Người không hát tình ca- những kỷ niệm về một thời bom đạn...

Những câu chuyện, những khoảnh khắc lịch sử bi hùng của bộ đội Trường Sơn, thanh niên xung phong, công nhân giao thông, dân công hỏa tuyến… trong 16 năm đối đầu với cuộc chiến tranh ngăn chặn của đế quốc Mỹ trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại, thông qua phóng sự và lời kể của các nhân chứng lịch sử.

Chương trình nghệ thuật “Người không hát tình ca” đã được Báo Nhà báo và Công luận, Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam, Công ty Truyền thông Thiên Sơn phối hợp tổ chức nhân kỷ niệm 60 năm ngày mở Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh (19/5/1959 – 19/5/2019). Người không hát tình ca” là một biên niên sử tái hiện lại những khoảng khắc lịch sử bi hùng của Bộ đội Trường Sơn, Thanh niên xung phong, Công nhân giao thông, Dân công hỏa tuyến… trong 16 năm đối đầu với cuộc chiến tranh ngăn chặn của đế quốc Mỹ trên tuyến đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại thông qua phóng sự và lời kể của các nhân chứng lịch sử.

Tiết mục văn nghệ mở đầu chương trình nghệ thuật "Người không hát tình ca".

Đến dự chương trình có Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu - nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; đồng chí Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi, đồng chí Trần Lan Anh - Phó Tổng biên tập báo Nhà báo & Công luận và các cán bộ, chiến sĩ, thân nhân bộ đội Trường Sơn từng tham gia mở đường Hồ Chí Minh 60 năm trước.

Các vị đại biểu tham dự chương trình.

Phát biểu mở đầu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi đã khẳng định niềm tự hào được cùng nhau ôn lại sự kiện lịch sử diễn ra cách đây 60 năm, đó là sự ra đời của con đường huyền thoại mang tên Bác - đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh. Chương trình được tổ chức để thế hệ hôm nay nhớ tới, ghi sâu và tri ân những đóng góp, hy sinh của thế hệ đi trước để giành độc lập, tự do cho dân tộc.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi phát biểu tại chương trình.

Chia sẻ về những khó khăn, gian khổ những ngày kháng chiến trường kỳ trên con đường huyền thoại, đại tá, nhà giáo nhân dân, tiến sĩ Nguyễn Văn Mỗi – cựu lái xe, Đại đội 2 trên tuyến đường Trường Sơn đã kể về những năm tháng làm nhiệm vụ vận tải hàng hóa trên những cung đường khúc khuỷu, vượt qua dốc cao, vực sâu, qua nhiều vùng trọng điểm địch đánh phá ác liệt, dưới thời tiết khắc nghiệt nắng cháy mưa rừng của núi rừng Trường Sơn.

Ông cho biết: “năm đó trên tuyến đường Trường Sơn, nhiệm vụ được chuyển từ phương châm “mở đường mà tiến, tránh địch mà đi” sang phương châm “mở đường mà tiến, đánh địch mà đi”, quân ta cũng bắt đầu chuyển từ phương thức vận chuyển thô sơ kết hợp với cơ giới sang phương thức vận chuyển lấy cơ giới làm chủ yếu. Nhiệm vụ của Tiểu đoàn 58, ô tô vận tải năm xưa là vận chuyển người, trang bị vũ khí, và các nhu cầu yếu phẩm đảm bảo chi viện cho chiến trường ở mặt trận B3, mặt trận B2, ở Campuchia và Nam Lào.

Với nhiệm vụ quan trọng như vậy địch chủ trương đánh phá đoàn xe ác liệt, sử dụng tất cả các trang bị vũ khí hiện đại từ trinh sát, máy bay, bom rồi vũ khí thông minh đánh gây ra rất nhiều tổn thất cho lực lượng. Tôi rất xúc động nhất với hình ảnh các chiến sĩ ai cũng gầy guộc hốc hác nhưng trên gương mặt ai cũng toát lên một niềm lạc quan cách mạng, sẵn sàng xả thân vì xe chở hàng, vì mặt trận”.

Các nhân chứng lịch sử giao lưu tại chương trình.

