Người La Chí - sắc chàm của núi (kỳ 2)

Ông Long Văn Cảm, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Phùng trực tiếp mở cửa ngôi nhà thờ vua Hoàng Vần Thùng cho chúng tôi được mục sở thị gian thờ tổ tiên của họ. Người La Chí tin rằng, họ Hoàng có 180 ngôi mộ để người đời không thể tìm ra ngôi mộ cất giấu vàng bạc châu báu của ngài. Họ tin rằng, ở đây từ lâu đã từng tồn tại một ngôi vương tự trị cùng vùng đất trù phú giàu có và cường mạnh trên núi cao.

Bài 2: Huyền thoại La Chí

Ngôi nhà thờ vua Hoàng Vần Thùng trước đây chỉ là ngôi nhà sàn ghép bằng tre nứa bên cạnh Khu Cù Tê của người dân Bản Phùng. Cánh cửa gian thờ chỉ mở một lần trong năm vào thời điểm giao thừa bước sang năm mới. Giờ đây, ngôi nhà thờ đã được xây dựng lại, nhưng quanh đó là cả một khu rừng già mà họ gọi là rừng ma, được luật làng cấm chặt, dù chỉ một cây nhỏ. Trong khu rừng này, có những cây đa đã vài trăm năm tuổi được coi là báu vật của làng. Khu Cù Tê của họ là ngôi nhà cộng đồng, diễn ra các lễ hội, lễ cúng chung của cả thôn và các cuộc họp làng. Trên mái của Khu Cù Tê giờ vẫn còn gài những chiếc sọ trâu, bò còn lại sau các lễ tế.

Khu mộ vua Hoàng Vần Thùng đã trở thành di tích ở Bản Phùng. Ảnh: Trương Thúy Hằng

Bên cạnh đó, cây tre cụt ngọn cắm ở sân trên vẫn buộc một miếng da trâu lủng lẳng - dấu vết của một cuộc tế lễ cách đây chưa lâu. Xung quanh đó, các gia đình La Chí quần tụ, thuận hòa. Nhà ở của họ là nhà sàn, trong nhà, bếp là chỗ trang trọng nhất, là nơi quần tụ cả gia đình. Khác với các dân tộc khác, người La Chí có đặc điểm nhân chủng học riêng. Trai gái La Chí có chiều cao khá, khuôn mặt cương nghị, khôi ngô, phảng phất một nét buồn buồn của mây núi, của ngàn năm những truyền thuyết về nguồn gốc, luật tục đè nặng lên cuộc sống của họ.

Ngay dưới ngang lưng chừng núi có ngôi nhà cộng đồng Khu Cù Tê là một vạt rừng lổn nhổn nhiều nấm đất khum hình tròn mà người La Chí gọi là mộ Hoàng Vần Thùng. Tất cả có tới 180 ngôi mộ như vậy và không ai dám chắc dưới mỗi nấm đất ẩn chứa bí mật gì. Chỉ biết rằng, đây là lãnh địa của rừng gỗ ngọc am nức tiếng trên dãy Tây Côn Lĩnh đã bị khai thác tận diệt, đồng thời là mỏ đồng của Hà Giang. Những nấm đất bí hiểm kia cũng có thể là cách mà ngày xưa vua Hoàng Vần Thùng đắp thành lũy và đánh dấu lãnh thổ giáp biên giới. Tất cả cho đến nay đều là giả thuyết, chỉ còn tín ngưỡng phong tục của người La Chí được tôn trọng tuyệt đối.

Chính vì vậy, lễ cúng chay đàn mặc dù có màu sắc huyền bí và đôi khi là một luật tục nặng nề đối với các gia đình, bởi các lễ khao làng, mua trâu bò chi phí không rẻ với các gia đình nghèo. Nhưng đối với họ, một khi chưa trả lễ, thì cuộc sống vẫn như là còn nợ lại, chưa yên. Một người La Chí kể lại rằng, sở dĩ có tục cúng trâu bò thế mạng trùng tang là do câu chuyện truyền miệng lại từ đời này qua đời khác rằng, ngày xưa, người La Chí có luật, khi đàn ông cao niên chết thì phải đưa xác cho ma quỷ ăn thịt. Có người con sau khi cha chết, vì không muốn nộp xác cha nên lấy trâu thế vào và mang thi thể người cha đi chôn. Từ đó, người La Chí có tục cúng trâu bò, khao làng, đồng thời để người chết mồ yên mả đẹp, người sống yên ổn làm ăn.

