Người kể chuyện Bác Hồ ở Kim Liên

'…Xúc động trước cảnh nhà đơn sơ, giản dị của Bác Hồ, nhà thơ Tố Hữu đã viết 'Ba gian nhà trống, nồm đưa võng/Một chiếc giường tre, chiếu mỏng manh'. Sau tấm vải màn nhuộm nâu này là chiếc giường nhỏ - nơi nghỉ của mẹ Bác Hồ. Đây cũng chính là nơi Bác Hồ đã cất tiếng khóc chào đời...', giọng kể xúc động của chị Phùng Thị Hương Giang - thuyết minh viên Khu di tích Kim Liên (Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An) khiến du khách tham quan không cầm được nước mắt.

Hạnh phúc khi được kể chuyện về Bác

Lau vội giọt mồ hôi còn lấm tấm trên trán sau khi thuyết minh cho đoàn học sinh Trường THCS Trung Đô (TP Vinh, Nghệ An), chị Giang cười hiền “Đến tận bây giờ, tôi vẫn không thể quên được ngày nghe tin trúng tuyển làm thuyết minh viên tại quê Bác. Lúc đó, tôi chỉ biết khóc vì vui sướng...”.

Sinh năm 1975, sau khi tốt nghiệp Đại học Huế, chị Giang đã có công việc ổn định. Nhưng vì say mê những câu chuyện về Bác, mong muốn được tìm hiểu nhiều hơn nữa về Bác, chị quyết định thi tuyển làm người thuyết minh tại Khu di tích Kim Liên. Niềm khát khao ấy đã trở thành hiện thực khi chị vượt qua hơn 100 thí sinh và trúng tuyển.

Gần 23 năm làm thuyết minh viên, chị Phùng Thị Hương Giang không nhớ nổi mình đã đón bao nhiêu đoàn khách tới thăm. Nhưng đoàn khách để lại trong chị nhiều ấn tượng nhất là đoàn cựu binh Mỹ - những người trực tiếp tham chiến tại Việt Nam năm xưa.

 Chị Phùng Thị Hương Giang thuyết minh cho khách tham quan.

Chị Phùng Thị Hương Giang thuyết minh cho khách tham quan.

Đó là năm 2000, khi đoàn cựu binh Mỹ với hơn 15 người đến tham quan Khu di tích Kim Liên. “Trong suốt quá trình tham quan ở đây, tất cả đoàn đều im lặng, lắng nghe một cách chăm chú. Đặc biệt, đôi bàn tay của họ cứ giơ ra rồi rút vội lại, dường như họ rất muốn chạm thử vào những vật dụng trong nhà Bác nhưng có điều gì đó khiến họ chần chừ…” chị nhớ lại.

Trước bàn thờ ở nhà Bác, cả đoàn cựu binh Mỹ đứng cúi đầu hơn nửa tiếng đồng hồ, nhiều người trong số đó khóc nức nở. Họ không tin vào mắt mình bởi một ngôi nhà lá bé nhỏ, đơn sơ như thế mà đã sinh ra một người anh hùng, lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, một danh nhân văn hóa thế giới. Khi ra về, từng người trong đoàn nắm chặt tay tôi, miệng liên tục nói xin lỗi. “Bản thân tôi cũng không kìm lòng nổi. Tôi cảm nhận được những người lính Mỹ kia luôn mang trong mình sự dày vò khi nhớ lại tháng ngày tham chiến ở Việt Nam…”, chị Giang tâm sự.

Bao nhiêu năm gắn bó với nghề, chị đã gặp gỡ kể chuyện cho hàng nghìn đoàn khách tham quan ở trong và ngoài nước. Những đôi mắt đỏ hoe hay giọt nước mắt chảy dài trên gò má của du khách khi nghe chuyện về Bác, về gia đình Bác là động lực để chị thêm yêu nghề, cố gắng trong công việc.

Vất vả nhưng rất tự hào

Ông Nguyễn Bảo Tuấn, Giám đốc Khu di tích Kim Liên cho biết, mỗi năm Khu di tích đón hơn 1,8 triệu lượt khách trong và ngoài nước đến thăm. Tuy nhiên, cả khu di tích chỉ có 16 thuyết minh viên, phụ trách hướng dẫn 3 khu vực chính: Quê ngoại - làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An; quê nội làng Kim Liên - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống những năm 1901-1906; khu mộ bà Hoàng Thị Loan (mẹ Chủ tịch Hồ Chí Minh); núi Chung và nhiều di tích khác đã gắn liền với tuổi thơ của Bác.

Chị Phùng Thị Hương Giang thuyết minh cho đoàn khách đến từ tỉnh Hưng Yên.

