Người 'hồi sinh' những chiếc đồng hồ lịch sử

Từ nhiều thập kỷ nay, tên tuổi của chuyên gia sửa chữa đồng hồ Đào Văn Dư đã nổi tiếng không chỉ ở Hà Nội, mà còn nổi tiếng khắp cả nước và ra cả thế giới. Ông là người thợ sửa chữa đồng hồ duy nhất ở nước ta (tính đến thời điểm này) có trong tay 7 bằng chứng nhận nghề của các hãng đồng hồ lớn nhất, danh tiếng nhất của Thụy Sĩ như: Omega, Rado, Longines, Movado...

Dù tuổi cao, ông Đào Văn Dư vẫn cần mẫn với công việc của mình. Ảnh: Xuân Lộc

Từ bỏ nghề giáo...

Chuyên gia đồng hồ Đào Văn Dư, sinh năm 1938, tại Hà Nội, trong gia đình có truyền thống sửa chữa đồng hồ. Từ thời cụ nội của ông đã hành nghề sửa chữa đồng hồ cho quan chức thực dân Pháp. Đến đời cha ông đã là một "tay thợ" sửa chữa đồng hồ nổi tiếng ở miền Bắc vào thập niên 30 của thế kỷ XX. Vốn xuất thân trong gia đình có nghề sửa chữa đồng hồ nức tiếng ở Hà Nội, ngay từ nhỏ, ông đã mê mẩn với những kim ngắn, kim dài, bánh xe, quả lắc… của đủ các hãng đồng hồ trên thế giới. Năm 14 tuổi, Đào Văn Dư đã theo cha học nghề rồi tự mày mò sửa chữa được những hỏng hóc sơ đẳng của đồng hồ. Kể từ đó đến nay, ông đã có hơn 60 năm theo đuổi, gắn bó với nghề sửa chữa đồng hồ gia truyền.

Năm 17 tuổi, Đào Văn Dư đã theo ông nội và cha đi làm thuê cho hiệu đồng hồ Vạn Sinh ở Hà Nội. Sau ngày giải phóng Thủ đô, ông bước sang tuổi 20 và trở thành người thợ trẻ được xếp bậc cao nhất (5/7) trong làng thợ đồng hồ khi đó ở nước ta.

Ít ai có thể biết rằng, trước khi trở thành "chuyên gia" sửa chữa đồng hồ, ông đã theo học ngành sư phạm. Ông tâm sự: "Có lẽ, do kế thừa cái "gen di truyền" của gia đình nên tôi không dễ từ bỏ nó. Mặc dù học sư phạm bài bản ra trường, nhưng tôi lại không theo nghề dạy học. Khi biết tôi "rẽ ngang", không ít bạn bè đã khuyên ngăn tôi đừng bỏ nghề cao quý. Nhưng do sự đam mê những chiếc đồng hồ một cách mãnh liệt nên tôi đã quyết định dấn thân vào nghề sửa chữa đồng hồ theo tiếng mách bảo của con tim…".

Không chỉ theo đuổi và gắn bó với nghề sửa chữa đồng hồ, ông còn tham gia vào việc "sáng chế" ra những chiếc đồng hồ hẹn giờ trong những quả mìn hay thủy lôi với mục đích tiêu diệt nhanh gọn, chính xác mục tiêu của địch trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Ông Dư nhớ lại: "Khi nhận nhiệm vụ, nhiều ngày đêm tôi trăn trở, suy ngẫm, phác thảo ra nhiều sơ đồ cơ cấu hẹn giờ rồi tính toán sao cho hợp lý. Thông thường, chiếc đồng hồ làm bằng kim loại chỉ có một cực, còn loại được "đặt hàng" phải có hai cực, cuối cùng tôi quyết định cấy thêm cực kia vào mặt kính đồng hồ, nơi điểm số chỉ 12 giờ. Sau nhiều ngày đêm nghiên cứu, chiếc đồng hồ hẹn giờ ra đời, được đưa đi thử nghiệm thành công và được cấp trên đánh giá rất cao.