Người La Chí hiện nay là một trong những dân tộc hiếm hoi vẫn hàng ngày mặc trang phục do họ tự dệt lấy. Quy trình là gieo hạt, trồng bông, thu hoạch, quay bóc hạt bông, bật se sợi, nấu hồ sợi và đan sợi, rồi dệt. Dệt xong phải nhuộm màu chàm, ủ và sục vải trong các hồ chàm, ngâm vải, phơi khô rồi mới may, thêu. Họa tiết thêu trên áo chàm của người La Chí nhỏ, tinh xảo và vừa đủ để làm duyên. Thế nhưng cũng phải hơn một năm trời, họ mới làm xong một bộ trang phục. Người phụ nữ La Chí khi có chồng thì họ có riêng một kiểu trang phục kèm yếm che ngực - hình ảnh như một lời nhắc về đức hạnh.

Xã Bản Phùng hiện có 460 hộ dân thì có tới 435 hộ với khoảng 2.546 khẩu là người La Chí. Nét khác biệt lớn nhất giữa vùng đồng bào La Chí với các vùng đất khác tại Hà Giang là, ở đây người La Chí làm nông nghiệp rất thành thạo với lúa nước ruộng bậc thang. Kỹ năng đổ nước và làm cân bằng các chân ruộng của họ có từ lâu đời và chỉ với một dụng cụ lao động thô sơ là chiếc xẻng vát nhỏ và bàn tay lao động. Người dân Bản Phùng tự hào là họ có 170ha lúa một vụ và mỗi năm còn có cả lúa xuất bán sang Trung Quốc do thương lái thu gom ở chợ biên giới, số lượng khoảng từ 40 đến 50 tấn lúa. Hiện xã mới chỉ đạt 6/19 tiêu chí nông thôn mới, nhưng Bản Phùng có được niềm hy vọng lớn vào việc thay đổi giống lúa năng suất cao hơn vào vụ tới, đồng thời, chăn nuôi bò nhốt, vịt đàn ở trên núi nhằm hướng tới có thể sản xuất hàng hóa đặc sản địa phương.

Người La Chí trên đường đi làm ruộng bậc thang. Ảnh: Trương Thúy Hằng

Ông Lù Kim Triệu, Chủ tịch xã Bản Phùng bày tỏ quan điểm rằng, chính những nét đặc trưng riêng có thuần chất của văn hóa dân tộc La Chí đã tạo ra sự khác biệt, giúp Bản Phùng giữ được vẻ yên bình, trù phú như hiện nay. Về phía chính quyền địa phương luôn khuyến khích người dân giữ lại bản sắc văn hóa đặc sắc, đồng thời, loại bỏ dần những điều không còn ý nghĩa và có thể làm ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế-xã hội. Một dân tộc giữ được văn hóa là giữ được cái hồn cốt của dân tộc đó. Chủ tịch xã Lù Kim Triệu nói, có thể ở nơi đây, huyền thoại sẽ là tác nhân để khiến Bản Phùng vượt lên là một xã miền núi trù mật.

Hiện nay, dù đường đến Bản Phùng còn rất xa xôi, heo hút, nhưng khách du lịch đến đây rất nhiều. Họ thích khí hậu mát mẻ quanh năm ở đây, thích những vạt núi xếp lớp ruộng bậc thang mỗi mùa lại một quang cảnh đẹp khác nhau. Và đặc biệt là, huyền thoại cổ xưa về dân tộc La Chí còn hiện hữu bằng các thiết chế văn hóa, đầy cuốn hút và mê hoặc.

Trương Thúy Hằng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nguoi-la-chi-sac-cham-cua-nui-ky-2/