Người kế thừa chiến dịch 'đả hổ, diệt ruồi' của Trung Quốc

Ông Lý Hi tiếp bước ông Triệu Lạc Tế và Vương Kỳ Sơn để trở thành tân lãnh đạo của chiến dịch chống tham nhũng 'đả hổ, diệt ruồi' đã diễn ra 10 năm ở Trung Quốc.

 Ông Lý Hi, 66 tuổi, trong lễ ra mắt Thường vụ Bộ Chính trị khóa XX hôm 23/10 tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh. Ảnh: Reuters.

Ông Lý Hi, 66 tuổi, trong lễ ra mắt Thường vụ Bộ Chính trị khóa XX hôm 23/10 tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh. Ảnh: Reuters.

Khi 7 ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị khóa XX của Trung Quốc ra mắt vào sáng 23/10, ông Lý Hi - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông - là người sau cùng bước lên sân khấu. Nhưng vị trí ông nắm giữ trong bộ máy lãnh đạo mới của Trung Quốc lại có tầm quan trọng hàng đầu.

Một ngày trước đó, ông Lý Hi đã được bầu làm Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương - cơ quan giám sát 97 triệu thành viên Đảng Cộng sản Trung Quốc. Điều này cho thấy ông Lý sẽ là bộ mặt trong 5 năm tới của chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ, diệt ruồi”.

Điểm khác với 3 tân ủy viên còn lại

Ông Lý Hi, 66 tuổi, là lãnh đạo của 133 thành viên mới thuộc Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương khóa XX. Người tiền nhiệm của ông Lý Hi là ông Triệu Lạc Tế - người đã tái cử vào Thường vụ Bộ Chính trị hôm 23/10.

Với cách sắp xếp nhân sự như trên, ông Lý Hi đã được chọn làm người tiếp tục thực hiện một trong những ưu tiên của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong 10 năm qua: Chiến dịch chống tham nhũng.

Trong chiến dịch ấy, giới chức thanh tra khắp Trung Quốc đã xử lý gần 4,4 triệu vụ việc vi phạm kỷ luật từ tháng 11/2012 tới tháng 4, liên quan tới 4,7 triệu cá nhân, theo Tân Hoa xã.

“(Khi còn là) Bí thư Tỉnh ủy Liêu Ninh, ông Lý Hi được biết đến với lập trường cứng rắn chống tham nhũng, cũng như thái độ tích cực ủng hộ lời kêu gọi nghiêm khắc thực thi kỷ luật đảng”, ông Cheng Li, Giám đốc Trung tâm Trung Quốc John L. Thornton thuộc Viện Brookings, nói với Reuters.

Chu Vĩnh Khang - nguyên ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc - là một trong những "con hổ" sa lưới trong chiến dịch chống tham nhũng. Ảnh: Reuters.

Không giống 3 ủy viên khác cũng lần đầu vào Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc (gồm các ông Lý Cường, Thái Kỳ, Đinh Tiết Tường), ông Lý Hi trước đó chưa có thời gian làm việc cùng ông Tập Cận Bình.

Nhưng ông Lý Hi xuất thân huyện Lưỡng Đương thuộc vùng nông thôn tỉnh Cam Túc, nơi cựu Phó thủ tướng Tập Trọng Huân, cha của Chủ tịch Tập Cận Bình, từng lãnh đạo trận đánh mở màn sự nghiệp cách mạng của mình vào tháng 4/1932, theo SCMP.

Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành ngôn ngữ và văn học Trung Quốc, từ năm 1982 tới năm 1986, ông Lý Hi làm trợ lý cho ông Lý Tử Kỳ, một người bạn chiến đấu của ông Tập Trọng Huân.

Trong hầu hết 30 năm đầu sự nghiệp, ông Lý Hi công tác tại quê nhà Cam Túc và tỉnh Thiểm Tây lân cận. Năm 2011, sau khi tốt nghiệp thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Thanh Hoa, ông Lý Hi được thuyên chuyển tới Thượng Hải, nơi ông lần lượt trải qua một số vị trí cấp cao.

Sự nghiệp khởi sắc từ năm 2014

Sự nghiệp của ông Lý Hi thực sự khởi sắc vào năm 2014-2015, khi ông được bổ nhiệm lần lượt làm Quyền tỉnh trưởng và Tỉnh trưởng Liêu Ninh. Một năm sau, ông trở thành Bí thư Tỉnh ủy Liêu Ninh.

Năm 2017, ông Lý Hi trở thành ủy viên Bộ Chính trị khóa XIX, ít lâu sau trở thành Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông - một trong những đầu tàu về kinh tế và chính trị của Trung Quốc. Người tiền nhiệm của ông Lý Hi là ông Hồ Xuân Hoa, hiện là phó thủ tướng.

Ông Tập Trọng Huân (giữa) và 2 con trai - ông Tập Chính Ninh (trái) và ông Tập Cận Bình. Ông Lý Hi xuất thân huyện Lưỡng Đương, Cam Túc, nơi ông Tập Trọng Huân từng lãnh đạo trận đánh mở màn sự nghiệp cách mạng của mình vào năm 1932. Ảnh: SCMP Pictures.

Là lãnh đạo tỉnh có nền kinh lớn bậc nhất của Trung Quốc, ông Lý Hi phụ trách chính sách thương mại, cải cách kinh tế và sự liên kết khu vực của Vùng Vịnh lớn, bao gồm 2 đặc khu Macao và Hong Kong cùng 9 thành phố của tỉnh Quảng Đông.

Thời gian của ông Lý Hi ở Quảng Đông được xem là giai đoạn tích lũy kinh nghiệm quan trọng và xây dựng tín nhiệm về quản trị kinh tế. Bốn trong 5 đời bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông trở lại đây đều gia nhập Thường vụ Bộ Chính trị.

Trước khi trở thành ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị khóa XX, ông Lý Hi có tên trong danh sách ủy viên Bộ Chính trị khóa XIX, cũng như là ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương của hai khóa XVIII và XVII.

Chức vụ hiện tại của 7 ủy viên Ban thường vụ Bộ Chính trị mới của Trung Quốc. Đồ họa: Mỷ Thi.

Lễ ra mắt Ban thường vụ Bộ Chính trị mới của Trung Quốc Ông Tập Cận Bình cùng 6 thành viên khác của Ban thường vụ Bộ Chính trị mới đã lần lượt bước lên khán đài trong tiếng vỗ tay và trước sự quan sát của đông đảo báo giới.

Quốc Đạt

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-ke-thua-chien-dich-da-ho-diet-ruoi-cua-trung-quoc-post1368411.html