Sau lần đó, ông Dư vinh dự được nhận bằng chứng nhận và Huy hiệu "Chiến sĩ Mậu Thân năm 1968". Đồng thời, nhận lời biểu dương của Bộ Tổng tham mưu "đã có thành tích giúp đơn vị sửa chữa, cải tiến một số phương tiện phục vụ cho chiến đấu giành thắng lợi". Nhớ lại thời kỳ lịch sử ấy, ông Dư xúc động nói: "Đây là một vinh dự lớn nhưng đầy bất ngờ, bởi tôi chưa từng tham gia quân ngũ, chưa hề đặt chân lên đất Sài Gòn, Đà Nẵng… Lúc đó, tôi mới hiểu được ý nghĩa việc làm của mình từ chính những chiếc đồng hồ hẹn giờ cải tiến đã góp phần cùng các chiến sĩ đặc công lập nhiều chiến công, tiêu diệt nhanh gọn, chính xác được mục tiêu của địch… giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc".

"Tỷ phú" thời gian

Hơn 60 năm gắn bó và sống bằng nghề sửa chữa đồng hồ chuyên nghiệp, ông đã tạo dựng cho mình một thương hiệu - một tên tuổi lớn không chỉ ở trong nước, mà còn ra cả thế giới.

Ngay từ những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, ông Dư đã tham gia hoàn chỉnh hệ thống đồng hồ công cộng chợ Hàng Da, chợ Đồng Xuân, Ngã Tư Sở, Bách hóa tổng hợp, chợ Mơ, chợ Long Biên... và chiếc đồng hồ đặt trên nóc Bưu điện Bờ Hồ ngày nay. Là người thợ trẻ, giỏi chuyên môn và đầy nhiệt huyết, ông đã hai lần được cử sang tu nghiệp tại Trung tâm đồng hồ quốc tế Wostep thuộc "vương quốc" đồng hồ Thụy Sĩ. Năm 1979, lần đầu tiên ông được Nhà nước và UBND TP Hà Nội cử sang Thụy Sĩ học.

Ông Dư hồi tưởng: "Lần đầu được cử sang đất nước của những loại đồng hồ hàng đầu thế giới học tập, tôi cũng rất lưỡng lự. Nhưng với niềm đam mê cháy bỏng và sự nỗ lực, quyết tâm cùng sự ủng hộ của gia đình, người thân, tôi đã quyết định lên đường để thực hiện bằng được ước mơ của mình. Lần đầu tiếp cận với những kỹ thuật tiên tiến bậc nhất thế giới, tôi vỡ lẽ ra rất nhiều điều. Sau một thời gian ngắn học tập và có dịp "so tài" cùng bạn bè nhiều nước trên thế giới, tôi đã chứng minh được năng khiếu của mình về sửa chữa đồng hồ. Tốt nghiệp khóa học, tôi đỗ tốp đầu với điểm số cao nhất mà trước đó vài chục năm, chưa có người thợ lành nghề nào đạt được".

Năm 1991, Trung tâm đồng hồ quốc tế Wostep một lần nữa mời ông Dư quay lại Thụy Sĩ để tham dự Hội nghị quốc tế về đồng hồ và tham gia tiếp khóa đào tạo tại các nhà máy sản xuất đồng hồ lớn nhất thế giới Eta - Ebauches ở nước này. Cho đến nay, ông vẫn nhớ như in cảm giác tự hào khi được nhận tấm bằng chứng nhận của các hãng đồng hồ danh tiếng như: Rado, Omega, Longines với dòng chữ: "Ngài Dư đã chứng minh mình là chuyên gia xuất sắc nhất và hiểu tường tận về đồng hồ". Trong hai lần tu nghiệp ở Thụy Sĩ, ông Dư đã được các hãng đồng hồ danh tiếng trao 7 bằng chứng nhận nghề (Diplome). Đối với một người thợ chữa đồng hồ Việt Nam, uy tín ấy thật hiếm hoi và không dễ gì đạt được.

