Người học nhạc làm phim ca nhạc

Có thể nói, Đạo diễn, nghệ sĩ nhân dân Việt Hương là một trong những người đầu tiên áp dụng thành công ngôn ngữ điện ảnh vào phim ca nhạc. Những bộ phim ca nhạc do chị làm đạo diễn được phát trên sóng truyền hình Việt Nam không chỉ làm thay đổi diện mạo mà còn góp phần nâng cao về chất các chương trình ca nhạc truyền hình.

Cảnh trong phim ca nhạc “Vọng nguyệt” của đạo diễn Việt Hương

Cảnh trong phim ca nhạc “Vọng nguyệt” của đạo diễn Việt Hương

Tháng trước gặp Việt Hương ở “bữa nhà có việc” của Hội Điện ảnh Hà Nội, tôi chúc mừng chị được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân rồi tiện thể “khen nịnh” là thấy chị cứ trẻ mãi. Việt Hương cười rất tươi và nói “Em phải cố gắng nhiều lắm. Danh hiệu cao lại càng cố gắng”. Nói rồi như để chứng minh chị cho biết “Cũng vừa xong MV cho Ca sĩ, NSND Thái Bảo có tên là “Thăm bến Nhà Rồng” và đã ra mắt hôm mùng 10 Tết vừa qua đúng dịp chào mừng kỷ niệm Đảng tròn 90 tuổi”.

Còn nhớ 25 năm trước, “người đàn bà hát” Việt Hương “đùng đùng” bỏ nghề ca sĩ ở Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam để đi học đạo diễn điện ảnh tại Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội. Thế là chúng tôi thành bạn cùng lớp. Tôi tiêng tiếc nên hỏi “Bỏ âm nhạc à Hương?”. Khi đó Việt Hương cười tươi mà trả lời “Em không bỏ âm nhạc nhưng sẽ làm âm nhạc theo cách của em”. Sau khi tốt nghiệp đạo diễn điện ảnh loại giỏi, chị “đầu quân” về Ban Văn nghệ Đài THVN.

Đạo diễn Việt Hương đang chỉ đạo một cảnh quay

Lại cũng nhớ, khi biết chị là con gái của nhạc sĩ Lê Việt Hòa, tác giả của ca khúc nổi tiếng “Gửi sông La” và “Gửi em chiếc nón bài thơ”, tôi cũng thật thà hỏi “Việt Hương là gấy Nghệ?”. Việt Hương lắc đầu “Ai cũng tưởng vậy vì các bài hát của bố em nhưng thực ra em quê ở Phú Diễn, Từ Liêm, ngoại thành Hà Nội thôi”. Tôi đùa “Thảo nào gái quê bưởi Diễn ngon nổi tiếng có khác”.

Việt Hương về THVN với “vốn” điện ảnh thì ai cũng tưởng chị trái nghề khi đảm nhiệm vai trò làm đạo diễn cho các chương trình ca nhạc. Hồi đó các chương trình ca nhạc phát trên truyền hình thường được sản xuất theo kiểu bài nối bài. Đạo diễn chỉ cần cùng biên tập chọn bài hát, mời ca sĩ vào trường quay hay ra ngoại cảnh chun chút là đã xong một chương trình 30 phút. Những chương trình như thế “đụng” phải “sự lên ngôi” của các video ca nhạc bán nhan nhản ngoài phố (hay như hiện nay là Youtube) thì người xem mua băng về hay lên mạng tải về tha hồ nghe đến chán thì thôi, khiến khán giả “xa” truyền hình. Vậy là phải nghĩ. Nghĩ và làm thế nào để các chương trình ca nhạc trên truyền hình “giữ” được người xem? Dĩ nhiên là phải đổi mới cách làm rồi.

Việt Hương từng nhiều năm học Khoa Nhạc cụ truyền thống ở Nhạc viện Hà Nội theo định hướng của cha mẹ. Nhẽ ra cuộc đời của chị sẽ trong vai trò của một nhạc công với tiếng đàn luyến láy giòn nẩy cùng giai điệu ngũ cung dân gian dân tộc. Nhưng có lần - đâu như đầu những năm tám mươi thì phải, trong một sự tình cờ Việt Hương đã hát giúp bố mình ca khúc cho phim mà ông viết nhạc, kể từ đó Việt Hương đi theo nghề hát và đã trúng tuyển về làm ca sĩ của Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam.

Việt Hương biết chơi đàn ghi ta, nên khi lên sân khấu chị vừa ôm ghi ta vừa hát, bài hát “Hoa sim biên giới” của nhạc sĩ Minh Quang đã cùng Việt Hương với cây ghi ta gỗ đi biểu diễn cho bộ đội suốt chiều dài biên giới tỉnh Cao Bằng vào năm 1984. Đó là ấn tượng ban đầu đã làm nên thành công cho Việt Hương. Bài hát “Hoa sim biên giới” được thu âm và phát thường xuyên theo yêu cầu thính giả của Đài TNVN. Câu chuyện này làm tôi chợt liên tưởng đến ca sĩ, NSND Thái Bảo. Chính Thái Bảo cũng học chuyên nhạc cụ truyền thống rồi “bất ngờ” thành ca sĩ. Thảo nào hai Nghệ sĩ Nhân dân này phối hợp với nhau làm một MV như đã nói ở trên.

Về Đài THVN cô đạo diễn trẻ từng là ca sĩ đã mạnh dạn “thử sức” mình với “nền tảng” âm nhạc vốn có của mình, đó cũng là “thế mạnh” của chị. Công việc Việt Hương làm đạo diễn là chính, nhưng đôi khi cô vẫn biên tập cho những bộ phim ca nhạc của mình.

