Người làm sân khấu nói lên sự thật mất lòng nhau

Kinhtedothi – Do thiếu hụt nhân lực, một số đơn vị phải đưa diễn viên kịch sang diễn chèo, diễn viên chèo sang diễn cải lương, diễn viên chuyên nghiệp làm công tác tuyên truyền thông tin lưu động. Tình trạng này làm thui chột kỹ năng biểu diễn của diễn viên.

Các đơn vị, nghệ sĩ, tác giả kịch bản nhận giải A cho vở diễn. Ảnh: Lại Tấn.

Các đơn vị, nghệ sĩ, tác giả kịch bản nhận giải A cho vở diễn. Ảnh: Lại Tấn.

Gieo vừng ra ngô

Cuối tuần qua, trong buổi lễ trao giải thưởng sân khấu 2022 vừa diễn ra tại Hà Nội, nhiều lãnh đạo các hội nghệ thuật chuyên ngành T.Ư và địa phương, lãnh đạo một số ban, ngành và đông đảo các nghệ sĩ sân khấu nhiều thế hệ đã đến dự chương trình.

TS Nguyễn Đăng Chương - Phó Chủ tịch Hội, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam phát biểu. Ảnh: Lại Tấn.

Trong bài phát biểu tại buổi lễ, Nhà viết kịch, TS Nguyễn Đăng Chương - Phó Chủ tịch Hội, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam chia sẻ: “Nói lên sự thật thường bị mất lòng, nhưng nếu làm mất lòng nhau mà đóng góp được một chút ít gì đó cho sự phát triển của nghệ thuật sân khấu thì cũng nên lắm chứ! Bởi vậy, tôi xin nói thẳng những hạn chế yếu kém của sân khấu hiện nay”.

Theo TS Nguyễn Đăng Chương: Do thiếu hụt nhân lực, một số đơn vị phải đưa diễn viên kịch sang diễn chèo, diễn viên chèo sang diễn cải lương, diễn viên chuyên nghiệp làm công tác tuyên truyền thông tin lưu động. Tình trạng này làm thui chột kỹ năng biểu diễn của diễn viên, xóa nhòa ranh giới về những nguyên tắc, đặc trưng cơ bản của các loại hình nghệ thuật trong quá trình sáng tạo. Đặc biệt là các loại hình nghệ thuật truyền thống và kết quả cuối cùng là ở đâu đó đã “gieo vừng ra ngô”.

Tiết mục biểu diễn tại lễ trao giải thưởng sân khấu năm 2022. Ảnh: Lại Tấn.

Năm 2022, có 3 vở diễn đạt Giải Xuất sắc, 27 vở diễn đạt Huy chương Vàng, 32 vở diễn đạt Huy chương Bạc trong tổng số 130 vở diễn tham dự 8 Cuộc thi, Liên hoan nghệ thuật. Nếu nhìn vào số lượng vở diễn đạt giải, có thể nói: Nghệ thuật sân khấu đang ở thời kì phát triển rực rỡ và đạt được những thành tựu đáng ngạc nhiên.

Thực tế diễn ra lại khác, nhiều vở diễn đạt giải nhưng khi biểu diễn phục vụ công chúng lại không có người xem, đành phải để vào kho lưu giữ. Đây là một bài toán khó cần sớm có lời giải, bởi vì sự sống còn của nghệ thuật sân khấu chính là khán giả, và để chinh phục được khán giả thì chỉ có con đường duy nhất là chất lượng tác phẩm. Để giải quyết vấn đề này chắc chắn phải có sự chung tay của cơ quan quản lý nhà nước, Lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật, đội ngũ sáng tạo và Ban chấp hành Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam.

Thiếu vắng tác phẩm đương đại

Qua hơn ba mươi năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn nhưng nghệ thuật sân khấu dường như ít đề cập hoặc né tránh thực tiễn đang diễn ra sôi động hàng ngày, tác động mọi mặt đến con người, xã hội và làm mới hơn các hệ giá trị.

