Người khởi xướng phong trào Nghìn việc tốt

Gần 80 tuổi đời, vượt qua bao gian nan, vất vả, nhưng nghị lực thép và niềm đam mê cống hiến vẫn luôn ngự trị trong Nhà giáo nhân dân, Anh hùng Lao động Nguyễn Đức Thìn, người con tiêu biểu của quê hương Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Nhà giáo nhân dân, Anh hùng lao động Nguyễn Đức Thìn luôn quan tâm đến các em học sinh tại Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Thái Hùng/TTXVN

Nhà giáo nhân dân, Anh hùng lao động Nguyễn Đức Thìn luôn quan tâm đến các em học sinh tại Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Thái Hùng/TTXVN

Tấm gương sáng về thầy giáo Nguyễn Đức Thìn đã tạo sức ảnh hưởng rộng rãi đến thiếu niên Bắc Ninh nói riêng và đông đảo người dân vùng Kinh Bắc - Bắc Ninh nói chung. Thầy cũng là 1 trong 20 cá nhân tiêu biểu được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Học Bác về lòng thương yêu con người

Nhà giáo nhân dân, Anh hùng lao động Nguyễn Đức Thìn sinh năm 1940, trên quê hương có truyền thống văn hiến, cách mạng, nơi phát tích của vương triều nhà Lý. Tuổi thơ, thầy sống trong cảnh loạn lạc, dưới sự đô hộ của thực dân Pháp. Học tập, làm theo lời dạy của Bác Hồ: Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình, mới 11 tuổi cậu bé Nguyễn Đức Thìn đã tham gia vào Đội thiếu niên du kích Đình Bảng.

Nhớ lại ngày được kết nạp vào Đội thiếu niên du kích Đình Bảng, thầy Thìn tâm sự: “Ngày đó không có quốc kỳ, không hát quốc ca, tôi được anh Tám, anh Hoàn là đội trưởng, đội phó Đội thiếu niên du kích Đình Bảng, tuyên bố trở thành đội viên. Nhiệm vụ của tôi là đi chơi ở khu đình Đình Bảng, theo dõi địch xem về bao nhiêu ô tô, có súng ống gì, có lính gì. Để hoàn thành nhiệm vụ, với sự nhanh nhẹn của bản thân, tôi chơi những bản nhạc dân ca Pháp, làm ống kính vạn hoa quay mỗi khi địch đến. Vì vậy, vừa có thể đánh lạc hướng địch và thoải mái thu thập tin tức. Thành tựu lớn nhất là tôi cùng các thành viên Đội thiếu niên du kích bảo vệ vững chắc ngôi đình Đình Bảng và nắm bắt nhiều thông tin quan trọng báo cáo cho tổ chức. Ngoài ra, Đội thiếu niên du kích đã cùng cha anh đánh địch lập công xuất sắc, bí mật lấy được của địch hàng chục tấn đạn, cùng nhiều máy thông tin, bộ đàm, dầu mỡ, lựu đạn... chuyển lên chiến khu cho du kích và bộ đội địa phương...”.

Năm 1954, chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, Hiệp định Giơnevơ được ký kết, giặc Pháp phải rút về nước. Thấm nhuần tư tưởng của Bác "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu", Nguyễn Đức Thìn tiếp tục đi học tại trường Trung học Hàn Thuyên, tỉnh Bắc Ninh. Sau đó, thầy dạy học lớp bình dân học vụ và là giáo viên, phụ trách công tác Đội tại trường Tiểu học Đình Bảng, trường Trung học cơ sở Tam Sơn. Trong khi đang hết mình cống hiến cho sự nghiệp giáo dục thì thầy mắc bệnh phong.

Thầy vẫn còn nhớ như in ngày 14/12/1978, trong phòng khám B 10, tại Bệnh viên Bạch Mai (Hà Nội), thầy phát hiện mình mắc bệnh phong. Nó đã làm dang dở giấc mơ “trồng người” của thầy. “Hồi ấy, căn bệnh nguy hiểm này còn được gọi là bệnh hủi, bệnh cùi, loại bệnh mà nhiều người chỉ cần nghe thấy đã hoảng sợ và tránh xa, thậm chí bị ngược đãi, vứt trôi sông, chôn sống, bỏ vào rừng…” thầy Thìn tâm sự.

