'Người lạ ơi' của Karik - bắt chước Châu Tinh Trì nhưng nhạt, lố bịch

Không khó để nhận ra ê-kíp của 'Người lạ ơi' muốn tạo ra một tác phẩm hài hước kiểu Châu Tinh Trì. Nhưng sự non kém trong khâu kịch bản, dàn dựng và diễn xuất khiến tất cả đổ bể.

Trailer bộ phim 'Người lạ ơi' Tác phẩm hài - giả tưởng có Karik và Thùy Anh đóng chính.

Thể loại: Hài, giả tưởng, tâm lý
Đạo diễn: Trương Chí Bình
Diễn viên chính: Karik, Thùy Anh, Hồng Kim Hạnh, Trương Thế Vinh, Huy Khánh, Trịnh Thảo, NSƯT Mỹ Duyên
Zing.vn đánh giá: 5/10

Người lạ ơi đánh dấu màn lấn sân sang lĩnh vực điện ảnh của Karik.

Người lạ ơi đánh dấu màn lấn sân sang lĩnh vực điện ảnh của Karik.

Chuyện phim Người lạ ơi xoay quanh gã DJ nổi tiếng tên Đăng (Karik). Anh chàng sẵn sàng lên giường với bất cứ cô gái nào, nhưng nhất quyết không chịu dính vào chuyện tình cảm nghiêm túc.

Trong số những người bị nhân vật này phụ tình có Nhung (Trịnh Thảo) và ca sĩ Hồng Tươi (Hồng Kim Hạnh).

Một ngày nọ, Đăng DJ bất ngờ gặp gỡ Trinh (Thùy Anh) - cô gái tự nhận mình đến từ một hành tinh khác và liên tục đòi “động phòng” với anh.

Trước phép thuật thần thông của “người lạ”, gã trai đành phải chấp nhận hẹn hò với Trinh trong một ngày. Nhưng rắc rối ập đến khi bộ đôi trở thành mục tiêu săn đuổi của ông trùm (Huy Khánh) - cha của Nhung, cũng như tay giang hồ Tuấn Kitty (Trương Thế Vinh) - chồng của Hồng Tươi.

Nội dung nhạt, chưa tới

Thoạt nhìn, Người lạ ơi hội tụ mọi yếu tố để trở thành một tác phẩm hài “nhảm” kiểu Châu Tinh Trì: nội dung “tân cổ giao duyên”, tình tiết không tuân theo bất cứ quy tắc logic nào, một mối tình vừa sến sẩm, vừa hài hước…

Bắt đầu bằng những câu chuyện thị phi quen thuộc chốn showbiz, Người lạ ơi bỗng nhiên chuyển hẳn sang hướng kỳ ảo khi Trinh xuất hiện. Cô nàng có xuất thân bí ẩn khi sở hữu hàng loạt siêu năng lực và nằng nặc đòi “lên giường” với Đăng DJ. Để “hợp lý hóa” tình tiết, bộ phim cho Trinh làm nàng tiên nữ có mối tình từ tiền kiếp với gã DJ.

Phần kịch bản mới lạ này bước đầu mang đến nhiều bất ngờ bởi người xem rất khó đoán ra chuyện gì xảy đến tiếp theo. Bộ phim cũng không ít lần tạo ra tiếng cười sảng khoái nhờ sự ngớ ngẩn, ngây ngô có chủ đích trong các tình huống. Tuy nhiên, đạo diễn Trương Chí Bình chắc chắn chưa thể đạt tới đẳng cấp của “vua hài Hong Kong”.

Người lạ ơi muốn học hỏi cách làm phim hài của Châu Tinh Trì, nhưng làm không tới.

Cấu trúc của Người lạ ơi thiếu đi sự cân bằng. Phần đầu phim quá dài dòng với các mối quan hệ đan xen, đoạn giữa chỉ tập trung vào mảng hài hước, còn kết phim lại chuyển hẳn sang tình cảm - lãng mạn. Mạch cảm xúc thường xuyên bị đứt đoạn khi có nhiều lần chuyển cảnh không cần thiết.

