Người làng Gầm dệt hồn doi sông

Chiều lãng đãng những làn mây mỏng, sương bắt đầu công việc quây núi, mùi bùn quen thuộc theo gió luồn khắp thung sâu, bất giác mùa lạnh đã trùm phủ quanh mình. Tôi lặng thầm giữa cánh đồng vắng nằm dưới chân núi, chẳng bụi bặm, chẳng ồn ào,… có lẽ những dãy núi bện rêu mang hình hài Cẩm Giang và từng khúc sông chất chứa hồn người Cẩm Thủy đã đẩy tôi trôi vào huyền hoặc. Mỗi lần được hòa mình vào thiên nhiên trong khiết, tôi như được thoát khỏi bí bách, muộn phiền. Đây xanh xanh búp núi, kia ảo mờ mây sương,… tròng trành đến lạ.

Một góc cảnh sắc thiên nhiên làng Gầm.

Một góc cảnh sắc thiên nhiên làng Gầm.

Địa bàn xã Cẩm Giang nằm ở tả ngạn sông Mã, phía Tây Bắc huyện Cẩm Thủy, cách trung tâm huyện 8 km, xã gồm 10 làng (thôn): làng Bến, làng Gầm, làng Sun, làng Khuên, làng Đồn, làng Phú Lai, làng Chiềng, làng Vọng, làng Mới và làng Móng. Làng Gầm nơi tôi trú chân mỗi lần về Cẩm Thủy, nơi này là quê hương thứ 2 mà tôi thường xuyên lui tới, bởi đó là quê của bố nuôi tôi, một người bố luôn thương yêu, quan tâm, lo lắng, dõi theo những nẻo đường tôi đi.

Làng nằm trên một doi đất bên bờ sông Mã, người dân ở đây đa số là người Mường và dựa vào sản xuất nông nghiệp, các cây trồng chính là cây lương thực ngắn ngày. Ngoài ra họ còn làm thêm các nghề thủ công như đan, dệt. Dù vất vả, thiếu thốn nhiều thứ nhưng con người ở đây vẫn ôn tồn sống giữa thiên nhiên và đồng lòng gìn giữ, phát huy những bản sắc văn hóa Mường lấp lánh. Nơi đây có trai mường trên, gái mường dưới rực rỡ sắc màu váy khăn thổ cẩm; có bà, có mẹ ngồi bên bếp lửa dệt từng họa tiết hoa văn tỉ mỉ; có chị, có em giã lá đồ xôi vào mỗi dịp tết đến xuân về; có hương ruộng đồng ngậy thơm dắt trong lồng ngực; có cô gái Mường xinh xúc hến dưới sông;… Một vùng quê chân chất hồn đất hồn trời mà mẹ thiên nhiên đã đặc ân ban tặng. Hoang sơ còn đó tựa chú chim non được bao bọc trong tổ ẩm. Thanh thanh hơi thở, nhẹ hơn những nặng nề.

Hôm nay, bố tôi dẫn tôi sang thăm bà cô, em gái của bà nội. Nghe đâu, bà lọ mọ ra vườn lúc trời mưa bị trượt ngã gãy chân. Trên đường đi, bố dẫn tôi vào một hang động của ngọn núi, người ta đã gọi nó là hang Dơi từ lâu lắm rồi. Bố bảo ngày xưa chạy bom tránh đạn, dân phải di vào trong hang động này để trốn, mọi sinh hoạt đều ở trong này cả, từ ăn uống, ngủ nghỉ cho đến học tập. Ngoài ra đây cũng là căn cứ của quân đội thời chống Mỹ. Mọi chiến lược, kế hoạch phản công được đề ra và bắt đầu triển khai ở đây. Mỗi hào chui chật hẹp là từng nhũ đá nhọn hoắt từ trên chĩa xuống, từ hai bên đâm ra loằng ngoằng, trườn bò cũng khó, vậy mà người lính của chúng ta vẫn không ngại vượt qua. Vì vậy, nơi đây đã trở thành một chứng tích lịch sử hào hùng, mãi mãi không quên.

Khi đi bố bảo tôi xách cho bà một cạp lồng cháo gà vừa nấu, bố đút từng thìa, mới chút xíu bà đã ăn hết. Bà bảo “cháo gà ngon lắm, lâu lắm rồi không được ăn”. Bố đưa ánh mắt nhìn tôi và trả lời nhẹ với bà: “Thằng cu con kết nghĩa của con nó nấu đấy, bà ăn hết nó mừng lắm”. Bà nằm đó, nhưng vẫn mải mê kể chuyện về mình, về cuộc sống gần 90 năm của bà. Giọng bà sang sảng: “Người phụ nữ Mường, ai cũng phải biết trồng bông, nhuộm vải, phải coi việc kéo sợi chăm tằm, ươm tơ, dệt vải là một đức tính không thể thiếu… Người ngoài nhìn trên sự tỉ mỉ của đường nét thêu thùa trên cạp váy mà đánh giá đó là một người con gái chăm chỉ, khéo léo hay không và đặc biệt phải biết để mà phục vụ gia đình, để giữ gìn văn hóa của tộc mình”.

