Người im lặng nói nhiều hơn tất cả

Doan Bui, tác giả người Pháp gốc Việt hoàn toàn xa lạ với độc giả Việt Nam, còn Người cha im lặng là tác phẩm đầu tiên của bà được dịch sang tiếng Việt, thứ ngôn ngữ bà đã đánh mất.

Người cha gốc Việt đặt chân đến Pháp năm mười chín tuổi đem theo gia đình bé mọn của mình. Một ngày bình thường như bao ngày bình thường khác, sau cơn tai biến, ông mất đi giọng nói của mình mãi mãi.

Doan Bui khởi đầu thiên hồi ký của mình bằng một chi tiết rất Kafka: nếu Samsa của Kafka bị giam hãm trong hình thù một con bọ thì người cha của Doan Bui bị giam trong chiếc vỏ của sự im lặng vĩnh cửu.

Bắt đầu bằng việc biết rằng không thể nghe được thêm gì nơi người cha ấy, cái kho tàng quá khứ đã khép cửa và chẳng có thể nói gì cùng mình kể cả những lời thì thầm, Doan Bui viết để đào xới, để tìm kiếm câu chuyện đã đánh mất, câu chuyện mà giờ đây người cha đánh mất tiếng nói sẽ kể trong chính sự im lặng của mình.

Cuộc đời biến thành chất liệu, nỗi tịch liêu biến thành chuyện kể, như thể sức mạnh của bóng tối tĩnh tại trong con người thừa khả năng để nói cho chúng ta nghe, và nghe rõ, nghe thấu những gì không còn bị tạp âm quấy nhiễu.

Từ một sự kiện mang dáng vẻ bi kịch cá nhân, Doan Bui nhào nặn nó thành một duyên cớ để hay đúng hơn bà bị bắt buộc phải viết trước sự nghiệt ngã của đời sống cùng sự tàn phá của thời gian. Bà phải cần nhiều can đảm hơn để dấn thân vào một chốn xa lạ, miền đất bà đã lãng quên, thứ ngôn ngữ đã bị tước đoạt khỏi bà cho một sự hòa nhập trọn vẹn vào vùng đất mới.

Quá khứ là một gánh nặng, lịch sử, dù chỉ là lịch sử một con người vẫn bao trùm trong đó những chương riêng tư của nó. Doan Bui phải lách qua nó, như bơi qua một dòng sông đen, cuốn vào những chỗ sâu nhất, vượt thoát, để sống sót, để kể lại, chỉ có kể lại mới là cách tốt nhất để được chữa lành.

Người cha im lặng bảo lưu tính riêng tư cá nhân của nó trong thể loại ký, đồng thời vẫn mang tính phổ quát cho những số phận nhập cư không chỉ riêng cộng đồng người Việt mà còn những cộng đồng nhập cư khác. Họ lưu lạc trong chính xã hội họ đang sinh sống, xa lạ với con người với vùng đất, và trên hành trình hòa nhập của mình, họ phải đánh đổi nhiều thứ, mất mát nhiều thứ để có được thân phận mới dù rằng vẫn mang mặc cảm “người xa lạ” ở chính đất nước họ chọn làm quê hương thứ hai.

Doan Bui đã thể hiện năng lực phóng viên của mình ở khả năng ghi nhận và xử lý những thông tin tư liệu đồng thời thể hiện sự tinh tế nhạy cảm của một người nghệ sĩ để gói gọn được trong cuốn sách mỏng này những tâm tư của kẻ xa xứ, nỗi bất an trong một thế giới bị xóa nhòa ranh giới nhưng đồng thời ẩn chứa sự phân mảnh, những vết nứt, những bức tường, biên giới không thể nào vượt qua.

Hãy bắc một cây cầu. Dòng sông nước chảy xiết. Hãy bắc một cây cầu. Đi qua những nhớ tiếc.

Với những tác phẩm như Người cha im lặng, ta có thể tin tưởng vào khả năng những cây cầu rồi sẽ được kết nối, vượt qua hết những vụn vỡ của lịch sử loài người.

Không đầu hàng. Mạnh mẽ và hài hước. Doan Bui cho thấy khả năng hàn gắn của văn chương trước những rào cản của ngôn ngữ lẫn những thế lực đe dọa chia rẽ con người. Cuộc truy tìm về nguồn cội của Doan Bui chính là sự hóa giải tất cả những mâu thuẫn bi kịch của gia đình, bi kịch của xã hội nhập cư và trên tất cả, nó là minh chứng hùng hồn ở khả năng và sức mạnh của máu mủ, thứ không thể nào thay đổi được.

Huỳnh Trọng Khang

Người cha im lặng là tự truyện do tác giả Doan Bui chấp bút bằng tiếng Pháp, được dịch sang tiếng Việt bởi nhà văn Thuận. Sách do Phương Nam Book và NXB Hội Nhà Văn ấn hành 1.2018.

Người cha im lặng đã được phát hành ở nước ngoài bởi nhà xuất bản L’Iconoclaste (Pháp) năm 2016 với nguyên tác tiếng Pháp: Le silence de mon père. Thời điểm xuất bản, Doan Bui là phóng viên của tuần báo Pháp nổi tiếng l’Obs.

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/nguoi-im-lang-noi-nhieu-hon-tat-ca-13030.html