an-toan-sau-khi-uong-ruou-bia-post1032139.html