Người kỹ sư hết lòng vì biển, đảo quê hương

Những năm qua, Câu lạc bộ 'Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương' (gọi tắt là CLB) thuộc Trung tâm Tình nguyện quốc gia (Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực, góp phần cổ vũ, động viên quân dân, các lực lượng làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1 và biển, đảo Tây Nam.

Có được kết quả đó, ngoài sự đoàn kết, nỗ lực, cố gắng của tập thể Ban chủ nhiệm, anh chị em hội viên CLB, phải kể đến đóng góp không nhỏ của kỹ sư Trần Vũ Thành, Chủ nhiệm CLB, hiện công tác tại Công ty Công nghệ môi trường 3T Việt Nam.

Tác giả của nhiều công trình thiết thực

Năm 2014, lần đầu tiên đến với quần đảo Trường Sa (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa), chứng kiến đời sống cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nơi đây còn nhiều khó khăn, đặc biệt là thiếu nước ngọt, Trần Vũ Thành suy nghĩ: Mình phải làm điều gì đó hướng về Trường Sa. “Thế là, sau chuyến công tác, tôi bắt tay vào nghiên cứu, chế tạo máy lọc nước biển thành nước ngọt. Nói thì dễ, nhưng khi bắt tay vào công việc gặp rất nhiều khó khăn, có lúc nản định bỏ cuộc, song nghĩ đến lời hứa của lòng mình với cán bộ, chiến sĩ nơi đảo xa, tôi quyết tâm thực hiện cho được”, anh Thành tâm sự.

 Kỹ sư Trần Vũ Thành (thứ hai, từ phải sang) cùng thành viên Câu lạc bộ “Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương” trao quà Tết Kỷ Hợi 2019 tặng cán bộ, chiến sĩ đảo An Bang.

Kỹ sư Trần Vũ Thành (thứ hai, từ phải sang) cùng thành viên Câu lạc bộ “Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương” trao quà Tết Kỷ Hợi 2019 tặng cán bộ, chiến sĩ đảo An Bang.

Trước đó, trên quần đảo Trường Sa đã có khá nhiều giải pháp thu hồi nước ngọt được ứng dụng nhưng không mang đến nhiều thành công. Thế nên, khi Trần Vũ Thành, đại diện cho Liên hiệp các Hội khoa học-kỹ thuật Hà Nội và Trung ương Đoàn trình bày ý tưởng thì Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân chưa thật sự tin tưởng. Phải sau 6 lần giải trình, qua nhiều cơ quan chuyên môn, ý tưởng chế tạo máy lọc nước biển thành nước ngọt của anh mới được chấp thuận cho thí điểm.

Một năm sau, chiếc máy lọc nước biển thành nước ngọt (ký hiệu NT-30) đầu tiên được Trần Vũ Thành và các đồng nghiệp lắp đặt thành công trên đảo Trường Sa Đông. NT-30 sử dụng công nghệ lọc màng RO, chạy bằng hệ thống năng lượng mặt trời, có công suất thực tế 50 lít nước ngọt/giờ, chất lượng nước đạt tiêu chuẩn QCNN 01:2009/BYT do Bộ Y tế ban hành.

Trần Vũ Thành chia sẻ: “Bây giờ, máy lọc nước biển thành nước ngọt đã phổ biến trên quần đảo Trường Sa, nhưng vào thời điểm năm 2015 thì đây là một kỳ tích”. Anh kể lại: “Quá trình lắp đặt máy cũng gặp nhiều khó khăn, chúng tôi phải ra Trường Sa hai lần. Chuyến thứ nhất lắp hệ thống năng lượng mặt trời (tháng 5-2015); chuyến thứ hai lắp máy lọc nước (tháng 8-2015), lại gặp thời tiết dông bão, phải ở 15 ngày trên tàu mới lên được đảo. Sau 25 ngày ở trên đảo với khẩu phần 5 lít nước ngọt/người/ngày, cảm giác uống cốc nước ngọt đầu tiên khi máy vận hành thành công thật ngọt ngào. Mặc dù, đoàn mang theo kết quả phân tích mẫu nước công nghệ, nhưng bộ đội trên đảo vẫn chưa tin đây là nước ngọt hoàn toàn. Khi ấy, có một đồng chí sĩ quan hậu cần thuộc Quân chủng Hải quân đang kiểm tra ngoài đảo nói: “Tôi từng ở đảo gần 20 năm, nếu đây là nước ngọt thì nấu cơm sẽ chín”. Sáng hôm sau, chỉ huy đảo chỉ đạo bộ phận hậu cần lấy nước từ máy lọc nấu cơm và thực sự cơm đã chín. Khi ăn, đến giữa bữa, đồng chí sĩ quan đó lại nói: “Vẫn chưa được, nếu để cơm này đến chiều mà không lại gạo thì mới là nước ngọt 100%”. Vậy là một tô cơm to được để lại. Đến bữa chiều, tất cả cùng kiểm tra, tô cơm vẫn mềm. Tối đó chỉ huy đảo chỉ đạo bộ phận hậu cần hôm sau lấy nước máy lọc nấu cơm cho toàn đảo”.