Khi đi điều trị trong Bệnh viện Phong Quỳnh Lập (Nghệ An), cũng chính hình ảnh Bác Hồ mặc áo choàng thăm bệnh nhân đã tạo động lực cho thầy vượt qua định kiến xã hội và những cơn đau. "Tôi nhờ họa sĩ Nguyễn Hữu Thơ (cùng chữa bệnh tại Bệnh viện) vẽ lại bức tranh Bác Hồ đi thăm bệnh nhân. Từ đó đã tạo động lực cho tôi lạc quan hơn về cuộc sống và luôn tâm niệm đã bệnh về thể xác, chớ bệnh về tâm hồn", thầy Thìn cho biết.

Không chấp nhận đôi bàn tay tàn tật, mất cảm giác do di chứng của bệnh phong, thầy vẫn chăm chỉ luyện cầm cây bút, viên phấn. Trải qua quá trình tập luyện, đôi bàn tay teo cơ do liệt dây thần kinh ngoại biên của thầy dần dần quen với việc cầm phấn. Sau này, thầy cầm bút gõ trên bàn phím máy tính sáng tác thơ văn.

Trong Bệnh viện Phong Quỳnh Lập, thấy các thiếu nhi bị mắc bệnh không được học hành, thầy đã đề nghị lãnh đạo Bệnh viện cho mở trường học. Sau 1.461 ngày điều trị, bằng bản lĩnh và ý chí thép, thầy Thìn đã chiến thắng bệnh tật, trở về quê hương, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp "trồng người".

Khởi xướng nhiều phong trào có sức lan tỏa

Nhà giáo nhân dân, Anh hùng lao động Nguyễn Đức Thìn (thứ 4 từ trái) tuyên truyền lịch sử với các em học sinh tại Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Thái Hùng/TTXVN

Không chỉ là một thầy giáo mẫu mực, cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục, thầy Nguyễn Đức Thìn là người khởi xướng nhiều phong trào có sức lan tỏa, trong đó nổi bật nhất là phong trào Nghìn việc tốt.

Nói về phong trào Nghìn việc tốt, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Đức Thìn cho biết: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao công tác biểu dương người tốt, việc tốt. Bởi vậy, với vai trò là thủ lĩnh của Liên đội trường cấp II Liên Sơn (nay là trường Trung học cơ sở Tam Sơn, xã Tam Sơn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), thầy Thìn thường tổ chức các hoạt động tập thể.

Khởi đầu tháng 3/1963, thầy và các bạn học sinh trong trường cùng nhau dọn vệ sinh trường lớp, bàn ghế, trồng cây xanh hai bên đường vào nhà lưu niệm đồng chí Ngô Gia Tự. Chỉ trong 1 giờ, cả thầy và trò đã làm được 1 việc tốt, thầy đã nảy sinh ý tưởng phát động phong trào “Thi đua làm nghìn việc tốt, thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy, phấn đấu trở thành cháu ngoan Bác Hồ”. Từ đó, học tập theo lời Bác vừa là mục tiêu, nội dung và là biện pháp giáo dục mà thầy Thìn đặt ra.

"Tôi kính yêu bác Hồ và muốn được làm theo người. Phải làm nhiều việc tốt cho quê hương, đất nước và để hoàn thiện mình tốt hơn. Hãy làm nhiều việc tốt hơn nữa để cái tốt bừng lên, cái xấu co lại" đó là thông điệp thầy Nguyễn Đức Thìn gửi đến mọi người.

Theo thầy Thìn, làm nghìn việc tốt không đơn thuần chỉ là 1.000 việc tốt. Từ “nghìn” không có một con số cụ thể, nó mang nghĩa là rất nhiều, không đếm được. Ban đầu, phong trào được phát động trong hàng ngũ thiếu niên, nhi đồng nhằm giáo dục con người thói quen làm việc tốt từ khi còn nhỏ. Đó là các học sinh cắt phiên thay nhau chăm sóc, chép hộ bài khi bạn ốm; khi bạn bị đau chân, các em phân công nhau cõng bạn đến lớp... Về nhà, các em là người chăn thả trâu bò, vỗ béo đàn lợn, chăm sóc đàn gà, giúp đỡ cha mẹ cơm nước. Từ đó, hàng loạt các khẩu hiệu như “Xóm thôn nghìn việc tốt”, “Gia đình nghìn việc tốt”, “Lớp học nghìn việc tốt”… được triển khai.

