Người kết nối 'con tim' giữa biển khơi

'Vừa rồi, tôi định cắt chiếc tàu ra làm đôi để chắp thêm 6m, nâng chiều dài lên 40m, chi phí đội đến 2 tỉ đồng. Thấy hết nhiều tiền quá, tôi chỉ nâng phần mũi 2m, thành chiếc tàu 33m. Nếu Chính phủ cho vay tiền, tôi sẽ đóng chiếc tàu đánh cá dài 100m, trên tàu gắn mấy nghìn bóng đèn cao áp, vươn ra khắp các vùng biển'. Đó là tâm sự của ông Nguyễn Văn Tuy (SN 1972), xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa, chủ tàu cá vừa cùng với các thuyền trưởng cập cảng cá Hòn Rớ, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa bán 50 tấn cá.

Thuyền trưởng Nguyễn Văn Tuy với chiếc đèn cao áp “đặc chủng” bỏ dưới nước để dẫn dụ cá, mực. Ảnh: Hải Luận

Nghe nói, biển đang “đói”, nếu sắm chiếc tàu to quá, liệu có chịu nổi tiền dầu không anh? - Tôi hỏi.

- Mới tuần trước, chú Dũng đây (ông Nguyễn Văn Dũng, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa, chủ tàu đánh cá TH 93586 TS đang ngồi bên cạnh) chụp một mẻ lưới được mấy chục tấn cá mực, nặng quá rách cả lưới, nên “vỡ trận”. Chú Dũng gọi tàu Nghệ An tới cũng chụp một nhát, được mấy chục tấn, nhưng do thiếu kinh nghiệm cũng bị “vỡ trận”. May mà mấy ông bạn tôi đây có mang theo lưới dự phòng, đánh vớt vát, mỗi tàu được 40 - 50 tấn.

Nhóm bạn: Thật thà, đoàn kết, đạo đức

Chỉ trong vòng 20 ngày tối trăng, tàu của ông Tuy đã trúng đậm 2 chuyến biển. Cuối tháng 7 (âm lịch), tàu ông ra đánh 8 ngày, đạt 40 tấn, về cập cảng Quy Nhơn (Bình Định) bán trên được 400 triệu đồng. Ông tức tốc bơm dầu, mua nước đá, lương thực, thực thẩm đi biển tiếp, 10 ngày sau cho tàu vào Nha Trang bán 50 tấn cá. Tổng hai chuyến biển của ông doanh thu gần 1 tỉ đồng. Tàu neo lại ở Hòn Rớ, cả chủ tàu và thuyền viên nhảy xe về thăm nhà ở Thanh Hóa. Qua rằm tháng 8, mọi người tập trung lại, bơm 25.000 lít dầu, xay trên 1.000 cây đá đi biển tiếp. Ba năm hạ thủy, chiếc tàu sắt trị giá gần 20 tỷ đồng chưa quay về quê hương Hậu Lộc lần nào.

- Tôi đúc kết lại: Tàu là nhà, biển đảo là quê hương. Suốt cả năm, tàu tôi cứ chạy theo đuôi con cá, lúc thì Bình Định, tháng sau quay vào Khánh Hòa, rồi vào Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu,... Có lần, tàu ghé vào đảo Đá Tây A (huyện Trường Sa, Khánh Hòa), mấy anh bộ đội trên đảo ở quê Thanh Hóa, nói: “Em ở đảo lâu rồi nhưng chưa thấy chiếc tàu nào quê Thanh Hóa vào đây đánh bắt. Hình như đây là chiếc đầu tiên em nhìn thấy”. Tôi đi đến đâu cũng có bạn hữu xin gia nhập vào Tập đoàn Đoàn kết – Ông Tuy nói.

- Tập đoàn Đoàn kết là như thế nào?