Đến nay, kỹ sư Trần Vũ Thành cùng với CLB đã lắp đặt, tặng 4 máy, công suất 200 lít nước ngọt/giờ cho các đảo: Trường Sa Đông, Sinh Tồn Đông, Tốc Tan C, Phan Vinh A; 5 máy, công suất 250 lít nước ngọt/giờ cho các đảo: Đá Nam, Đá Thị, Đá Lớn C, Sinh Tồn, Cô Lin.

Tiếp đó, tháng 4-2019, sau 4 tháng nghiên cứu, thiết kế và chế tạo tại Công ty Công nghệ môi trường 3T Việt Nam, chiếc máy ép rác C-Sea đầu tiên do kỹ sư Trần Vũ Thành (Chủ nhiệm dự án chế tạo máy ép rác C-Sea) và các thành viên CLB “Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương” chế tạo được lắp đặt, vận hành thử nghiệm tại đảo Song Tử Tây. Trần Vũ Thành cho biết: "Máy ép rác C-Sea là ý tưởng được hình thành sau những chuyến đi Trường Sa. Từ những chuyến hải trình, chứng kiến cảnh túi ni lông, vỏ chai nhựa trôi nổi trên mặt biển thôi thúc tôi làm điều gì đó để cùng chung tay bảo vệ môi trường biển, đảo. Qua thực tế và tìm hiểu, tôi thấy việc tập kết, xử lý rác thải tại các điểm đảo, nhà giàn rất khó khả thi do diện tích hẹp. Do vậy, chỉ có phương án làm giảm thể tích và vận chuyển vào bờ là hợp lý nhất". Theo Trần Vũ Thành, việc tìm giải pháp công nghệ không khó vì công nghệ, thiết bị đều sẵn, vấn đề là thiết kế để phù hợp với môi trường biển đảo, đặc biệt sử dụng những vật liệu chống ăn mòn, chịu được môi trường muối biển. Bên cạnh đó, thiết bị phải đáp ứng với lực ép đủ mạnh để xử lý được nhiều loại rác: Vỏ chai nhựa, nhôm, sắt. Sau các lần thử nghiệm thực tế, lực ép tối ưu của máy đạt 8-10 tấn. Máy C-Sea TT1, cấp cho các đảo nổi có trọng lượng 250kg. Hiện nhóm cơ bản nghiên cứu chế tạo hoàn thành máy C-Sea TT2 (150-180kg) thiết kế riêng cho các đảo chìm. Máy ép rác C-Sea được thiết kế đơn giản chỉ với 3 nút bấm, dễ bảo trì, sửa chữa, tạo điều kiện cho bộ đội trên các đảo, nhà giàn dễ dàng sử dụng.

Cầu nối những tấm lòng hướng về biển, đảo

Trên hành trình ra Trường Sa mới đây, tôi được kỹ sư Trần Vũ Thành kể cho nghe nhiều về hoạt động của CLB. “Nhân duyên nào đưa anh đến với CLB”?-Tôi hỏi. Trần Vũ Thành chậm rãi kể lại: “Năm 2015, tôi trở lại Trường Sa lần thứ hai để lắp đặt chiếc máy lọc nước biển đầu tiên. Hai năm liên tiếp tôi đến với Trường Sa trong Hành trình “Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương” của Trung ương Đoàn và đó là nhân duyên CLB được thành lập”.

