Người khuyết tật đi XKLĐ tử vong hơn 330 ngày mới được làm đám tang

Sau gần một năm bị tử vong sau khi đi xuất khẩu lao động, bà Trần Thị Bình (Sn 1963, Mỹ Thượng, Hưng Lộc, TP Vinh) mới được đưa về nước để làm đám tang. Sự việc bà Bình đi xuất khẩu lao động còn rất nhiều câu hỏi chưa được giải đáp.

Chiều 13.3, anh Đinh Văn Chính – con trai bà Trần Thị Bình đã đến kho giao nhận hàng hóa tại Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài để nhận thi thể mẹ. Tối cùng ngày, anh Chính đã đưa thi thể bà Trần Thị Bình về Nghệ An để tổ chức đám tang.

Mẹ anh – là bà Trần Thị Bình đã đi xuất khẩu lao động dưới tên Vương Thị Hoài Thu, sau đó bị tử vong từ ngày 3.4.2017.

Trước khi đến sân bay Nội Bài nhận thi thể mẹ, anh Đinh Văn Chính đã có buổi làm việc với Công ty CP Xây dựng Nhân lực Gia Vi về trách nhiệm và nghĩa vụ liên quan đến việc đưa bà Trần Thị Bình đi xuất khẩu lao động.

Thi thể bà Trần Thị Bình đi xuất khẩu lao động dưới tên Vương Thị Hoài Thu được đưa về Việt Nam sau gần một năm tử vong ở nước ngoài.

Tại buổi làm việc này, đại diện Công ty cho rằng sẽ liên hệ với chủ sử dụng lao động để hỏi về thời gian thực tế và hiệu quả làm việc liên quan đến việc chi trả tiền công.

Công ty này cũng từ chối chính sách bảo hiểm cho người lao động tử vong với lý do “kết luận trong chứng tử nguyên nhân lao động mất là do bị tê liệt thần kinh vì vậy không thuộc chính sách hỗ trợ bảo hiểm”.

Công ty này chỉ đồng ý hỗ trợ trước mắt 10 triệu đồng để gia đình lo hậu sự cho bà Trần Thị Bình.

Như Dân Việt đã có loạt bài phản ánh, bà Trần Thị Bình (SN 1963) trú tại xóm Mỹ Thượng, xã Hưng Lộc, TP. Vinh bị khuyết tật, viêm tắc tĩnh mạch gây lở loét 2 chân không thể đi lại như người bình thường nhưng lại được đi xuất khẩu lao động tại Ả rập Xê út.

Chưa hết, bà Bình đi xuất khẩu lao động dưới tên Vương Thị Hoài Thu (SN 1977) - một người phụ nữ trú tại xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc (Nghệ An).

Trong thời gian đi làm việc ở nước ngoài bà Bình đã bị tử vong mà gia đình chưa rõ nguyên nhân.

Hồ sơ của bà Trần Thị Bình được làm để đi xuất khẩu lao động có rất nhiều điểm không minh bạch.

Cuốn hộ chiếu được bà Bình nộp trong hồ sơ có ghi số chứng minh nhân dân là 182165399. Theo tìm hiểu của Dân Việt, bà Bình ngoài chứng minh nhân dân mang tên Trần Thị Bình, cũng có một chứng minh nhân dân khác mang tên “Vương Thị Hoài Thu”.

Tuy nhiên, theo xác minh của Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về Trật tự xã hội, Công an tỉnh Nghệ An thì trong Tàng thư căn cước công dân không thấy tài liệu của công dân “Vương Thị Hoài Thu” có số chứng minh 182165399.

Số chứng minh nhân dân kể trên đã được cấp ngày 30.11.1995 cho người có tên là Võ Như Hồng ở huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Như vậy, chiếc chứng minh thư bà Trần Thị Bình nộp trong hồ sơ đi xuất khẩu lao động mang tên Vương Thị Hoài Thu nhưng số chứng minh lại là của một người khác.

Từ chứng minh thư này, bà Trần Thị Bình đã có sổ hộ chiếu mang số C1490788 mang tên Vương Thị Hoài Thu.

Như vậy, dù thi thể người lao động đã được đưa về nước nhưng vẫn còn rất nhiều câu hỏi chưa được cơ quan chức năng – đặc biệt là Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐTBXH giải đáp.

Tại sao bà Trần Thị Bình có thể làm được giấy tờ mang tên người khác để đi xuất khẩu lao động? Người không đủ sức khỏe như bà Bình vì sao có thể vượt qua kỳ kiểm tra sức khỏe theo quy định pháp luật? Ai đã tư vấn, môi giới để đưa người khuyết tật như bà Trần Thị Bình đi xuất khẩu lao động?

Nhóm PV

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/ban-doc/nguoi-khuyet-tat-di-xkld-tu-vong-hon-330-ngay-moi-duoc-lam-dam-tang-856657.html