Người khắc bút cuối cùng đất Hà thành

Đối với ông Quý, mỗi một nét khắc là một linh hồn, một kỷ niệm. Cả cuộc đời gắn bó với nghề không nhằm mục đích mưu sinh, ông gắn bó với nghề là để bảo tồn cái nghề 'lưu dấu thời gian' của đất Hà thành xưa.

- Phóng sự của Thành Văn -

Dưới chân Tháp bút, trước cổng đền Ngọc Sơn bên Hồ Gươm, Hà Nội có một ông lão tên Lê Văn Quý, SN 1940 đã gần 60 năm trời miệt mãi với nghề khắc bút cổ hóa. Cạnh bên ông, hộp đồ nghề nhỏ như hộp đựng bút của học sinh, trong đó có mấy thứ đồ tự chế đơn giản: mấy cây bút lưỡi thép nhỏ mài nhọn cong cong, một chiếc giẻ lau, một cây bút chì và vài viên phấn màu xanh, đỏ, vàng… Ông Quý không chỉ là người khắc bút cuối cùng còn sót lại của Thăng Long – Hà Nội. Mà cũng nhờ những cây bút ông đã khắc, nhiều gia đình liệt sỹ đã tìm thấy con, cháu, chồng cha mình từ kỷ vật mà họ đã nhờ ông khắc trước lúc ra trận.

Đồng cảm với những trăn trở của ông Quý, nhà báo Thành Văn đã viết phóng sự về người bảo tồn cuối cùng cái nghề "lưu dấu thời gian" của đất Hà thành xưa.

Người khắc bút cuối cùng…

Cách đây hơn nữa thế kỷ, nghề khắc bút ở Hà thành còn thịnh hành, những chiếc máy khắc bút xuất hiện ở phố Hàng Gai và một số phố cổ, người xưa thích khắc bút làm kỷ niệm nên nhiều cửa hàng, cửa hiệu khăc bút bằng máy mọc lên ờ phố Hàng Bông, Hàng Gai… như một nghề trong phố cổ Hà Nội. Thời điểm ấy, cậu thanh niên Quý cũng yêu nghề khắc bút và nhận xét rằng, khắc bằng máy không đẹp, không tinh xảo bằng tay, nhất là so với chữ của ông thì càng không bằng. Thế là ông Quý mày mò học cách chuyển những vần chữ bay bướm của mình lên đồ vật bằng gỗ, nhựa... và cuối cùng là khắc trên bút. Thời đó, ở Hồ Gươm, duy nhất có ông là khắc bút kỷ niệm cho khách bằng tay. Cũng không thể ngờ, khi xã hội không còn thiết tha với việc khắc bút làm kỷ niệm thì ông Quý vẫn miệt mài bảo tồn nghề “lưu dấu thời gian” gần 60 năm nay.

Ông Quý hồi ức lại, cha mẹ vốn quê gốc ở Khoái Châu, Hưng Yên. Nhưng ông lại được sinh ra tại Hà Nội, hoàn cảnh khó khăn, cậu bé Quý phải học hành dang dở để phụ giúp bố mẹ nuôi các em ăn học. Mặc dù vậy, Quý lại thể hiện niềm đam mê vẽ tranh ngay từ lên 5 tuổi. Ông nói: “Ngày còn bé, ngôi nhà tranh nứa của tôi lúc nào cũng đầy những hình vẽ bằng than đen nhẻm, loang lổ khắp nhà nên tôi nhiều lần bị roi vọt của bố cũng vì cái tay hay vẽ”.

Ông Quý coi việc khắc chữ như sáng tạo một tác phẩm nghệ thuật

Không ai nghĩ chính cái “tài lẻ” ấy cũng là cái nghiệp cả đời của ông sau này. Vì nhà nghèo lại không được học hành tử tế, không được học một cái nghề. Nhưng sẵn có chút tài mọn, không phải bỏ ra nhiều vốn lại giúp ông có thể thể hiện được niềm yêu thích của mình và quyết định chọn nghề khắc bút làm kế sinh nhai và cũng là mang đến chút niềm vui cho đời. Và ông bắt đầu khắc bút từ năm 21 tuổi, khi ông chưa... biết yêu. Đồ nghề của ông gồm chiếc bút khắc tự chế, tuốc nơ vít và vài chiếc bút mực, được gói gọn trong chiếc hộp sắt nhỏ bé.

Khi xa gia đình đi nhập ngũ, tham gia kháng chiến thì nghề mới gián đoạn, nhưng khi về đến Hà Nội, ông Quý lại chung thủy với nghề cũ, lại quấn quýt bên gốc đa già xù xì, trầm mặc như người bạn già lâu năm thân thiết. Vật đổi sao dời, người ta dần bỏ nghề vì chẳng kiếm được là bao, chỉ riêng ông vẫn theo đuổi, vẫn cần mẫn khắc những nét chữ bay bổng, mềm mại dưới những tán lá, những hốc bọng khổng lồ của gốc đa… Lấy vợ rồi sinh được 6 người con, ông Quý vẫn làm cái nghề thanh đạm này dù biết nghề chỉ “đủ sống là may”. Chính bản thân vợ ông, bà Hoàng Thị Được cũng không lý giải nổi vì sao chồng mình lại có thể gắn bó với việc này suốt mấy chục năm mà không biết chán, song bà luôn ủng hộ ông.