- Gọi đúng là “Nhóm bạn chí cốt” hỗ trợ nhau ngoài biển khơi. Tỉnh Thanh Hóa có 4 tàu, Nghệ An có 4 tàu, Khánh Hòa có ông “vua mành chụp” Bảy Ngọc cũng tham gia. Bình Định có mấy ông đang trong quá trình “xét” kết nạp.

- Làm cái gì mà “bình xét” ghê thế?

- Biển cả rộng mênh mông, sóng gió nguy hiểm, mọi người phải thật sự đoàn kết với nhau, “chia lửa” lẫn nhau mới thắng lớn được. Ví dụ, tàu tôi gặp đàn cá khủng, tàu bạn tôi chưa gặp đàn cá nào. Tôi lên Icom (bộ đàm) gọi họ đến cùng đánh. Lần khác, tàu bạn tôi trúng cá lại gọi tàu tôi tới. Chỉ một cú gọi thôi, có thể kiếm được mấy trăm triệu đồng. Vì lẽ đó, Tập đoàn của tôi lúc nào cũng kiếm ăn được. Nếu có tàu lạ nước ngoài nào đến uy hiếp tàu ai đó, lập tức có 3 – 5 chiếc tàu sắt chạy tới thị uy. Tôi là người thật thà, lấy đạo đức làm trọng. Muốn kết nạp tàu nào vào nhóm này phải qua “vài bữa nhậu lai rai” để “kiểm tra” lai lịch, tướng mạo, rồi thử 2 – 3 chuyến biển kiểm chứng mức độ tin cậy đến đâu. Nếu như họ “làm trúng” mà giấu bọn tôi, nói “làm đói” thì chỉ cần sau mấy ngày là “lòi” ra ngay. Tóm lại, nhóm bạn của chúng tôi là: Thật thà, đoàn kết, đạo đức. Phải để “con tim” tự kết nối lại với nhau ở giữa biển khơi.

Hành trình khai phá vùng biển mới

Tôi chứng kiến tàu ông Tuy cập cảng Hòn Rớ, thành phố Nha Trang bán cá, có rất nhiều thuyền trưởng tàu đánh cá ở Thái Bình, Nghệ An, Khánh Hòa... đến tàu ông chơi. Kể cả ông Bảy Ngọc, TP Nha Trang xếp hạng “đại ca” mành chụp cỡ lớn cũng ngồi cả buổi chiều hàn huyên, học hỏi lẫn nhau.

Nghề mành chụp ở vùng biển vịnh Bắc Bộ phát triển khá sớm. 16 tuổi, ông Tuy đã bước xuống tàu đánh cá làm thuê rồi cưới vợ, có chút vốn, sắm chiếc thuyền nhỏ làm chủ, rồi tích góp “nâng đời” tàu to lên. Máu làm ăn quá, sắm cặp tàu cào bay, làm được một thời gian nó đã “cào bay” mất mấy tỉ đồng của ông. Định chấm dứt nghề biển cả từ đây, lên bờ làm cái gì đó kiếm cơm ăn qua ngày, thế nhưng biển cả nó đã nằm trong máu thịt nên ông phải quay lại nghề mành chụp. Ông quyết định chạy tàu vào phương Nam làm ăn.

“Tàu chạy hết 6 ngày 6 đêm liên tục mới đến được đảo Phú Quý (Bình Thuận), làm thử một tuần, rồi hướng mũi về Côn Đảo (Vũng Tàu). Tàu mới đến nơi nhiều người thấy lạ, xúm lại đếm bóng đèn. Thời điểm đó tàu tôi gắn 30 bóng điện cao áp, loại 1.000W. Trong khi đó, dân ở trong này chỉ dùng loại bóng đèn tuýp. Chuyến biển đầu tiên tôi trúng đậm, chạy vào Vũng Tàu bán. Thấy vùng đất này làm ăn được, tôi điện về nói với vợ bán nhà ở Thanh Hóa, vào Vũng Tàu định cư. Mẹ tôi cản, không cho đi” - Ông Tuy nhớ lại. Thế là 6 tháng sóng êm, ông Tuy đánh bắt ở vùng biển phía Nam, 6 tháng mùa gió bấc, ông lại quay tàu về vịnh Bắc Bộ đánh cá. Từ khi sắm được chiếc tàu sắt lớn, ông tung hoành từ vùng biển Hoàng Sa (Đà Nẵng) đến xuống dưới Côn Đảo. “Trừ khi có bão tôi mới đưa tàu vào đảo hoặc bờ ẩn nấp, còn gió cấp 7, cấp 8 vẫn làm bình thường, gió cấp 9, tôi cũng không sợ” - Ông Tuy nói như một thủ lĩnh biển cả.

