Người họa sĩ gần nửa thế kỷ vẽ tranh cổ động về Bác Hồ

Dù đã nghỉ hưu, nhưng mỗi ngày, họa sĩ Hoàng Hữu Trí vẫn miệt mài với niềm đam mê của mình - đó là vẽ tranh cổ động. Trong đó, dòng tranh cổ động chủ đề về Bác Hồ chiếm vị trí quan trọng trong các sáng tác của ông và cũng là nguồn cảm hứng sáng tác trong gần nửa thế kỷ qua.

Những bức tranh cổ động được họa sĩ Hoàng Hữu Trí cất giữ trang trọng trong phòng triển lãm nhỏ tại nhà. Ảnh: Khang Trí

Cơ duyên đến với tranh cổ động về Bác Hồ

Họa sĩ Hoàng Hữu Trí, sinh năm 1946, tại xã Đức Lâm, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh - mảnh đất nổi tiếng sản sinh nhiều nhân tài của tỉnh Hà Tĩnh.

Hiện, gia đình ông đang sinh sống tại ngôi nhà nhỏ nằm ở gần cuối làng Lương Hội, thuộc xã Khánh Vĩnh Yên, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Phòng ngủ vừa đủ để ông đặt 2 chiếc giường tre đã cũ kỹ, một gian phòng khách với chiếc bàn làm việc đầy ắp những giấy và màu mực. Gian phòng lớn nhất được xem như phòng triển lãm thu nhỏ treo những bức tranh cổ động đã được vinh danh tại các cuộc thi lớn nhỏ trong nước. Phần lớn các tác phẩm đều có hình ảnh về Bác Hồ - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam. Đó là những tài sản vô giá được vẽ bằng tâm huyết của người nghệ sĩ già này.

Những tác phẩm còn lại, họa sĩ Hoàng Hữu Trí dùng túi bóng bọc lại và cất giữ cẩn thận trong chiếc tủ gỗ. Chỉ khi nào có khách quý, đồng nghiệp tới chơi, ông mới đưa ra để giới thiệu hoặc trao đổi, học hỏi thêm. Mỗi tác phẩm cổ động của ông đều gắn liền với những dấu mốc lịch sử quan trọng của đất nước. Cầm tác phẩm đầu tiên về Bác, ông xúc động kể cho chúng tôi nghe cơ duyên đưa ông đến với nghề vẽ tranh cổ động.

Năm 1967, thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang bước vào giai đoạn ác liệt, Tổng cục Thông tin phát động cuộc thi vẽ tranh cổ động nhằm cổ vũ đồng bào, chiến sĩ cả nước. Cùng với hàng ngàn sinh viên trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội lúc bấy giờ, ông cũng hào hứng tham gia.

Để hoàn thành bức tranh, cậu sinh viên Hoàng Hữu Trí hồi đó đã mất 2 ngày vừa tìm tài liệu, vừa mày mò vẽ và tham khảo từ nhiều thế hệ họa sĩ đàn anh. Chưa một lần gặp Bác, nên Hoàng Hữu Trí đã phải lục tìm nhiều tư liệu ảnh, sách, báo, thơ văn về Người. Có đêm, cậu sinh viên vừa chong đèn vừa nghiền ngẫm, quan sát thật kỹ hình ảnh Bác qua các bức tranh, ảnh tư liệu, đồng thời đọc thêm nhiều câu chuyện về Bác Hồ để làm sao thể hiện qua tranh với một góc nhìn mới, sinh động hơn, giàu tính nhân văn hơn. “Càng tìm hiểu, tôi càng thêm yêu quý, kính trọng những đức tính của Bác. Ở Bác luôn toát ra sự giản gị, gần gũi đầy tình thương nhưng mang tầm vóc vĩ đại của một vị lãnh tụ dân tộc. Đó cũng là tinh thần mà tôi muốn gửi gắm trong tác phẩm đầu tay của mình” - Họa sĩ Hoàng Hữu Trí bộc bạch.

Sau nhiều lần trăn trở, trong bức tranh đầu tiên về Bác, họa sĩ Hoàng Hữu Trí đã phác họa nét mặt nhìn nghiêng của Người với vầng trán cao, mũi thẳng, chòm râu bạc, mắt ánh lên quyết tâm đanh thép. Câu nói của Bác Hồ: “Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu quét sạch nó đi”, được họa sĩ trích dẫn và đưa vào bức tranh. Với tác phẩm đầu tay này, Tổng cục Thông tin đã chọn đưa đi in ấn và phát hành trên nhiều ấn phẩm, góp phần cổ vũ tinh thần nhân dân trong những ngày toàn quốc kháng chiến. Những thành công bước đầu, góp phần thôi thúc và tạo nguồn cảm hứng để chàng sinh viên trẻ Hoàng Hữu Trí tiếp tục say mê với những sáng tác sau này.

Nghỉ hưu nhưng không ngừng sáng tác

Cũng từ đó, Bác Hồ đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tác của ông trong gần nửa thế kỷ qua. “Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói rằng “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Và cọ vẽ, ngòi bút chính là vũ khí của chúng tôi. Bởi vậy, mỗi giai đoạn lịch sử, tôi đều vẽ tranh cổ động nhằm khích lệ tinh thần, khơi dậy lòng yêu nước của mọi tầng lớp nhân dân”- Ông Trí nhấn mạnh.

Theo họa sĩ Hoàng Hữu Trí, vẽ tranh cổ động về Bác Hồ chưa bao giờ là dễ đối với người nghệ sĩ. Nhiều họa sĩ thường trăn trở bởi những tác phẩm sáng tác về đề tài Bác Hồ thường “rất kén” người xem bởi chân dung về Bác đã quá đỗi quen thuộc, vẽ sao để vừa mới nhưng vẫn giống với Người quả thật rất khó.

Ngoài ra, hầu hết các tác giả vẽ về Bác Hồ rất hiếm người được gặp Bác mà thường thông qua ảnh chụp, nên người nghệ sĩ cần quan sát tinh tế để thể hiện được thần thái, tâm hồn cao đẹp, anh minh của vị lãnh tụ kính yêu đã ăn sâu trong tâm khảm bao người. Nhưng những trăn trở ấy không làm họa sĩ Hoàng Hữu Trí nản lòng. Đó là động lực thôi thúc ông tìm tòi, nghiên cứu những tài liệu về Bác với niềm đam mê, yêu thích của mình...

Trong suốt quá trình sáng tác, họa sĩ Hoàng Hữu Trí đã vinh dự nhận được nhiều giải thưởng về hội họa. Nhưng với ông, vinh dự nhất khi các tác phẩm cổ động về Bác luôn giành được sự mến mộ và ghi nhận của khán giả và giới chuyên môn. Mỗi khi nhắc đến những người vẽ tranh cổ động về Bác, người hâm mộ vẫn thường nhắc tới tên ông với dòng tranh đặc biệt này.

Khang Trí

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nguoi-hoa-si-gan-nua-the-ky-ve-tranh-co-dong-ve-bac-ho-post434615.html