Người khơi nguồn phong trào Ba sẵn sàng

Hưởng ứng phong trào Ba sẵn sàng, hàng triệu thanh niên đã hăng hái tình nguyện lên đường nhập ngũ với tinh thần sẵn sàng chấp nhận mọi gian khó, sẵn sàng hy sinh vì nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Nhưng không phải ai cũng biết về người có sáng kiến phát động phong trào Ba sẵn sàng…

Ông Trịnh Ngọc Trình vẫn hàng ngày miệt mài nghiên cứu.

1. Chúng tôi gặp thầy Trịnh Ngọc Trình khi ông vừa trở về Hà Nội sau một chuyến công tác miền núi. Dấu ấn của chuyến đi dài hằn lên khuôn mặt của một người đã ở tuổi 84 và chỉ còn một cánh tay.Bà con các dân tộc vùng cao thường thân mật gọi ông là “thầy giáo Trình”. Không phải ai cũng biết rằng, phong trào thi đua yêu nước rộng lớn, với hàng triệu thanh niên hưởng ứng ngày nào, chính là sáng kiến của con người bình dị ấy…

Hơn 70 năm về trước, khi ấy, cậu bé Trình mới 11 tuổi, ở vùng chiêm trũng Hoa Lư, Ninh Bình. Dịp đó, một đơn vị bộ đội đóng quân tại Ninh Bình tổ chức tuyển thiếu nhi làm liên lạc. Trình tình nguyện xin vào, rồi trúng tuyển. Hàng ngày, trong vai một cậu bé chăn trâu, Trình và bạn bè đã nhiều lần nắm bắt tình hình quân Pháp, rồi báo cáo cho các chú bộ đội.

Trong một lần nhận lệnh đưa công văn hỏa tốc đến một đơn vị bộ đội, Trình chẳng may bị phục kích. Đạn xén nát cánh tay. Nén đau, Trịnh Ngọc Trình dùng cánh tay còn lại cầm cánh tay lủng lẳng chạy bộ thêm 3km nữa, hoàn thành nhiệm vụ. Vừa trao xong mật lệnh, Trình lịm đi. Chính bác sĩ Đặng Vũ Hỷ là người đã sơ cứu cho cậu bé trước khi bàn giao cho bác sĩ Nguyễn Trinh Cơ phẫu thuật…

Ít lâu sau, trên báo Vui sống quân y, bác sĩ Nguyễn Trinh Cơ viết một truyện ngắn tựa đề “Em Ngọc”. Ở đó, nhân vật em Ngọc là một chiến sĩ ở độ tuổi 12-13, chẳng may trúng đạn nát cả một cánh tay. Cứu mạng sống em chỉ còn duy nhất một cách là phải cắt cánh tay đi. Trước khi gây mê, Ngọc đã khóc, em kêu lên không phải vì sợ hãi hay đau đớn. Em kêu lên vì mất một cánh tay em sẽ không còn cầm súng đánh Pháp được nữa. Cả kíp trực đã rơi nước mắt khi phải lấy đi cánh tay của cậu bé nhỏ nhắn, đen nhẻm ấy. Nhưng ít ngày hôm sau, bác sĩ Nguyễn Trinh Cơ đã gặp lại em Ngọc với đôi mắt ngời sáng niềm tin. Em Ngọc ấy không phải ai khác chính là cậu bé Trịnh Ngọc Trình. Khi đó, ai gặp cậu bé chỉ còn một cánh tay ấy cũng muốn ôm em mà khóc.

Nhưng cuộc đời không khép lại. Mất một cánh tay, cuộc sống Trịnh Ngọc Trình chuyển sang một trang mới. Cậu được cử đi học làm giáo viên. Ban đầu Trình không vui lắm. Song khi được cấp trên giải thích: Làm giáo viên, diệt giặc dốt cũng là xây dựng đất nước. Gác lại nỗi buồn, Trịnh Ngọc Trình say mê học tập, để sớm có kiến thức cống hiến cho đất nước.

Trịnh Ngọc Trình trở thành giáo viên khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp vừa mới kết thúc. Hòa bình lập lại, nhưng khó khăn ngổn ngang. Là thương binh chỉ có một tay, thầy giáo Trịnh Ngọc Trình được ưu tiên công tác tại Hà Nội. Nhưng khi được phân công, thầy Trình giãy nảy lên: “Đồng bào miền núi còn nhiều khó khăn. Đồng bào miền núi còn đói cái chữ của Bác Hồ lắm”. Và thầy giáo một tay Trịnh Ngọc Trình kiên quyết xin đi lên miền Tây Bắc, nơi vẫn còn vương bom đạn quân thù sau chiến dịch Điện Biên Phủ long trời lở đất và ở lại đó dạy học.