Tâm lý nhân vật trong phim tỏ ra thiếu nhất quán khi Đăng DJ vốn không từ chối bất cứ cô gái nào, nhưng nay tìm mọi cách chạy trốn một mỹ nhân gợi cảm và sẵn sàng dâng hiến như Trinh. Mối quan hệ của họ còn nhiều gượng gạo bởi toàn bộ kỷ niệm hẹn hò của hai người chỉ diễn ra trong vài tiếng ngắn ngủi.

Người lạ ơi đem tới vài khoảnh khắc hài hước đắt giá. Nhưng hầu hết vẫn lố lăng, kém duyên như nhiều bộ phim dạng “thảm họa” của điện ảnh Việt Nam trong thời gian qua.

Tồi tệ hơn, mảng hành động trong phim được dàn dựng hời hợt, thô sơ, dễ khiến người xem ngán ngẩm. Phần kỹ xảo còn sơ sài và thậm chí thua kém nhiều phim Việt khác.

Dàn diễn viên chính hụt hơi

Thành công của các bộ phim do Châu Tinh Trì thực hiện có công lớn đến từ diễn xuất của chính ngôi sao. Đó cũng là lý do mà một số tác phẩm gần đây của ông không còn gây tiếng vang như trước bởi “vua hài” quyết định rút lui ra phía sau camera.

Karik chắc chắn khó có thể hoàn thành nhiệm vụ nặng nề như thế trong lần đầu lấn sân sang lĩnh vực điện ảnh. Anh chủ yếu chỉ thể hiện tốt hình ảnh ngôi sao âm nhạc điển trai, luôn hết mình trong các phần trình diễn.

Karik còn phải nỗ lực rất nhiều nếu thực sự muốn theo đuổi nghiệp diễn xuất.

Còn lại, chàng rapper mang một nét biểu cảm đơ cứng từ đầu tới cuối tác phẩm. Nhưng sự “đơ” đó chẳng đem đến tiếng cười như dạng “đơ” mà Châu Tinh Trì từng thể hiện ở Học trường Uy Long (1991).

Vai diễn Trinh là bước lùi trong sự nghiệp của Thùy Anh sau khi cô từng nhận nhiều lời khen từ tác phẩm độc lập Đập cánh giữa không trung (2014). Nhân vật của nữ diễn viên được xây dựng tương đối giống Tử Hà Tiên Tử (Chu Ân) trong loạt phim Đại thoại Tây Du.

Song, cách mà Thùy Anh thể hiện sự ngây thơ pha chút “điên” có phần lố bịch, đôi lúc trở nên vô duyên. Còn xúc tác giữa cô gái với Karik tỏ ra mờ nhạt, và hậu quả là chuyện tình màn ảnh của họ đánh mất sức nặng cần thiết.

May mắn thay, dàn diễn viên phụ của Người lại ơi tỏ ra tương đối tròn vai. Huy Khánh và Trịnh Thảo thể hiện tốt tình cảm của hai cha con, một là ông trùm máu lạnh, một là thiếu nữ bị người yêu phụ bạc.

Các diễn viên phụ cứu vãn đôi chút cho mảng diễn xuất của tác phẩm.

Nhân vật Tuấn Kitty và “chị đại khu mua sắm” của Trương Thế Vinh và NSƯT Mỹ Duyên sở hữu tạo hình và tính cách khác người hệt như nhiều gương mặt nhân vật phụ ấn tượng mà Châu Tinh Trì từng giới thiệu.

Điểm nhấn thuộc về nữ thần Venus với phần lời thoại “lầy lội” và nét diễn tỉnh rụi duyên dáng. Cô mang đến vô số tiếng cười và chiếm hết sự chú ý của khán giả mỗi lần xuất hiện.

Nhìn lại các tác phẩm của Tinh gia, tuy mang tiếng hài nhảm, nhưng hầu hết đều có phần sản xuất nghiêm túc từ kịch bản, hành động cho đến hiệu ứng hình ảnh, diễn xuất. Học theo Châu Tinh Trì không phải là điều đáng lên án. Chuyện đáng bàn là cách học hỏi chỉ biết đến bề ngoài, mà quên đi cốt lõi thực sự bên trong.

Phim đang được trình chiếu tại các rạp trên toàn quốc.

Hạ Tuyết
Ảnh: GXY

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/nguoi-la-oi-cua-karik-bat-chuoc-chau-tinh-tri-nhung-nhat-lo-bich-post990024.html