Chia sẻ về nghề của mình, chị Giang tâm sự, công việc chiếm hầu hết thời gian của bản thân “Ngày nào cũng như ngày nào, ngay cả dịp lễ, Tết thì chúng tôi vẫn đi làm…”. Nhưng may mắn thay khi mọi người trong gia đình luôn ủng hộ; điều đó là nguồn động lực lớn để chị cống hiến nhiều hơn nữa cho công việc. Nói rồi, chị “khoe” với chúng tôi “món quà đặc biệt” - chai nước muối dùng để ngậm họng mà cô con gái sáng nay bỏ vào túi xách của chị vì sợ mẹ nói nhiều mất tiếng.

Khu di tích Kim Liên được thành lập từ năm 1956 đến nay và luôn mở cửa mỗi ngày trong năm... Nắng cũng như mưa, trong tà áo dài màu hồng cánh sen, những thuyết minh viên tại đây vẫn miệt mài làm việc. Năm 2017, có đoàn khách từ miền Nam ra, đúng hôm đó thì trời đổ mưa, nước ngập đầy sân. Cả đoàn bất chấp mưa gió, mặc áo mưa đứng nghe kể chuyện. Nhiều người trong số đó đứng bần thần khi thấy khung cửi của mẹ Bác - người phụ nữ đã dành cả cuộc đời để lo cho chồng, cho con… Sau khi thuyết minh xong, một du khác trong đoàn tiến lại, đưa cho tôi chiếc khăn và 1 hộp sữa bảo: “ Cảm ơn con. Việc con đang làm rất có ý nghĩa. Con nhớ giữ gìn sức khỏe, để kể nhiều hơn nữa những câu chuyện về Bác Hồ nhé..”. Lúc đó, tôi thật sự rất xúc động, chị Giang bộc bạch.

Chính nhờ những tình cảm thiết tha của nhiều thế hệ người Việt Nam, bạn bè quốc tế là sự động viên to lớn để cho không chỉ mình chị Phùng Thi Hương Giang mà tất cả những người thuyết minh tại Khu di tích Kim Liên không ngừng vươn lên học hỏi, nghiên cứu để bổ sung hoàn thiện các kiến thức về thân thế, sự nghiệp của Bác, kỹ năng truyền cảm cho khách...

Nỗ lực hoàn thiện bản thân mỗi ngày

Do đặc thù nghề nghiệp, hướng dẫn viên ở đây hầu hết là người địa phương, có hiểu biết về lịch sử, văn hóa xứ Nghệ và đặc biệt là am tường về cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như người thân trong gia đình. Bên cạnh đó là những yêu cầu gắt gao về bản lĩnh chính trị vững vàng, khả năng ứng xử nhanh, không được phép để xảy ra sai sót, dù là nhỏ nhất.

Mỗi ngày, chị Giang phải đón từ 15-20 đoàn khách, vào thời gian cao điểm thì con số đó còn tăng lên. Công việc tưởng chừng như đơn giản ấy, nhưng để “nói được” cũng gặp nhiều khó khăn. “Thỉnh thoảng tôi vẫn đứng trước gương để luyện nói, tập cách ngừng nghỉ trong câu sao cho hợp lý. Bên cạnh đó, mỗi khi cơ quan, địa phương có tổ chức cuộc thi kể chuyện về Bác Hồ, tôi đều cố gắng tham gia. Những lần như thế, không chỉ học hỏi được cách dẫn chuyện mà tôi còn tìm hiểu được thêm nhiều câu chuyện nữa về Bác, về gia đình Bác. Điều đó giúp ích rất nhiều cho công việc của tôi..." - chị Giang nói.

Chia sẻ với chúng tôi, chị Giang cho biết, nhiều người có suy nghĩ thuyết minh viên chỉ nói lại một câu chuyện, nghe nhiều lần sẽ cảm thấy nhàm chán. Tuy nhiên, đối với mỗi đối tượng, người thuyết minh lại có phương pháp truyền đạt khác nhau. Qua giọng nói đầm ấm, với cách kể khác nhau, những ngày xưa cũ của cậu bé Nguyễn Sinh Cung được tái hiện rõ nét qua những vật dụng đơn sơ còn lại trong nhà Bác.

Câu chuyện giữa chúng tôi với chị Giang bị cắt ngang bởi một đoàn khách du lịch từ Hưng Yên bước đến, đưa một tấm giấy nhỏ và hỏi “ Chị có phải là Hương Giang không?”. Chị đáp “ Dạ phải”. “Vậy phiền chị kể cho đoàn chúng tôi nghe những chuyện về quê ngoại của Bác nhé?”, trưởng đoàn yêu cầu. Chị Giang nhanh chóng chào tạm biệt chúng tôi, rồi vội vã xách chiếc loa tay bước đi.

Giữa cái nắng gay gắt, chị Giang mặc chiếc áo dài màu cánh sen và kể câu chuyện về Bác bằng chất giọng xứ Nghệ ngọt ngào, đầm ấm, lắng sâu vào tâm trí du khách...

Bài, ảnh: PHÙNG TRANG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/50-nam-thuc-hien-di-chuc-cua-chu-tich-ho-chi-minh/nguoi-ke-chuyen-bac-ho-o-kim-lien-582524