Người làm giả văn bản cho học sinh không đến lớp bị xử lý như thế nào?

Người làm giả thông báo về việc cho học sinh nghỉ học trong mùa dịch Covid-19 có thể bị phạt tiền đến 200 triệu hoặc phạt 7 năm tù.

Sau Tết Tân Sửu 2021, cả nước ghi nhận khoảng 40 tỉnh, thành phố quyết định cho học sinh tiếp tục nghỉ học do diễn biến dịch Covid-19 ngày càng phức tạp.

Bên cạnh đó, một số địa phương xuất hiện các văn bản giả mạo thông báo của UBND cấp tỉnh về việc cho phép học sinh nghỉ học để phòng chống dịch. Những thông báo giả này nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội gây xôn xao dư luận.

Cơ quan chức năng đã truy tìm, xác định các tài khoản tung tin thất thiệt. Vậy, người vi phạm sẽ bị xử lý như thế nào?

Văn bản giả mạo thông báo của UBND tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Thainguyen.gov.vn.

Theo luật sư Nguyễn Tiến Dũng, Đoàn Luật sư Hà Nội, người giả mạo văn bản thông báo của UBND các cấp về việc cho học sinh nghỉ học để phòng, chống dịch có dấu hiệu của hành vi làm giả, sử dụng con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Quá trình điều tra, cơ quan công an sẽ căn cứ mục đích, tính chất và hậu quả do hành vi gây ra để áp dụng mức xử lý phù hợp.

Luật sư phân tích nếu việc tung văn bản giả chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, thì người vi phạm bị phạt hành chính tối đa 20 triệu đồng (đối với tổ chức) và 10 triệu (đối với cá nhân), theo Khoản 1, Điều 101 Nghị định 15/2020 của Chính phủ.

Cũng theo luật hiện hành, người sử dụng giấy tờ, văn bản hay chứng chỉ giả có thể bị phạt 2-4 triệu theo Nghị định 167/2013 hoặc 7-10 triệu căn cứ Nghị định 79/2015 của Chính phủ.

Cùng quan điểm trên, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư Hà Nội, cho hay những vi phạm pháp luật xảy ra trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp có thể để lại hậu quả nghiêm trọng, thậm chí gây nguy hiểm cho xã hội.

"Phần lớn phụ huynh và giáo viên đều quan tâm, cập nhật thường xuyên những thông tin liên quan việc nghỉ học. Thông tin không đúng sự thật sẽ gây tác động rất xấu", luật sư nhấn mạnh.

Theo ông Cường, hành vi làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức sau đó tung lên mạng xã hội có thể bị xử lý hình sự theo Điều 341 Bộ luật Hình sự. Mức phạt tiền tối đa 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù lên đến 7 năm.

Bên cạnh đó, luật sư cho rằng việc đưa thông tin sai sự thật về phòng, chống dịch bệnh còn bị xử lý hình sự theo Điều 288 Bộ luật Hình sự về tội Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông. Ở tội danh này, người vi phạm sẽ bị phạt tiền đến 200 triệu hoặc phạt tù tối đa 7 năm.

Người dân chen nhau khai báo y tế tại chốt kiểm dịch Hàng nghìn người dân chen nhau làm thủ tục khai báo y tế để vào Quảng Ninh làm việc sau kỳ nghỉ Tết.

Hoàng Lam

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-lam-gia-van-ban-cho-hoc-sinh-khong-den-lop-bi-xu-ly-nhu-the-nao-post1184415.html