Thông qua nghề sửa chữa đồng hồ đã tạo điều kiện cho ông được gặp gỡ rất nhiều người (kể cả chính trị gia) với nhiều kỷ niệm sâu sắc. Ông kể: Một lần, thấy vị khách mang chiếc đồng hồ nhãn hiệu "Movado" tuy đã cũ nhưng vẫn còn sáng bóng, mang thương hiệu Thụy Sĩ. Về sau mới biết, đó là kỷ vật của ông Tạ Quang Chiến (ngoài 80 tuổi), nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao. Ông Chiến là một trong những người giúp việc gần gũi của Bác Hồ trong những năm kháng chiến chống Pháp. Ông là một trong 8 người vinh dự được Bác Hồ đặt tên gồm: Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi.

Khi sửa chữa xong chiếc đồng hồ này, chủ nhân bảo với tôi: "Vào giữa năm 1954, sau khi sang Thụy Sĩ ký Hiệp định Geneve trở về, Thủ tướng Phạm Văn Đồng được bà con Việt kiều ở Thụy Sĩ tặng một số chiếc đồng hồ, Thủ tướng đã tặng lại Bác Hồ, sau đó Bác dùng những chiếc đồng hồ đó để tặng cho những cán bộ cao cấp và những người thân cận với Bác. Lúc đầu, ông Chiến đeo làm việc hàng ngày, sau sợ nó bị xây xát, ông cất trong tủ kính, thỉnh thoảng mang tới chỗ tôi lau dầu, căn chỉnh lại. Ông Chiến nói, đây là đồ gia bảo…

Khi tôi hỏi về chiếc đồng hồ đặt trên nóc nhà Bưu điện Bờ Hồ hiện vẫn đang hoạt động, do ông làm "chỉ huy trưởng" kíp lắp đặt, ông cho biết: Chiếc đồng hồ được lắp đặt trên tầng 5 của tòa nhà Bưu điện Bờ Hồ ấy là do Trung Quốc tặng. Thời kỳ đó, khi đang lắp đặt dở thì chuyên gia Trung Quốc rút về nước. Ông được giao nhiệm vụ nghiên cứu hoàn thiện chiếc đồng hồ này dưới sự chỉ đạo của ông Nguyễn Minh Chi, Giám đốc Bưu điện lúc đó. Bưu điện Bờ Hồ là cả một hệ thống gồm 3 đồng hồ tách biệt được điều khiển từ một "đồng hồ mẹ" nằm ở tầng một. Bốn mặt của đồng hồ là 4 dàn loa phóng thanh, tổng cộng có 16 chiếc. Vào đúng ngày lễ Quốc khánh năm 1978 thì chiếc đồng hồ trên nóc Bưu điện Hà Nội bên bờ hồ Hoàn Kiếm ngân lên tiếng chuông đầu tiên. Cứ 60 phút, chiếc đồng hồ gióng chuông một lần. Từ đó đến nay, chiếc đồng hồ do chính tay ông và các cộng sự lắp đặt vẫn hoạt động tốt.

Sau khi nghỉ hưu, ông Dư lại tiếp tục với công việc gắn bó với cuộc đời mình. Đồng thời, ông còn tham gia công tác đào tạo, viết giáo trình, tài liệu phục vụ học tập tại trường dạy tin học và đồng hồ tại 55 Hàng Bông. Cũng tại ngôi trường này, ông đã trực tiếp đào tạo, rèn nghề, cho ra lò hàng nghìn thợ sửa chữa đồng hồ khắp đất nước. Các thế hệ học trò đã suy tôn ông là "Cây đại thụ của làng đồng hồ Việt Nam", "Phù thủy thời gian" hay "Người thợ tài danh"…

Hiện nay, có rất nhiều học trò của ông đã thành danh về nghề ở khắp đất nước. Đã có người đứng ra thành lập công ty, mở cửa hiệu chuyên cung cấp, sửa chữa đồng hồ có thương hiệu ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh với doanh thu hàng chục tỉ đồng mỗi năm. Hiện, người con trai út của ông vẫn đang cần mẫn nối tiếp nghề sửa chữa đồng hồ của cha.

Ngô Xuân Lộc

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nguoi-hoi-sinh-nhung-chiec-dong-ho-lich-su/