Người Kurd trở mặt với 'ân nhân' Nga

Người Kurd muốn quân đội Mỹ tiếp tục hiện diện tại Syria nhằm duy trì cán cân quyền lực và ngăn chặn sự bá quyền của Nga.

Người Kurd trở mặt?

Tư lệnh các lực lượng người Kurd ở Syria Mazloum Abdi ngày 19/10 khẳng định, sự tiếp tục hiện diện của quân đội Mỹ tại quốc gia Trung Đông này là hết sức cần thiết nhằm duy trì cán cân quyền lực và ngăn chặn sự bá quyền của Nga.

Trả lời phỏng vấn quan điện thoại AFP, ông Abdi nhấn mạnh: “Chúng tôi mong muốn có một vai trò dành cho Mỹ ở Syria, thay vì chỉ Nga và các quốc gia khác giữ vị trí độc tôn trong khu vực. Việc các lực lượng Mỹ tiếp tục duy trì thế cân bằng ở Syria chính là lợi ích của chúng tôi”.

Dường như cảm nhận sự “chống lưng” của Mỹ sau khi Thổ Nhĩ Kỳ chấp thuận ngừng bắn, lực lượng người Kurd tỏ ra tự tin với các phát ngôn và các quyết định của mình.

Ông Abdi cho biết thêm, lực lượng này đã nối lại các chiến dịch quân sự chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria. Động thái này diễn ra 3 ngày sau khi diễn ra chiến dịch tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ khiến lực lượng này tuyên bố đình chỉ các hoạt động chống IS.

Người Kurd ở Syria vẫn còn con dường dài phía trước để đi

Cũng trong cuộc trả lời qua điện thoại AFP, ông Abdi cho hay: “Chúng tôi đã khởi động lại hoạt động quân sự chống các nhóm IS ở Deir Ezzor. Các lực lượng của chúng tôi đang nỗ lực ở đó với các lực lượng liên minh”.

Ông Abdi còn cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ đang phá hoại thỏa thuận ngừng bắn do Mỹ làm trung gian thông qua hành động ngăn cản các lực lượng người Kurd sơ tán khỏi thị trấn biên giới Ras al-Ain.

Ông Abdi tố cáo: “Người Thổ Nhĩ Kỳ đang ngăn cản hoạt động rút quân khỏi Ras al-Ain, ngăn chặn đường ra của các lực lượng chúng tôi, những người bị thương và dân thường”.

Những tuyên bố mới nhất của người Kurd Syria được đưa ra sau khi Nga tiến hành các hoạt động ngoại giao tích cực giúp “cứu vãn” tình huống rơi vào thế bị kẹp gọng kìm của người Kurd, với phía Bắc là quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào còn phía Nam là quân đội Syria tiến lên.

Hôm 15/10, hãng tin AP của Mỹ tiết lộ do lo sợ bị bỏ rơi, người Kurd ở Syria đã mở kênh liên hệ bí mật với chính quyền Syria và Nga trong năm 2018 và những cuộc đàm phán trở nên sôi động trong vài tuần gần đây. Người Kurd ở Syria cũng công khai thừa nhận “ve vãn” chính quyền Syria và Nga trong suốt một năm qua, nhưng tất cả các cuộc tiếp xúc đều diễn ra sau “bức màn kín”.

Người Kurd vẫn đặt niềm tin vào Mỹ?

Các quan chức người Kurd chia sẻ, cuộc đàm phán giữa người Kurd với Damascus và Moscow được khởi động hồi đầu năm 2018, khi người Kurd ngày một lo sợ rằng Mỹ sẽ bỏ rơi họ. Việc Mỹ rút quân khỏi Đông Bắc Syria sẽ đặt người Kurd vào làn đạn của Thổ Nhĩ Kỳ, vì binh sĩ Mỹ đóng tại đây được xem là đảm nhận vai trò vùng đệm giữa hai bên.

Diễn biến bước ngoặt là khi Thổ Nhĩ Kỳ phát động chiến dịch tấn công quân sự nhằm vào Afrin – khu vực do người Kurd kiểm soát ở Đông Bắc Syria. Người Kurd phàn nàn Mỹ chỉ đứng nhìn quân Thổ Nhĩ Kỳ tiến đánh mà chẳng có động thái ngăn cản nào. Afrin có tầm quan trọng với người Kurd.

Đây là một trong những khu vực đầu tiên của người Kurd nổi dậy chống Chính phủ Syria và ủng hộ tự trị và cũng là một cứ điểm trong cuộc chiến liên minh với Mỹ chống IS.

Ân nhân hưởng lợi

Trong một cuộc gặp cấp cao đầu tiên tại Nga, phái đoàn người Kurd đã bay tới Moscow vào tháng 11/2018, cùng ngày một phái đoàn an ninh cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ cũng có mặt ở đó.

Tại thời điểm này, nhiều tờ báo Arab đưa tin Thổ Nhĩ Kỳ đề xuất lập một vùng an toàn nằm dọc biên giới và ăn sâu vào lãnh thổ Syria 30 km. Nga chỉ chấp nhận chiều sâu 5-9 km, còn người Kurd phản đối.