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Tân - người được mệnh danh là cây sáng kiến tại Trường Sơn, đã kể về sự mạnh dạn, dám nghĩ dám làm khi dùng gỗ đẽo chân vịt thay thế chân vịt sắt để bộ đội ta vận chuyển hàng hóa bằng đường sông thuận lơịi… Ông cho biết: trước tình hình chiến sự ta gặp muôn vàn khó khăn như thế, với chức năng của mình tôi cùng đồng đội nghĩ cách biến không thành có, biến khó thành dễ, sau đó tôi suy nghĩ là có thể dùng gỗ tốt đẽo chân vịt…sau anh em cùng nghiên cứu đã đảm bảo lắp vào thuyền hoạt động được như chân vịt kim loại. Sáng kiến này đã tạo được cho ta cả một nguồn lực vận chuyển đường sông, tiếp thêm chi viện cần thiến bên cạnh đường bộ đang bị Mỹ đánh phá ác liệt.

Bên cạnh sáng kiến trên, chiến sĩ Nguyễn Văn Tân đã có nhiều sáng kiến như đặt thùng dẫn nước làm mát máy bơm nước, lắp ráp thành công xe cẩu hỗ trợ sửa chữa xe tải…từ đó hỗ trợ đắc lực cho chi viện chiến trường.

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Tân chia sẻ về những năm tháng chiến tranh mà mình đã trải qua.

Cựu thanh niên xung phong Tạ Thị Hoán chia sẻ: Kỷ niệm tôi rất nhớ và trân trọng về thời gian bà ở thanh niên xung phong và được chuyển về binh trạm 14. Tối 14/3/1967 tổ văn nghệ đang tập dượt tiết mục bỗng máy bay ào tới, chúng thả pháo sáng và ném bom. Sau một tiếng nổ tôi bị vùi vào trong lòng đất nhưng may mắn anh chị em đồng đội cứu giúp kịp, khi tỉnh dậy tôi nhớ được hình ảnh mình nằm trên hố bom.

Tôi nhớ hình ảnh chiến sĩ Mậu, cán bộ thống kê hàng hóa của binh trạm bị thương rất nặng, tôi sững sờ và toát mồ hôi hột khi đến gần cổng đội điều trị Hưng Hà thì Mậu đã tắt thở…Sáng hôm sau tôi mới biết rằng quả bom đêm hôm đấy đã cướp đi sinh mạng của 7 chiến sĩ chúng tôi. Chiến tranh là mất mát và đau thương nhưng chiến tranh đó thường đến trong gang tấc và trong những khoảng khắc rất ngắn ngủi. Đó là một trong những kỷ niệm rất thiêng liêng về đồng đội của tôi.

Cựu thanh niên xung phong Tạ Thị Hoán nhắc lại kỷ niệm không thể nào quên về người đồng đội đã hy sinh.

Còn rất nhiều câu chuyện xúc động nữa về những chiến sĩ, dân quân, những thanh niên xung phong hy sinh cả tuổi xuân cho những ngày độc lập của đất nước. Sau những huyền thoại vinh quang về một thời mở đường đánh giặc, cứu nước, họ đã phải chịu đựng nhiều nỗi buồn đau, day dứt khôn nguôi trong cuộc đời còn lại.

Bao số phận nghiệt ngã, bởi họ là những nạn nhân của chiến tranh, điển hình là nạn nhân của chất độc da cam/dioxin tàn ác do đế quốc Mỹ rải vào Việt Nam. Vượt lên nỗi buồn riêng, những con người huyền thoại của Trường Sơn năm xưa lại lao vào hoạt động nghĩa tình đồng đội, giúp đỡ hội viên nỗ lực vươn lên xóa đói, giảm nghèo trên quê hương để xoa dịu bớt nỗi đau năm tháng.

Ban tổ chức trao các phần quà tri ân trong chương trình.

Cũng trong chương trình Ban tổ chức đã trao 25 sổ tiết kiệm với số tiền 125 triệu đồng cho thân nhân liệt sĩ, thương binh, nạn nhân chất độc da cam, cựu chiến binh Trường Sơn thị xã Thái Hòa và huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An nói riêng, thân nhân liệt sĩ, thương binh, nạn nhân chất độc da cam, cựu chiến binh Trường Sơn cả nước nói chung.

Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, thông qua chương trình Nghệ thuật “Người không hát tình ca”, ban tổ chức sẽ tiếp tục tặng các sổ tiết kiệm cho thân nhân liệt sĩ, thương binh, nạn nhân chất độc da cam, cựu chiến binh Trường Sơn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với số tiền gần 1 tỷ đồng.

Nguyệt Hồ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nguoi-khong-hat-tinh-ca-nhung-ky-niem-ve-mot-thoi-bom-dan-post61848.html