Đồ nghề giản đơn của ông Quý

Trong khi nhiều tiệm, nhiều người theo nghề này đã bỏ từ lâu thì bản thân ông Quý đến cuối cùng vẫn giữ được nghề cho đến tận bây giờ. Mặc dù, chỉ vì yêu thích, chứ thực ra tiền khắc bút ông lấy 5000, phức tạp hơn một chút ông lấy 10.000. Còn những chữ, những hình khó, phức tạp… giá dao động từ 15.000 đến 50.000. Tổng thu nhập một tháng khoảng từ 800 nghìn tới một triệu đồng,chỉ đủ cho ông đi tập thể hình và nước nôi. Cuộc sống của ông bây giờ khá giả, hai vợ chồng sống ở số nhà 31, Tổ 48, Phúc Tân. Lại được 4 người con trai đều sinh sống ở nước ngoài và 2 cô con gái đi lấy chồng hằng tháng vẫn chu cấp cho 2 ông bà đầy đủ, nhiều người hỏi sao ông phải vất vả sớm hôm làm gì? Ông trả lời: “Khắc bút cũng là nét đẹp trong văn hóa Hà Nội một thời. Đây cũng là cái nghề cao quý, tôi muốn giữ lại một cái nghề của đất Thăng Long xưa”.

Nhờ cây bút tìm được mộ liệt sỹ

Trong cuộc đời khắc bút của mình, ông Quý hạnh phúc nhất là giúp được người đời. Chuyện làm ông cảm động nhất là vào dịp tháng 8 năm 2008, bà cụ là vợ một liệt sỹ ở Thái Bình tìm lên cảm ơn ông vì nhờ cậy bút ông khắc cho bà năm xưa tặng một chiến sỹ vào chiến trường miền nam mà gia đình bà đã tìm lại được mộ chí của liệt sỹ. Bây giờ ông không nhớ cụ thể tên tuổi người ta, ông chỉ nhớ bà tên Hồng, ở Kiến Xương, Thái Bình. Hồi đó, bà Hồng công tác ở cửa hàng thực phẩm ở chợ Đồng Xuân, có chồng là bộ đội. Đợt anh chồng bắt đầu được lệnh vào nam chiến đấu, bà Hồng mới sinh con, đúng dịp anh được về phép để chuẩn bị vào trong đó chiến đấu. Chẳng có gì quý giá cho chồng mang theo, bà Hồng ra hiệu sách, mua cuốn sổ, chiếc bút máy Hồng Hà và ra Bờ Hồ nhờ ông Quý khắc tên con trai và ngày tháng năm sinh, quê quán của con gói gém cẩn thận cho chồng mang theo bên mình. Mãi sau này, khi có giấy báo tử, bà Hồng vẫn không biết chồng mình nằm ở đâu.

Cho đến tháng 7 năm 2006, bà Hồng nhận ra mộ chồng mình nhờ vào cây bút có chữ tên con trai và ngày tháng năm sinh do đoàn quy tập mộ liệt sỹ thu được. Vào dịp năm 2008, bà lên thăm Thủ đô đồng thời dò hỏi thì được biết người khắc bút năm xưa vẫn hành nghề ở vị trí cũ nên tìm ra cảm ơn. Bà Hồng còn kể trong nước mắt cho ông Quý biết rằng, nhờ cầy bút ông khăc tên mà những ngày trong chiến trường ông viết thư về cho vợ con. Rồi đến lúc người ta phát hiện ra ông, chẳng còn gì để chứng minh thân nhân người nằm dưới cỏ, quần áo tư trang mục nát thành cát bụi, chỉ cây bút là còn, người ta phát hiện ra quê quán của liệt sỹ. Khi nghe câu chuyện của bà Hồng, bản thân ông Quý không nhớ nổi mình đã khắc cây bút cho bà Hồng từ lúc nào, chỉ biết đó là một việc làm có ý nghĩa.