Vài ngày sau, cũng vẫn phái đoàn đó của người Kurd bay tới Damascus và gặp gỡ người đứng đầu lực lượng tình báo Syria cùng các quan chức an ninh cấp cao, có sự hiện diện của phái đoàn Nga. Một vài tờ báo đề cập đến cuộc gặp bí mật này, dẫn lời phái đoàn người Kurd cho biết họ không muốn lặp lại sai lầm như ở Afrin và sẵn sàng linh hoạt.

Người Kurd đã quên những chiếc xe cắm cờ Mỹ vừa tháo chạy bỏ lại cả đồng minh?

Cuộc gặp mang lại bước hợp tác đầu tiên giữa người Kurd và chính quyền Syria – ít nhất là về mặt công khai. Nó cũng đánh dấu quan hệ bất ổn giữa người Kurd với Mỹ.

Tháng 12/2018, bất chấp lời khuyên từ các cố vấn chính sách cao cấp, Tổng thống Trump tuyên bố sẽ rút quân khỏi Syria. Diễn biến bất ngờ này đẩy Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đi tới quyết định từ chức. Ngay cả khi dàn cố vấn an ninh quốc gia Mỹ cố tìm cách trì hoãn việc rút quân, người Kurd có đủ lo lắng để tin rằng phải mở rộng tiếp xúc với Damascus và Moscow.

AP dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết, người Kurd xem động thái của ông Trump là biểu hiện cho việc không có chính sách bảo đảm an toàn cho người Kurd trước đe dọa từ Thổ Nhĩ Kỳ một khi quân Mỹ rút đi.

Nhân vật giấu tên này cho biết người Kurd muốn đạt thỏa thuận với Mỹ về các vấn đề quân sự và những điểm liên quan đến điều hành dân sự và tái thiết, nhưng họ đã quyết định rằng việc chỉ dựa vào sự hậu thuẫn của Mỹ là thiếu khôn ngoan.

Người Kurd ở Syria không có nhiều lựa chọn trong việc "đổi phe"

Ilham Ahmed, một quan chức cấp cao người Kurd, cho biết sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mattis từ chức, lực lượng này đệ trình Moscow một khung nội dung cho các cuộc tiếp xúc có thể được tiến hành với Damascus. Kế hoạch 11 điểm này đề cập đến việc người Kurd công nhận toàn vẹn lãnh thổ của Syria và sáp nhập lực lượng vũ trang do người Kurd đứng đầu vào quân đội Syria.

Đổi lại, người Kurd sẽ có được một thỏa thuận chính trị lập ra một nhà nước người Kurd phi trung ương hóa, có quyền tự điều hành nhất định. Nhưng đề xuất này không đi tới đâu.

Một quan chức cấp cao khác của người Kurd, ông Razan Hiddo, một cho biết, thỏa thuận mới đạt được cuối tuần qua giữ người Kurd với Syria và Nga được thảo luận ở Aleppo và hoàn tất ở Damascus.

Theo thỏa thuận, các tay súng người Kurd sẽ chiến đấu cùng với quân đội Syria để đẩy lui các cuộc tấn công quân sự mà Thổ Nhĩ Kỳ phát động. Phần đầu tiên của thỏa thuận đề cập đến việc chính quyền Syria sẽ triển khai quân đội tới thành phố Manbij và tiếp theo là Kobani – một quyết định chiến lược không để cho Ankara mở rộng tấn công về hướng tây.

Giới phân tích Nga thì tin rằng, trong bối cảnh hiện nay, Nga nắm trong tay mọi lợi thế. Theo ông Kirill Semenov - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hồi giáo ở Moscow - ngay từ tháng 8/2019, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chấp nhận nguyên tắc lập vùng đệm dọc biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ theo yêu cầu của Ankara.

Các binh sĩ quân đội Syria vẫy quốc kỳ Syria và quốc kỳ Nga tại Damascus

Cho dù Moscow không trực tiếp thể hiện đồng tình với chiến dịch quân sự Thổ Nhĩ Kỳ tại miền Đông Bắc Syria, Nga rõ ràng đã bật "đèn xanh" với việc ngừng tấn công Idlib, thành trì cuối cùng của lực lượng nội dậy chống Damascus được Ankara hậu thuẫn. Việc Nga ngừng đánh tại miền Tây Bắc Syria cho phép Thổ Nhĩ Kỳ tập trung toàn lực vào miền Đông Bắc Syria.

Các chuyên gia Nga tin rằng nước này đứng ở vị trí trung tâm của xung đột ở Syria vì Moscow "có thể đối thoại với tất cả các bên đối địch". Một mặt, Nga ủng hộ Syria về quân sự và chính trị, mặt khác tiếp tục thúc đẩy hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt với hợp đồng cung cấp hệ thống phòng không S-400.

Nga cũng được coi là có quan hệ hữu nghị với người Kurd. Nga không phản đối đòi hỏi tự trị của người Kurd. Theo ông Semenov, Nga ủng hộ việc người Kurd kêu gọi quân đội Damascus giúp chống Thổ Nhĩ Kỳ bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.

Đối với Moscow, "nguy cơ chính là các chiến dịch của hai phe Thổ Nhĩ Kỳ và Syria vượt quá lằn ranh đỏ đã được thảo luận từ trước".

Đông Triều

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/nguoi-kurd-tro-mat-voi-an-nhan-nga-3389793/