Các ngư dân đi trên tàu của ông Nguyễn Văn Tuy bốc cá lên bán tại cảng Hòn Rơ, TP Nha Trang, Khánh Hòa. Ảnh: Hải Luận

Với bản lĩnh, trí tuệ của mình, ông Tuy đã đúc rút nhiều kinh nghiệm và thuộc làu các dòng hải lưu, hướng gió, hướng di chuyển của đàn cá theo từng mùa vụ. Mỗi chuyến biển trúng cá, ông đều nhớ kỹ tọa độ của vùng biển, để năm sau vào đúng thời điểm này ông đến đúng đây “điểm huyệt” đánh bắt. Ông Nguyễn Văn Dũng, thuyền trưởng tàu TH 93586 TS, tâm sự: “Tôi mới đóng chiếc tàu sắt theo Nghị định 67 và cùng với anh Tuy vào vùng biển Nam Trung bộ đánh bắt. Anh cho gia nhập vào “Nhóm bạn chí cốt”, học hỏi được nhiều kinh nghiệm lắm. Hôm qua, anh Tuy bày: Nếu gặp đàn cá dày đặc cả trăm tấn, cứ để sáng đèn bình thường cho cá nó tản rộng ra, khi buông lưới chụp sẽ thu được từ 10 - 20 tấn. Nếu vượt quá 30 tấn, lưới chịu không nổi dễ bị vỡ trận”.

Điều đáng nhớ nhất trong đời ông Tuy là 2 lần cứu vớt 14 người bị trôi dạt trên biển do tàu chìm. Lần thứ nhất là cứu ngư dân ở xã Quỳnh Thọ, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Vụ tai nạn do tàu đó bị thủng, nước tràn vào. Trên tàu có 8 người, bị trôi dạt giữa biển, ông Tuy cứu xong cho tàu chạy vào bờ. Chuyến biển trên ông chịu lỗ tới 150 triệu đồng. Chuyến khác, ông Tuy lại cứu 7 người xã Minh Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa, trên vùng biển Đông Nam đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng). Qua sóng Icom, ông Tuy biết chiếc tàu bị nạn cách chỗ ông khoảng 5 hải lý. Trong điều kiện gió cấp 7, nhưng ông vẫn quay mũi tàu hướng về tàu cá bị nạn và cứu thành công.

“Ra ngoài biển khơi, con người cảm thấy mong manh lắm. Mạng mình như “treo” đầu ngọn sóng. Vì lẽ đó, ai gặp khó khăn, éo le, tôi đều xông ra cứu giúp. Bây giờ sắm tàu to, máy khỏe, ánh sáng mạnh, ra biển tôi thấy tàu nhỏ đang đánh bắt, tôi phải cho tàu chạy cách xa cả chục lý (hải lý). Nếu mình ở gần, trên tàu có gần 400 bóng đèn cao áp, sáng rực cả vùng biển sẽ “hút” cá, mực về tàu mình hết. Đời tôi cũng đã uất ức trước kẻ mạnh, ỷ tàu to họ vào đánh sát bên mình, chẳng khác nào đi cướp chén cơm của nhau. Trong nhóm bạn biển của tôi, lúc nào cũng đề cao tinh thần đạo đức” - Ông Tuy chia sẻ.

Hải Luận

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nguoi-ket-noi-con-tim-giua-bien-khoi/