Người học càng nhiều, nguy cơ mắc bệnh tim lúc già càng thấp

Khảo sát của các nhà nghiên cứu Mỹ cho thấy thời gian đến trường có thể ảnh hưởng tỷ lệ mắc bệnh tim. Cứ thêm một năm học trung học, nguy cơ mắc bệnh giảm 2,5%.

US News cho hay cuối tháng 6, nhóm nghiên cứu từ ĐH California (San Francisco) và ĐH Stanford, Mỹ, công bố nghiên cứu họ tiến hành dựa trên phân tích dữ liệu của hơn 75.000 người trưởng thành sinh từ năm 1900 đến năm 1950.

Kết quả cho thấy những người có thời gian ngồi trên ghế nhà trường càng dài càng ít mắc bệnh tim.

Khảo sát của nhóm nghiên cứu từ ĐH California và Stanford, Mỹ, cho thấy người học càng nhiều lúc nhỏ, nguy cơ mắc bệnh tim mạch càng giảm khi về già. Ảnh: AP.

Khảo sát của nhóm nghiên cứu từ ĐH California và Stanford, Mỹ, cho thấy người học càng nhiều lúc nhỏ, nguy cơ mắc bệnh tim mạch càng giảm khi về già. Ảnh: AP.

Khoảng 1/3 người tham gia khảo sát không học hết trung học phổ thông. Trong 31.000 người khảo sát khác nhau, gần 35% mắc bệnh tim.

Cứ thêm một năm học trung học, tỷ lệ mắc bệnh tim mạch giảm 2,5%, đồng thời tỷ lệ hút thuốc giảm 3% và chứng trầm cảm giảm 5%.

Bệnh tim là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Mỹ. Phát hiện mới cho thấy giáo dục có thể là chìa khóa để giải quyết vấn đề về chăm sóc sức khỏe, đặc biệt bệnh tim.

“Can thiệp bên ngoài hệ thống chăm sóc sức khỏe có thể mang lại hiệu quả lớn và lâu dài trong điều trị bệnh tim, có khả năng giảm phí tổn”, TS Rita Hamad - Phó giáo sư về Y tế gia đình và Cộng đồng tại ĐH học California (San Francisco), Trưởng nhóm nghiên cứu - cho hay.

Đầu năm, Hiệp hội Tim mạch Mỹ đưa ra hướng dẫn phòng ngừa bệnh, trong đó nhấn mạnh các yếu tố xã hội, bao gồm cả trình độ học vấn.

Tuy nhiên, TS Hamad lưu ý vẫn chưa có bằng chứng rõ ràng về việc giáo dục tác động trực tiếp đến bệnh tim. Nhưng những người học hành nhiều thường có mức thu nhập cao, có thể chi trả cho thực phẩm dinh dưỡng và chế độ chăm sóc sức khỏe tốt hơn.

Trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu sẽ tập trung xác định ảnh hưởng của giáo dục đến tình trạng mắc bệnh tim ở khía cạnh chi phí chăm sóc sức khỏe.

"Một số lợi ích về sức khỏe của chính sách giáo dục phải mất nhiều năm, thậm chí hàng chục năm để có thể nhận ra. Vì vậy, chúng ta cần có cái nhìn dài hạn, không nên mong chờ sự cải thiện tức thì khi tính toán tác động về mặt sức khỏe của giáo dục và các chính sách xã hội khác”, TS Hamad chia sẻ.

Trung Dũng

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nguoi-hoc-cang-nhieu-nguy-co-mac-benh-tim-luc-gia-cang-thap-post968672.html