CLB “Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương” là tổ chức xã hội tự nguyện, nơi sinh hoạt của các cá nhân từng tới thăm và làm việc tại quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1; đoàn viên, thanh niên có tình yêu và những hành động thiết thực hướng về biển, đảo quê hương. Từ khi thành lập đến nay, cùng với việc nghiên cứu, triển khai nhiều công trình thiết thực, như: Chế tạo máy lọc nước biển thành nước ngọt tặng các đảo, nhà giàn, các tàu làm nhiệm vụ trên biển; công nghệ vi sinh xử lý môi trường rác thải hữu cơ (xử lý mùi chuồng trại chăn nuôi, xử lý chất thải hữu cơ thành mùn đất, diệt khuẩn); máy ép rác C-Sea xử lý rác thải vô cơ… với sự năng động của Chủ nhiệm Trần Vũ Thành, CLB còn tổ chức nhiều chương trình hoạt động ý nghĩa, như: “Chăm lo hậu phương-Vững lòng biển đảo”, “Bố ở đảo xa-Con ở nhà có bạn”, tặng quà con em cán bộ, chiến sĩ đang công tác trên biển, đảo nhân dịp Quốc tế Thiếu nhi (1-6), Tết Trung thu, hỗ trợ cán bộ, chiến sĩ và người thân khám, chữa bệnh tại các bệnh viện Trung ương… Chỉ tính riêng năm 2019, thực hiện Chương trình “Xuân biên giới-Tết hải đảo”, CLB đã vận động, tiếp nhận hơn 3.600 suất quà từ khắp mọi miền đất nước trao tặng cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trực Tết trên biển, đảo; Chương trình “Bố ở đảo xa-Con ở nhà có bạn”, biểu diễn nghệ thuật và trao 100 suất học bổng, 4.000 suất quà tặng con em cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên biển, đảo. Đó là những món quà, tấm lòng của đồng bào cả nước cổ vũ, động viên quân dân, các lực lượng đang làm nhiệm vụ trên biển, đảo chắc tay súng canh giữ biển trời Tổ quốc. Hằng năm, CLB còn thực hiện Chương trình “Trường Sa xanh”, tặng hàng nghìn cây xanh, hạt giống, đất trồng… cho các đảo.

CLB còn tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền thông qua những hình thức sinh động giúp đồng bào cả nước nhất là thế hệ trẻ hiểu thêm về đời sống, sinh hoạt của quân dân Trường Sa, như: Xuất bản bộ bưu thiếp "Sắc màu Trường Sa", “Sức sống Trường Sa”; triển lãm ảnh "Có một Trường Sa trong lòng Hà Nội", “Khát vọng tuổi trẻ-ươm mầm đảo xanh", “Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương", “Nơi đầu sóng”... Đầu năm 2019, CLB còn đưa triển lãm “Biển, đảo quê hương” sang Paris (Pháp), trong khuôn khổ Hội nghị người Việt có tầm ảnh hưởng, do Bộ Ngoại giao chủ trì; trong đó, riêng kỹ sư Trần Vũ Thành, sau 8 lần đến với Trường Sa, với niềm đam mê nghệ thuật nhiếp ảnh, anh đã chụp hàng nghìn bức ảnh và tham gia vào hầu hết các triển lãm ảnh về biển, đảo quê hương do CLB tổ chức trong và ngoài nước.

Hoạt động của CLB “Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương” góp phần tích cực tuyên truyền về đời sống của quân dân Trường Sa, nhà giàn DK1, các lực lượng đang làm nhiệm vụ trên biển, đảo, qua đó kết nối những tấm lòng, trái tim hướng về biển, đảo quê hương nhằm cổ vũ, động viên tinh thần cán bộ, chiến sĩ và hậu phương, góp phần giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Với những thành tích đạt được, Trần Vũ Thành được Tổ chức tình nguyện Liên hợp quốc tuyên dương đặc biệt vì có những đóng góp tích cực vì mục tiêu phát triển bền vững năm 2016; UBND TP Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt tiêu biểu năm 2017”; Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân và Trung ương Đoàn tặng nhiều bằng khen…

Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN CHUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ho-so-su-kien/cuoc-thi-viet-noi-theo-guong-sang-bac-ho/nguoi-ky-su-het-long-vi-bien-dao-que-huong-604227