Người hùng đạt giải Noel hòa bình: Cha đẻ 'ngân hàng cho người nghèo' đối mặt án tù

Cha đẻ của mô hình 'ngân hàng cho người nghèo' từng được ví như người hùng của dân tộc nay lại đang phải đối mặt với án tù.

Ông Muhammad Yunus là một nhà kinh tế học nổi tiếng người Bangladesh và là một trong những người khởi xướng về một nền kinh tế thị trường xã hội mới. Ông còn được biết đến với câu nói "sẽ phấn đấu xóa đói giảm nghèo cho một ngày con cháu chúng ta sẽ tới các viện bảo tàng để thấy đói nghèo là thế nào”.

Sinh ra trong một gia đình khó khăn với 14 người con, 5 trong số đó chết từ bé do điều kiện sống thiếu thốn nên ông Muhammad Yunus luôn thấu hiểu đối với những người nghèo khó. Vào năm 1974, một nạn đói khủng khiếp diễn ra khiến hàng chục nghìn người Bangladesh thiệt mạng. Chứng kiến cảnh tượng đau lòng này, ông Yunus đã quyết tâm tìm ra cách giúp người dân nơi đây xóa đói giảm nghèo.

Muhammad Yunus - cha đẻ của "ngân hàng dành cho người nghèo".

Trong giai đoạn từ năm 1976 đến năm 1982, ông Yunus đã tạo điều kiện cho 28.000 người nghèo tại Bangladesh được vay vốn để làm kinh tế từ các sản phẩm tre. Thành công ban đầu này đã thôi thúc ông thành lập Ngân hàng Grameen hay còn gọi là “ngân hàng cho người nghèo” vào năm 1983.

Ngân hàng Grameen vận dụng phương thức “cho vay đoàn kết”, nghĩa là người vay tiền tự mình tham gia vào quá trình ban hành các quy định hoạt động chung của ngân hàng và cam kết thực hiện theo đúng quy định đó. Ngân hàng của Muhammad Yunus đã cho người nghèo vay các khoản nhỏ từ 50 – 100 USD mà không cần thế chấp hay đảm bảo.

Ngoài ra, ngân hàng này còn phát triển hệ thống tín dụng nhỏ và các chương trình cho vay về nhà cửa, hỗ trợ tài chính cho các dự án nuôi trồng thủy sản, dệt may hay tưới tiêu.

Từng bị coi là ý tưởng điên rồ nhưng ý tưởng “cho người nghèo vay tiền” của Muhammad Yunus đã thành công ngoài mong đợi. Tính đến năm 2006, ngân hàng của ông đã cho 6,61 triệu người vay, trong đó có tới 97% là phụ nữ.

Tổng số tiền mà Ngân hàng Grameen cho vay lên tới 5,72 tỷ USD. Số tiền thu hồi về là khoảng 5,07 tỷ USD, với tỷ lệ thu hồi nợ ở mức 98,85%. Mô hình tín dụng giúp đỡ người nghèo của ngân hàng Grameen đến nay đã được áp dụng ở 23 quốc gia khác nhau và giúp hàng chục triệu người thoát nghèo.

Nhờ “ngân hàng cho người nghèo”, ông Muhammad Yunus được trao giải Noel Hòa bình vào năm 2006. Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton còn cho rằng: “Với sáng kiến giúp tầng lớp bần cùng thoát nghèo, ông Muhammad Yunus thậm chí còn xứng đáng giành giải Nobel Kinh tế”.

Muhammad Yunus được ví như người hùng trong mắt dân nghèo.

Vào đầu tháng 2/2007, ông Yunus ra lời kêu gọi người dân Bangladesh ủng hộ ông thành lập đảng phái chính trị mới để thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Dù đảng phái này giải tán chỉ sau vài tháng thành lập nhưng quyết định dấn sân sang vũ đài chính trị đã khiến ông Yunus trở thành cái gai trong mắt nhiều người.

Từ vị trí “người hùng” trong mắt những người dân nghèo nhưng ông Yunus lại bị Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina Wajed xem như một “kẻ tội đồ” hay “kẻ hút máu người nghèo”.

Vào năm 2011, ông Muhammad Yunus bị buộc phải rời khỏi Ngân hàng Grameen do ông thành lập vì vượt quá độ tuổi quy định và chính phủ sau đó đã nắm quyền kiểm soát hội đồng quản trị. Năm 2013, ông phải ra hầu tòa với tội danh nhận tiền từ nước ngoài mà không có sự cho phép của chính phủ, bao gồm cả tiền giải thưởng Nobel và tiền bản quyền từ một quyển sách.

Ngoài ra, Thủ tướng Sheikh Hasina Wajed còn đỗ lỗi cho ông Yunus liên quan đến quyết định rút khỏi dự án cầu bắc qua sông Padma của Ngân hàng thế giới vào năm 2012. Khi đó, bà Sheikh Hasina Wajed đã ám chỉ rằng nhà kinh tế này đã phản bội đất nước của mình.

Muhammad Yunus liên tiếp dính đến các vụ kiện tụng.

Đến tháng 5 năm nay, tòa án cấp cao của Banglades yêu cầu ông Yunus phải trả 120 triệu taka (tương đương 1,2 triệu USD) tiền thuế cho các khoản quyên góp từ thiện của ông cho 3 quỹ tín thác. Hồi tháng trước, 18 cựu nhân viên của Grameen Telecom cũng đâm đơn kiện ông Yunus vì tội chiếm đoạt cổ tức. Nếu bị kết tội, ông Yunus có thể sẽ phải ngồi tù ít nhất 6 tháng.

Một làn sóng ủng hộ ông Yunus đã diễn ra trên toàn cầu. Đã có 176 người ký tên vào bức thư ngỏ gửi Thủ tướng Sheikh Hasina Wajed, kêu gọi chấm dứt các vụ kiện tụng chống lại ông Yunus. Trong số 176 người này, có hơn 100 người đạt giải Nobel, các nhà lãnh đạo thế giới như cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama hay cựu Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon.

Cái kết dành cho nhà kinh tế 83 tuổi này vẫn chưa được định đoạt. Thế nhưng, những gì ông đã làm được cho hàng triệu người nghèo trên thế giới là điều mà ít ai có thể làm được.

Khánh Tú

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/nguoi-hung-dat-giai-noel-hoa-binh-cha-de-ngan-hang-cho-nguoi-ngheo-doi-mat-an-tu-20180504224288908.htm