Năm 1957, nhân dịp về Hà Nội dự lớp bồi dưỡng giáo viên cốt cán của Bộ Giáo dục tại Trường Chu Văn An, thầy giáo trẻ Trịnh Ngọc Trình được gặp Bác Hồ. Khi đó, mọi người đều chen nhau để được gặp Bác, bỗng Bác đến thật gần nắm lấy cánh tay Trịnh Ngọc Trình, ân cần hỏi: “Cháu là thương binh sao?”. Xúc động, Trịnh Ngọc Trình run run trả lời: “Thưa Bác, vâng ạ”. “Vậy bây giờ cháu dạy học ở đâu?”. “Thưa Bác, cháu dạy ở Sơn La”.

Trong cuộc gặp gỡ, nói chuyện với cán bộ, giáo viên hôm ấy, Bác Hồ đã biểu dương tấm gương Trịnh Ngọc Trình. Cả hội trường vang rền những tiếng vỗ tay. Ít ngày sau, Bộ Giáo dục điều chuyển Trịnh Ngọc Trình về Hà Nội công tác. Thì ra đó là ý kiến của Bác Hồ. Bác đã nói với các đồng chí lãnh đạo Bộ Giáo dục nên để Trịnh Ngọc Trình về dưới xuôi.

2. Đến năm 1964, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước diễn ra ác liệt. Bí thư Đoàn trường ĐH Sư Phạm Trịnh Ngọc Trình đã có sáng kiến phát động phong trào “Tam bất kỳ” gồm: Bất kỳ đi đâu, bất kỳ làm việc gì, bất kỳ đãi ngộ thế nào, đều làm theo tiếng gọi của đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Phong trào Tam bất kỳ chính là tiền thân của phong trào “Ba sẵn sàng”. Chính Bí thư Đoàn trường Đại học Sư phạm Trịnh Ngọc Trình đã vinh dự đọc lời thề Ba sẵn sàng vào đêm ngày 30-4-1964, lời thề tiêu biểu cho khí thế của thanh niên Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh: “Sẵn sàng làm bất cứ việc gì Tổ quốc giao; Sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu Tổ quốc yêu cầu; Sẵn sàng nhập ngũ, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh”.

Ngay sau hôm ấy, 7.000 sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội bắt tay vào vừa học, vừa luyện tập quân sự, sẵn sàng ra trận. Nhiều người được cử đi nước ngoài học tập, được giữ lại trường giảng dạy đều xung phong ở lại đi chiến đấu. Sinh viên tự làm túi, đeo gạch, tập chạy quanh trường, tạo không khí phấn đấu vô cùng sôi nổi.

Khí thế hừng hực của phong trào Ba sẵn sàng ở Đại học Sư phạm Hà Nội khiến Thành Đoàn Hà Nội đã quyết định nhân rộng phong trào trên toàn thành phố. Đến tháng 3/1965, Trung ương Đoàn đã quyết định phát động phong trào Ba sẵn sàng trên toàn miền Bắc. Hàng triệu thanh niên đã hăng hái đăng ký xung phong lên tuyến đầu chống Mỹ.

Trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau, nhưng cuối cùng, đúng như mơ ước thời thanh niên, ông Trịnh Ngọc Trình lại được gắn bó với đồng bào miền núi. Tháng 3/1990, ông được Bộ Giáo dục - Đào tạo phân công làm Giám đốc Tổ chức Hỗ trợ phát triển giáo dục miền núi (HEDO) - một trong những tổ chức phi chính phủ đầu tiên ở nước ta. Sau gần 30 năm gắn bó với HEDO, thầy giáo Trịnh Ngọc Trình đã kêu gọi được gần 60 tổ chức quốc tế triển khai hơn 200 dự án, trải khắp các tỉnh Tây Bắc như Hà Giang, Lào Cai, Sơn La, cho đến miền Trung- Tây Nguyên...

Ông tâm sự: “Nếu đi vào miền núi thì không bao giờ thấy hài lòng, lúc nào cũng thấy day dứt như mắc nợ, vì nhiều nơi bà con ta còn khó khăn lắm”. Điều đó chính là động lực tôi tiếp tục cống hiến trên con đường mà mình đã lựa chọn.

Tuệ Phương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nguoi-mat-tran/nguoi-khoi-nguon-phong-trao-ba-san-sang-tintuc411903