Và khán giả đã đón nhận những tác phẩm của chị, bởi phim ca nhạc không chỉ cho người xem được thưởng thức các bài hát hay mà xem phim ca nhạc người xem còn được hiểu kỹ hơn về câu chuyện từ mỗi bài ca. Không gian hình ảnh tạo cho không gian âm thanh cất cánh. Khán giả được cảm nhận sâu sắc hơn, được chia sẻ và được rung động hơn.

Tranh: Nguyễn Văn Hổ

Tôi ấn tượng khi xem phim ca nhạc do Việt Hương làm đạo diễn như phim “Cây đàn Điện Biên” hay “Khát vọng bình yên”. Phim ca nhạc với những bài hát quen thuộc, nhưng với cách xây dựng kịch bản và thể hiện theo ngôn ngữ điện ảnh khiến con tim người xem người nghe phải rung lên cảm phục chen thương cảm. Bộ phim lay động tâm hồn và lấy đi nước mắt khán giả; bộ phim không chỉ là khúc tráng ca bất tử mà còn là sự “miêu tả” chân thực về những năm tháng chiến tranh của quân và dân trong công cuộc đấu tranh giành độc lập tự do. Phim dẫn dụ người xem vào “mê cung” của những giai điệu cùng sự liên tưởng về những tháng năm hào hùng của sự kiện. Biết bao nhiêu thanh niên trí thức đã gác bút nghiên lên đường ra trận dâng hiến tuổi thanh xuân cho khát vọng hòa bình. Người xem phim ca nhạc này thấy ở đó sự bi hùng, nhưng thấy cả sự lãng mạn của tác phẩm.

Tôi cũng ấn tượng mãi khi xem bộ phim ca nhạc “Vọng nguyệt”. Đây là phim ca nhạc cổ trang với điển tích “Chàng chưa thi đỗ thì em chưa động phòng”. Phim ca ngợi vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam xưa theo tích truyện của cha ông đã có trong đời sống, cô gái xinh đẹp, tần tảo nuôi chồng ăn học ở nhà chăm mẹ chồng, ngày ngày ngóng đợi chàng thành đạt trở về.

Đây là một bộ phim ca nhạc đậm chất bản sắc văn hóa dân tộc Việt, hình ảnh lãng mạn giàu chất thơ như đang dẫn dụ ta tới miền cực lạc với bối cảnh là khu danh thắng Tràng An – Bích Động và làng quê Việt nam. Nhưng khuôn hình cùng những động tác máy kỳ công đã đưa người xem được “du lịch cùng màn ảnh nhỏ” tới một địa danh nổi tiếng.

Tôi có lần hỏi Việt Hương “Làm phim ca nhạc kỳ công như thế có khó có dễ gì không?”. Đạo diễn, NSND Việt Hương nói luôn: Để làm hay, để khán giả đón nhận thì chẳng có cái gì dễ cả, làm để cho có thì dễ, làm để cho khán giả thích thì không dễ tý nào đâu. Cái khó nữa khi làm phim là ngoài yêu cầu trình độ tài năng, kiến thức chuyên môn, sự đam mê thì còn yếu tố vô cùng quan trọng nữa là tài chính, vì không có tiền thì không có điều kiện để thể hiện ý tưởng. Đặc biệt khi đã làm phim thì ngôn ngữ điện ảnh là nền tảng, để thể hiện được nó thì cần dàn cảnh, diễn viên diễn xuất, phục trang, họa sĩ tạo bối cảnh, âm thanh tiếng động, ánh sáng nghệ thuật.

“Vậy Việt Hương có những kỷ niệm sâu sắc nào khi đi làm phim ca nhạc?”. Sau hồi im lặng ngẫm ngợi, Việt Hương cho biết kỷ niệm thì nhiều lắm mỗi phim lại mỗi chuyện. Như phim “Gần lắm Trường Sa” đấy. Việt Hương và ê kíp lênh đênh trên biển 14 ngày để làm phim dưới cái nóng như chảo lửa trên 40 độ. “Là phụ nữ nên khi làm phim ở Trường Sa về em đã gầy rạc sút mấy cân. Rồi bộ phim “Khát vọng bình yên” cũng thế, đây là một bộ phim về chiến tranh, dàn cảnh trận đánh bắn đạn thật, quả nổ làm sập cầu sập bốt hẳn hoi. Nói thật nhé vất vả như chiến tranh thật, chỉ có một điều là không bị hy sinh khi bị bắn đạn thật thôi” - Việt Hương chia sẻ.

Nói đến Việt Hương là người ta nghĩ ngay chị thành công với phim ca nhạc nhưng đạo diễn, NSND Việt Hương cũng khá thành công với mảng phim tài liệu. Những phim tài liệu như “Người viết cảm tử quân” hay “Thuở bình minh tân nhạc” hoặc “Tiếng đàn xưa” đã đem về cho chị giải Vàng, giải Bạc của Liên hoan phim Việt Nam của Cục Điện ảnh, Liên hoan giải Cánh diều vàng của Hội Điện ảnh và Liên hoan Truyền hình toàn quốc .

Chợt nhớ câu nói của Việt Hương ngày chị mới nhập trường, hồi đó chị đã nói “Em không bỏ âm nhạc nhưng sẽ làm âm nhạc theo cách của em”. Và cái cách “của em” như Việt Hương đã nói chắc không gì khác là chị luôn “phiêu” cùng âm nhạc.

Đạo diễn, nghệ sĩ Nhân dân Việt Hương đã nhận 16 giải thưởng quốc gia, trong đó có 7 giải vàng, 7 giải bạc, 2 giải xuất sắc nhất do khán giả bình chọn. Được phong danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 2012 và Nghệ sĩ Nhân dân năm 2019.

Nguyễn Trọng Văn

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/nguoi-hoc-nhac-lam-phim-ca-nhac-1612113.tpo