Nhờ vậy, năm 1967, quê hương Tam Sơn đã vinh dự được đón Bác Hồ về thăm và trồng cây đa lưu niệm. Tại sân trường, trong buổi trao phần thưởng cho học sinh chăm ngoan học giỏi, Bác căn dặn thiếu nhi: “Các cháu làm nghìn việc tốt chống Mỹ cứu nước, Bác mong năm mới các cháu đều tiến bộ hơn năm qua”. Năm 1976, phong trào lan rộng khắp các trường học, các địa phương trên cả nước.

Học Bác trong lao động sáng tạo, lối sống giản dị

Không chỉ phát động phong trào Nghìn việc tốt, thầy Thìn còn là tấm gương tiêu biểu học Bác trong lao động sáng tạo. Năm 1991, thầy nghỉ hưu, trở về công tác tại đền Đô với vai trò là Trưởng ban tuyên truyền, thành viên Ban quản lý di tích.

Đến nay, mỗi dịp trở về đền Đô, mọi người không khỏi xúc động khi thấy hình ảnh thầy giáo già với thân hình nhỏ bé với chiếc áo trắng, mũ lưỡi trai giản dị và chiếc máy ảnh cũ kĩ vẫn hằng ngày ghi lại lịch sử ngôi đền và làm công tác thuyết minh, đồng thời truyền dạy kỹ năng tuyên truyền cho hàng chục hướng dẫn viên du lịch. Ngoài ra, thầy Thìn sáng tác thơ văn, tự đánh máy hàng nghìn trang bản thảo, xuất bản 15 đầu sách, trong đó có 8 tập thơ và đặc biệt, cuốn tự truyện “Chuyện cuộc đời” dày gần 500 trang là tư liệu quý, kịch bản hay cho các nhà làm phim xây dựng hơn 10 bộ phim tài liệu...

Với lòng nhiệt tình, kiến thức sâu rộng trong tất cả các lĩnh vực, thầy được mời đi nói chuyện, giáo dục truyền thống và truyền cảm hứng lao động sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách cho thế hệ trẻ. Không chỉ gieo chữ mà thầy còn gieo tâm hồn, truyền ngọn lửa tin yêu cuộc sống trong các thế hệ.

Ngoài đề tài khoa học “Nghìn việc tốt”, thầy Nguyễn Đức Thìn còn thành công với các đề tài “Thắp sáng ngọn đèn Ngô Gia Tự, noi gương Ngô Gia Tự đi theo đường cách mạng của Bác Hồ” (năm 1961) và đề tài “Tổ chức học sinh hoạt động sử học” giúp học sinh được tiếp xúc với các nhân vật lịch sử, tìm hiểu mốc lịch sử và viết sử. Cả ba đề tài này của thầy đều được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cấp bằng Lao động sáng tạo. Ngoài ra, thầy Thìn còn đóng góp hàng chục công trình khoa học khác có giá trị. Với những đóng góp này, thầy được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân (tháng 8/1988) và Anh hùng lao động (tháng 8/1985).

Ông Ngô Tạo Lợi, Phó Chủ tịch UBND phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, khẳng định: Nhà giáo nhân dân, Anh hùng lao động Nguyễn Đức Thìn là người con tiêu biểu của quê hương. Ông là một nhà giáo mẫu mực, công dân ưu tú, suốt đời thực hiện theo lời dạy của Bác Hồ. Mặc dù cuộc đời gặp nhiều bão táp, nhưng với nghị lực phi thường, ông vẫn kiên cường vươn lên như những cây phi lao chắn sóng. Đến nay, chuẩn bị bước sang tuổi 80 nhưng ông vẫn không ngừng học tập, lao động, hàng ngày "truyền lửa" cho lớp lớp các thế hệ người dân nơi đây.

Thanh Thương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/nguoi-tot-viec-tot/nguoi-khoi-xuong-phong-trao-nghin-viec-tot-20190901103243089.htm