Người khuyết tật 'chật vật' với chuyển đổi số

Việt Nam hiện có khoảng 7 triệu người khuyết tật, chiếm hơn 7% dân số từ 2 tuổi trở lên, trong đó người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng chiếm khoảng 28%. So với người bình thường, người khuyết tật đã khó khăn hơn trong nhiều hoạt động đời sống và học tập, lao động, đặc biệt là khi phải thích nghi với các điều kiện và môi trường mới. Điển hình trong đó, có những khó khăn liên quan tới các giao dịch số.

Dù không muốn bị gạt ra khỏi tốc độ phát triển của xã hội số, nhưng hiện nay, rất nhiều người khuyết tật đang cảm thấy khá vô vọng bởi một số khó khăn họ gặp phải khi tham gia vào quá trình chuyển đổi số.

Bởi việc áp dụng công nghệ số ngày càng bảo mật và tiên tiến, các phần mềm dường như đã bỏ quên những người khuyết tật. Họ không thể di chuyển, đi lại, thậm chí là không thể nhìn thấy. Trong khi đó, nhiều app ngân hàng đã và đang áp dụng phương thức xác thực, mà chỉ có những người có thị lực tốt mới thực hiện được.

Theo chia sẻ của những người khiếm thị, từ khi giao dịch tài chính qua ngân hàng online chiếm lĩnh thị trường, thì cũng là lúc, họ không còn chủ động và độc lập, mà luôn phải nhờ tới người thân hỗ trợ.

Bên cạnh đó, dịch vụ công đang được triển khai rộng rãi và rất tiện ích, người dân không phải đi lại nhiều, mọi thủ tục đều qua mạng. Nhưng với người khiếm thị, để thực hiện đầy đủ các bước trên cổng dịch vụ công, họ luôn cần có người hỗ trợ.

Đối với việc đưa các sản phẩm lên web, trên thế giới đã có quy chuẩn để người khuyết tật nói chung có thể tiếp cận được theo cách riêng của họ. Nhưng đôi khi, những quy chuẩn này chưa được tuân thủ đầy đủ tại Việt Nam. Băn khoăn này không chỉ của riêng người khiếm thị.

Do đó, các chính sách và quy chuẩn thời đại số không nên bỏ qua bộ phận người yếu thế này trong xã hội. Họ vốn đã khó khăn trong hòa nhập cộng đồng, nay càng khó khăn hơn trong hòa nhập với cộng đồng thời công nghệ số.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/nguoi-khuyet-tat-chat-vat-voi-chuyen-doi-so-206510.htm