Người hầu AI

Trí thông minh nhân tạo (AI) ngày nay không chỉ bị động nghe theo lệnh của người sử dụng mà còn có thể tự động học hỏi, đoán biết ý định và chiều lòng chủ nhân.

Mô hình nhà thông minh của tập đoàn LG (Hàn Quốc).

AI nay đã được đưa vào các sản phẩm công nghệ tiêu dùng hàng ngày mang lại lợi ích thiết thực, bao gồm xe hơi, nhà thông minh, robot, thiết bị y tế và chăm sóc sức khỏe và an ninh gia đình. Trước khi về nhà, bạn ra lệnh cho trợ lý ảo Alexa bật đèn, mở máy điều hòa, máy sưởi hoặc pha sẵn nước tắm. Tủ lạnh tự động lưu trữ nội dung về các loại thức ăn cần thiết và cảnh báo bạn sắp xếp đồ ăn theo hạn sử dụng trên sản phẩm.

Nghe có vẻ hết sức tiện nghi đối với thời điểm hiện tại, nhưng hãy tưởng tượng khi trí thông minh nhân tạo có thể trở nên thông minh hơn và thực sự làm chủ ngôi nhà bạn. Nó có thể chuẩn bị cho bạn mọi thứ mà không cần ra lệnh dựa trên khả năng dự đoán được mọi cử động và tâm trạng của chủ nhân vào mọi thời điểm trong ngày. Viễn cảnh vốn chỉ có trong phim khoa học giả tưởng nay đã không còn xa tầm với của loài người.

Bếp trưởng kiêm quản gia AI

Tại triển lãm thương mại công nghệ CES Asia ở Thượng Hải, Trung Quốc vừa qua, John T. Kelley, Giám đốc cấp cao của CES Asia, cho biết công nghệ AI đang được đẩy mạnh nâng cấp và phổ biến theo hướng gia dụng.

Công ty Haier (Trung Quốc) giới thiệu nền tảng nhà thông minh U+ với việc biến nhà bếp trở thành “bộ não” của ngôi nhà, kết nối với các thiết bị gia dụng trong tương lai gần. Nhờ đó, mỗi khi bạn định nấu một món gì, tủ lạnh và màn hình trên bếp sẽ tự động nhắc nhở về danh sách các nguyên liệu nhà đang còn và công thức nấu ăn phù hợp.

Sản phẩm Pepper là rô bốt hình người đầu tiên được tích hợp vào nền tảng nhà thông minh Haier, là sản phẩm hợp tác giữa Haier và Tập đoàn Soft Bank Robotics (Nhật Bản). Pepper có thể đóng vai trò là một “quản gia”, điều phối tất cả các thiết bị thông minh trong nhà và tối ưu hóa chúng dựa trên sở thích của người chủ nhân ngôi nhà.

Wang Ye, Phó chủ tịch của Haier, đánh giá rô bốt phục vụ là “một phần mở rộng và bổ sung hiệu quả cho chiến lược nhà thông minh của tập đoàn”.

Học cách chiều lòng chủ nhân

Công ty Công nghệ rô bốt GT (Singapore) cho thấy khả năng của rô bốt GT Wonder Boy còn có thể vượt ra ngoài nhiệm vụ thông thường để đọc thói quen của các thành viên gia đình và thậm chí đọc cảm xúc của họ. Nhờ vậy rô bốt này có thể khuyến khích con người lúc buồn, và chia sẻ niềm vui khi họ hạnh phúc. Công ty GT quảng cáo rằng khả năng tương tác này chỉ có thể thực hiện khi được cài đặt AI, cho phép người dùng và GT Wonder Boy nuôi dưỡng một mối quan hệ vượt ra ngoài các lệnh thoại cài đặt sẵn.

Công ty Avatarmind (Trung Quốc) có trụ sở tại Nanjing giới thiệu iPal – rô bốt giữ trẻ dành cho những đứa trẻ ở nhà với ông bà và cha mẹ đi làm xa. Tập đoàn Sony (Nhật Bản) tiếp tục phát triển dòng rô bốt thú cưng như phiên bản rô bôt Aibo đáng yêu, với mục tiêu mang lại cho người dùng một người bạn đồng hành không cần người chủ phải chăm sóc. Phiên bản mới nhất của Aibo có cảm biến trên đầu, cằm và lưng để đáp lại những cử chỉ tiếp xúc và camera giúp Aibo chơi trò nhặt gậy, nhặt xương như chó thật.

Hệ sinh thái AI tại gia đình

Miffy Chen, người đứng đầu phòng thí nghiệm AI của tập đoàn Alibaba (Trung Quốc), nói ngành công nghiệp sản xuất chưa trang bị được chức năng tự chủ thông minh của AI để đạt được sự tiện lợi mà người tiêu dùng yêu cầu. Nhưng bà thấy điều đó có thể xảy ra nếu Internet vạn vật (IoT), AI và giao diện người dùng (UI) kết hợp cùng nhau. Đây là lý do tại sao Alibaba đã phát triển hệ thống nhà thông minh Tmall Genie, một sản phẩm tích hợp AI, UI và kết nối IoT, với khả năng nhận dạng được nhiều trạng thái, hiểu cả ngôn ngữ và hình ảnh.

Trong khi đó, nhà thông minh của LG Electronics (Hàn Quốc) được ứng dụng ngay vào khu phức hợp căn hộ Byeollae I’PARK Suite. Khu phức hợp này sẽ mở cửa vào đầu năm 2021 với năm tòa nhà cao 40 tầng ở Seoul, Hàn Quốc. Các căn hộ ở Byeollae I’PARK Suite sẽ được trang bị các thiết bị gia dụng thông minh hàng đầu của LG bao gồm máy lạnh, tủ lạnh, máy giặt, máy sấy, máy rửa chén và hệ thống vệ sinh quần áo LG Styler. Chủ nhà cũng có thể cài đặt thêm các thiết bị thông minh khác như máy lọc không khí, rô bốt hút bụi. Tất cả các thiết bị đều có thể kết nối và điều khiển bằng giọng nói của người chủ nhà.

Hệ thống được thiết kế cho I’PARK Suite sẽ tương thích với các thiết bị thông minh từ các nhà sản xuất khác. Nhờ đó, nhà thông minh của LG có thể điều khiển từ xa các thiết bị và dịch vụ không phải do tập đoàn này sản xuất, như gọi thang máy, kiểm tra mức tiêu thụ điện, yêu cầu giao hàng tận nhà, kiểm tra vị trí đỗ xe và liên lạc với khách ở cửa.

Mỹ Huyền

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/275878/nguoi-hau-ai.html