Người khuyết tật và cơ hội tìm kiếm việc làm

Nhiều người khuyết tật (NKT) mong muốn tìm việc làm để giảm bớt sự lệ thuộc vào gia đình và xã hội. Tuy nhiên, việc học nghề và tìm kiếm việc làm chưa bao giờ dễ dàng đối với NKT. Chính vì vậy, kết nối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để tìm kiếm cơ hội việc làm cho NKT được Hội NKT TP Hà Nội đặc biệt quan tâm.

Sự tham gia tích cực của doanh nghiệp

Đã nhiều lần bác Nguyễn Văn Lý, quê ở huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) đưa con trai 26 tuổi, bị khuyết tật đi xin việc nhưng đều chưa có kết quả. Vì thế, vừa qua anh con trai được nhận vào làm việc tại xưởng may của Hệ thống tiêu dùng và thời trang TokyoLife thuộc Công ty Cổ phần IntelLife, bác Nguyễn Văn Lý không giấu nổi niềm vui. “Với gia đình tôi công việc của cháu là điều quan trọng nhất. Công việc không những giúp cháu tự lo cho cuộc sống của mình, mà còn là động lực, niềm vui, là cơ hội để cháu hòa nhập với xã hội...”, bác Nguyễn Văn Lý tâm sự.

Người khuyết tật được hướng dẫn công việc tại xưởng may của TokyoLife.

Dự án “Việc làm cho NKT” đợt 1 của Hội NKT TP Hà Nội phối hợp với Hệ thống tiêu dùng và thời trang TokyoLife mang lại niềm hy vọng cho 30 NKT và gia đình. Chia sẻ về dự án, Phó chủ tịch Thường trực Hội NKT TP Hà Nội Phan Bích Diệp cho biết: "30 NKT được tham gia vào chương trình này đến từ nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, như: Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh… NKT tham dự chương trình được đào tạo nghề may để làm được những sản phẩm đơn giản, bảo đảm mức thu nhập ổn định hằng tháng. TokyoLife cũng tiến hành thuê nhà cho lao động là NKT tại địa điểm gần nơi làm việc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động. “Rào cản lớn đối với NKT là hạ tầng kỹ thuật hiện chưa phù hợp, khiến việc đi lại khó khăn. Do đó, hội sẽ đóng vai trò là đối tác lâu dài tham gia vào hoạt động tư vấn, thiết kế nhà xưởng, tuyển dụng và đào tạo nhân sự NKT. Đồng thời, hội cử đại diện làm việc với doanh nghiệp trong công tác quản lý và hỗ trợ NKT làm việc tại công ty. Đây là điều làm cho NKT cũng như người thân của NKT rất phấn khởi và yên tâm về điều kiện làm việc và sinh hoạt hằng ngày”, bà Phan Bích Diệp nhấn mạnh.

Theo bà Trần Thùy Linh, đại diện của TokyoLife: Hiểu được mong muốn của NKT trong việc tìm việc làm, ổn định cuộc sống đã thôi thúc doanh nghiệp thực hiện dự án hỗ trợ việc làm cho NKT. “Đây vừa là trách nhiệm của doanh nghiệp với cộng đồng nhưng đây cũng là cơ hội giúp TokyoLife giáo dục nhân viên, xây dựng môi trường làm việc trách nhiệm, sẻ chia và đầy tình yêu thương. Để NKT hòa nhập trong môi trường làm việc mới, trước đó, công ty đã tổ chức nhiều buổi nói chuyện, để cán bộ, công nhân hiểu, chia sẻ, tôn trọng và tạo điều kiện thuận lợi để NKT phát huy khả năng của mình”, bà Trần Thùy Linh nói.

Cho vay vốn ưu đãi để NKT tự tạo việc làm

Tại Hà Nội, hiện có gần 100.000 NKT, trong đó NKT đang trong độ tuổi lao động chiếm hơn 30%. Phần lớn trong số đó chưa có việc làm ổn định. Ngoài nguồn ngân sách của thành phố, những năm qua, các cấp, ngành, địa phương ở Hà Nội đã có nhiều chính sách đẩy mạnh xã hội hóa đào tạo nghề, tạo việc làm đối với NKT, huy động sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân, các doanh nghiệp, các tổ chức của NKT, các tổ chức nhân đạo… qua đó giúp rất nhiều NKT ổn định cuộc sống và hòa nhập cộng đồng. NKT chủ yếu tham gia học các nghề: May mặc, tin học văn phòng, nấu ăn, sửa chữa điện lạnh, thủ công mỹ nghệ, vẽ móng tay, cắm hoa nghệ thuật... Các lớp học được tổ chức tại địa phương để NKT dễ tiếp cận, tham gia.

Bà Phan Bích Diệp cho biết, hằng năm, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đều tổ các phiên giao dịch việc làm lồng ghép hoặc riêng biệt cho lao động là NKT. Thông qua các phiên giao dịch việc làm hay trang tin của Hội NKT thành phố, NKT có thể tìm thấy thông tin của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh có nhu cầu tuyển dụng NKT. Hội đã tổ chức phân loại các dạng khuyết tật từ cơ sở để từ đó có tư vấn đào tạo nghề và tìm việc làm phù hợp. Đặc biệt, để gia tăng cơ hội việc làm cho NKT, hội đã giới thiệu vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội; hướng dẫn, phổ biến các chính sách ưu đãi của Nhà nước cho NKT để họ có thể tự tạo công việc tại nhà, như: May mặc, phát triển chăn nuôi, trồng trọt... Từ năm 2012 đến nay, Hội NKT TP Hà Nội đã giới thiệu cho gần 2.000 hội viên tiếp cận vay hơn 40 tỷ đồng vốn ưu đãi để phát triển kinh tế hộ. Để đẩy mạnh việc làm cho NKT, bà Phan Bích Diệp đề nghị hệ thống các trung tâm dịch vụ việc làm trong cả nước cần có sự kết nối với những trung tâm dạy nghề, hội NKT tại địa phương; tăng định mức hỗ trợ cho các cơ sở dạy nghề cho NKT để thu hút NKT vào học nghề; tạo cơ chế chính sách thông thoáng về vốn để NKT và gia đình có thể dễ dàng tiếp cận, chủ động phát triển kinh tế.

Bài và ảnh: KHÁNH AN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/nguoi-khuyet-tat-va-co-hoi-tim-kiem-viec-lam-545782