Ông Quý luôn dồn hết đam mê với nghề

Có bận, có người còn mang chiếc bút Kim tinh cũ đến nhờ ông khắc lại, khi phát hiện ra dấu khắc cũ, ông cẩn thận bôi lớp phấn lên vết chữ cũ mới nhận ra chính là chữ mình khắc năm xưa mà vui đến trào nước mắt. Chẳng phải là tác phẩm nghệ thuật ghê gớm gì vậy mà nhiều người vẫn coi như báu vật bên mình. Bây giờ hồi tưởng lại những kỷ niệm đó, ông kể rằng, những năm 60 của thế kỉ trước, khắc bút được xem là nghề thời thượng, bởi chiến tranh, loạn lạc người ta cần một món đồ, một dấu tích tặng nhau hay giữ lại. Trước khi ra chiến trường, những anh bộ đội trẻ thường mua bút để khắc chữ kỉ niệm, đề tên, quê quán, ngày tháng nhập ngũ… Khi chiến tranh kết thúc, người ta đi tìm đồng đội. Nhiều ngôi mộ mọi thứ đã trở về với cát bụi, chỉ còn lại chiếc bút vẫn ghi dấu người nằm dưới lòng đất lạnh là ai. Còn đối với học sinh, sinh viên trước lúc chia tay trường lớp cũng khắc tên mình lên bút tặng bạn bè thầy cô.

Không chỉ khắc bút, ông có thể khắc lên tất cả đồ dùng hoặc tặng phẩm theo yêu cầu của khách như nhựa, gỗ, tranh sơn mài. Không chỉ khắc chữ, ông Quý còn có thể vẽ lên những hình ảnh khác như tháp Rùa, cầu Thê Húc... Dù khách hàng ngày càng thưa vắng, nhưng không phải ông Quý không có khách. Thay vì những anh bộ đội chuẩn bị nhập ngũ như ngày xưa, giờ khách hàng của ông là những người cựu chiến binh. Họ mua tranh sơn mài, mua bút nhờ ông khắc để tặng đồng đội, để mừng thọ nhau… Giới trẻ thì ít hơn, chỉ thi thoảng có những cô cậu sắp đi du học hoặc gửi quà tặng cho người bạn ở xa mới mua chiếc bật lửa hay vật dụng nào đó tới nhờ ông khắc chữ. Có những lúc du khách nước ngoài cũng đến nhờ ông khắc bút, khăc gỗ… để ghi dấu nền văn hóa Việt Nam mà họ ghé thăm. Với những vị khách trân trọng nền văn hóa Việt như thế, ông hì hục làm thật chuẩn, thật đẹp… như một tác phẩm nghệ thuật mà ông gửi tâm huyết, tấm lòng sang bên kia đại dương.

Người muôn năm cũ…

Với ông Quý, mỗi sản phẩm làm ra đều là một tác phẩm nghệ thuật thực thụ, cần có năng khiếu nghệ thuật, có trí tưởng tượng của người nghệ sĩ, khéo tay, bay bổng và cũng phải kiên trì. Theo quan niệm của ông, khắc những nét mềm mại trên bề mặt cứng không phải dễ, cũng phải tập kì công lắm. Gần 60 năm làm nghề nhiều khi ông vẫn chưa thấy hài lòng, đến giờ vẫn phải vừa làm vừa tập thêm.

Ông Quý chụp ảnh cùng tác giả

Còn nhắc về điển cố trong đời khắc bút, ông Quý nhớ nhất là kỷ niệm của ông là từng khắc bút cho khách để tặng Thủ tướng Đức cách đây gần 20 năm. Hay vào năm trước, có vị lãnh đạo đã đặt khắc 500 cây bút để tặng trong hội nghị cấp nhà nước… còn rất nhiều nhân vật nổi tiếng nhờ ông khắc bút. Khi nhắc đến việc truyền nghề, ông cho biết, cách đây mấy năm, có một người theo học Đức cha ở nhà thờ đến nhờ ông dạy khắc chữ. Ông đồng ý dạy và người ấy viết cũng rất đẹp. Nhưng họ chỉ muốn học để có thể khắc được chữ lên những vật phẩm đem tặng cho khách nước ngoài chứ không có ý định theo nghề. Thời gian đầu học xong, người ấy cũng thường xuyên qua lại thăm ông. Nhưng hai năm rồi người ấy cũng không còn quay lại nữa…

Ông Quý buồn nói rằng: “Rồi có lúc ông chết đi, nghề khắc bút sẽ trôi vào dĩ vãng. Người ta đã quá quen với những món quà lưu niệm bóng bẩy. Chẳng mấy người còn nhớ, còn thích khắc bút kỉ niệm nữa”. Những lúc hoài mong như thế, ông ngồi trầm ngâm bên ấm trà xanh, dăm ba câu chuyện với người bạn già gác cổng đền Bà Kiệu. Hai người bạn già gợi nhắc đến hình ảnh ông đồ già trong thơ của Vũ Đình Liên.

Ông đồ già cũng một thời vàng son bán chữ đắt khách, rồi cũng một thời khách qua lại thưa thớt, mực đọng trong nghiên sầu… Nhưng dù sao, mấy năm gần đây, hoạt động thư pháp ở Việt Nam đã bắt đầu sôi động trở lại, ông đồ già năm xưa đã có thể mỉm cười. Còn nghề khắc bút của ông Quý, liệu có bao giờ trở lại như xưa?.

T.V

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.net.vn/nguoi-khac-but-cuoi-cung-dat-ha-thanh-51538.htm