Ví dụ, trong 27 vở diễn tham gia Liên hoan Chèo toàn quốc được Bộ VHTT&DL tổ chức định kỳ 3 năm một lần tại tỉnh Hà Nam tháng 10 năm 2022, chỉ có một vở diễn duy nhất phản ánh về cuộc sống đương đại, 26 tác phẩm còn lại đi vào khai thác lịch sử, dân gian, dã sử, truyền thuyết và danh nhân.

“Những mảng đề tài thuộc về quá khứ là đáng trân trọng, là tài sản vô giá của dân tộc, là mảnh đất màu mỡ cho những người sáng tạo nghệ thuật sân khấu cày xới, khai thác. Thế nhưng, chúng ta cứ cày xới gieo trồng mãi trên mảnh đất màu mỡ ấy, ắt sẽ nhận được sự mỏi mòn, bạc màu trong tác phẩm. Tại sao chúng ta cứ mãi mượn chuyện xưa để nói nay mà không trực diện đối mặt để lý giải hiện thực sinh động đang chảy cuồn cuộn từng ngày, từng giờ giữa cuộc sống mênh mông rực rỡ sắc màu?” – TS Nguyễn Đăng Sơn đặt câu hỏi.

Thực tế cho thấy, không có kịch bản hay thì không thể có vở diễn hay. Năm 2022 có ít vở diễn hay vì sân khấu đang vô cùng khan hiếm kịch bản hay. Cũng bởi lẽ đó mà mỗi lần tham dự liên hoan, nhiều đơn vị nghệ thuật phải chấp nhận dàn dựng lại những kịch bản cũ, thậm chí còn sử dụng những kịch bản đã trình làng cách đây khoảng ba bốn chục năm.

Khán giả yêu mến sân khấu không thể quên các nhà biên kịch nổi tiếng đã góp phần quyết định để làm nên thời hoàng kim của nghệ thuật sân khấu Việt Nam trong hai thập kỷ cuối thế kỷ XX. Họ là Lưu Quang Vũ, Xuân Trình, Trần Vương, Hoài Giao, Tào Mạt, Nguyễn Đình Thi, Học Phi, Sỹ Hanh, Lê Duy Hạnh…

Từ đó, các chuyên gia đề nghị Ban chấp hành Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam khẩn trương báo cáo các cơ quan chức năng, xin cơ chế đặc thù để nhà nước tài trợ thực hiện Đề án bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ tác giả sân khấu khi còn chưa quá muộn. “Tôi nói chưa quá muộn bởi những cây đa cây đề có khả năng truyền đạt lại kinh nghiệm, kỹ năng trong nghệ thuật Biên kịch đã và đang dắt tay nhau trở thành người thiên cổ” – TS Nguyễn Đăng Sơn chia sẻ.

Năm 2023 xác định khó khăn không kém năm 2022. Ban chấp hành quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ then chốt của toàn khóa, tích cực phối hợp với Bộ VHTT&DL, Cục Nghệ thuật biểu diễn, các VHTT&DL tỉnh, TP tổ chức nhiều hoạt động liên hoan.

Cụ thể, phối hợp với Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức 5 cuộc thi tài năng diễn viên tuồng và dân ca kịch, chèo, cải lương, kịch nói, độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc; phối hợp với Sở VHTT&DL TP Cần Thơ tổ chức giải Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền; phối hợp với Hội Liên hiệp cộng đồng người Việt tại châu Âu, xây dựng đề án tổ chức Liên hoan giọng hát hay 3 miền cho cộng đồng người Việt Nam tại châu Âu; tổ chức Liên hoan sân khấu Dù kê Khmer Nam Bộ lần thứ hai tại Trà Vinh, Liên hoan sân khấu về đề tài thiếu nhi, Liên hoan Ảo thuật toàn quốc.

Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, NSND Trịnh Thúy Mùi

Minh An

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nguoi-lam-san-khau-noi-len-su-that-mat-long-nhau.html