Bà cô lại kể, ở làng Gầm ngày xưa hầu hết gia đình nào cũng có khung dệt, nhà mình cũng vậy, có đầy đủ công cụ để phục vụ nghề dệt (dụng cụ cán bông, xa quay sợi, khung dệt dùng bàn đạp và go luồn sợi). Khung dệt của người Mường có cấu tạo khá đặc biệt có nhiều go, hoa văn càng phức tạp thì số go phải dùng càng lớn. Bà thủ thỉ với bố nuôi tôi: Ngày xưa còn trẻ thì bà và mẹ mày cực kỳ khéo léo, chăm chỉ, để ý đến từng chi tiết khi thêu, dệt. Những hoa văn hình quả trám, cách điệu rồng,… ở hai đầu khăn hay cạp váy đều được bà nội làm rất tỉ mỉ, có những chiếc cạp váy thêu đến hàng tháng trời! Trong mỗi nét hoa văn gắn với hồn người, từ đó những chàng trai khắp Mường đều tìm đến để hỏi làm vợ.

Hoa văn trên trang phục dân tộc Mường.

Mỗi con sợi phải dài vừa phải (khoảng 15 cm), và khi dệt phải quay tay quay thật đều thì sợi chỉ mới đẹp và mềm mịn, nếu không khi thành vải sẽ thô, không được đẹp. Tiếp đến là hồ sợi bằng cơm gạo trắng, khi hồ xong phơi khô để xe thành ống sợi. Sau khi đã hoàn tất các khâu chuẩn bị mới đến công đoạn dệt. Nếu dệt vải trắng đơn giản thì một ngày có thể dệt được 7, 8 mét hoặc hơn, nếu dệt các loại hoa văn thì ngày chỉ được hơn 2 mét. Khi dệt xong thì bắt đầu nhuộm màu cho vải, công đoạn này cũng không kém phần vất vả. Để nhuộm màu cho vải, bà phải đi tìm cây rừng. Màu vàng ép từ cây nghệ, màu đen ép cây chàm… Toàn bộ công đoạn đều thủ công, dệt bằng tay, ủ lá lấy màu những ba, bốn ngày cho nên những thớ vải thổ cẩm được dệt ra rất bền, khó rách, giặt không phai. Trước kia bà nội (bà Cao Thị Canh, mẹ bố Quyền) đi cưới chồng, bà đã tự tay mình dệt 10 chiếc chăn, đệm làm quà cho họ hàng nhà chồng nhằm thể hiện sự khéo léo, chăm chỉ của mình. Đó là một phong tục của người Mường, không chỉ tôn lên nét đẹp của phụ nữ Mường mà khắc họa cho dân tộc mình một nét đặc trưng văn hóa riêng. Bà nội dù cực khổ với ruộng đồng, mệt nhọc với suối sông nhưng chưa bao giờ bà than vãn, bà bao giờ cũng nở một nụ cười rất tươi. Bà đẹp người, đẹp nết, khoác trên mình bộ trang phục Mường chân chất, mộc mạc, đầu đội khăn, miệng nhai trầu… Sự phúc hậu của bà hiện trên khuôn mặt, trong bộ đồ nâu chàm, trong ánh mắt trong khiết và bà đẹp một cách giản dị, hoang sơ. Cuộc đời bà nội đã gắn với làng Gầm không dứt, kể cả khi nằm dưới nấm cỏ. Hôm qua, ngày giỗ bà, bố Quyền đã viết về bà trong sự thương nhớ, trong hai hàng nước mắt chảy dài:

Giỗ mẹ

8 năm

mường Keo Renh mẹ về

tuổi 93

cửa nhà TRỜI đã mở

gió bơi thung sâu

sương quây lũng núi

vằng vặng mùa lạnh trống cửa nhà...

Con 17

trẻ trai

thân ám mùi đạn bom trời Nam ải Bắc

khẩu súng già hơn tuổi đời con

50 năm lưu lạc

Mẹ mọc rễ Mường mình

bóng Mẹ ngày thêm ngắn lại

rét đói đuổi sau gót chân đường lên nương bãi

cái mặc xui bàn tay dệt vải

Ôi!

8 mùa rừng đổi lá

Miền Keo Renh

chị con về trước

Có đón Mẹ qua cửa NHÀ TRỜI

Mẹ!

Mẹ ơi...!!!

Theo truyền thuyết, bản Mo mường - “Đẻ đất, đẻ nước” người quá cố về trời, được về miền Keo Renh. Sung sướng, no đủ mọi bề... Ước nguyện của bố cũng chỉ mong bà nội thanh thản, yên bình…

Bóng bà đã ngắn lại, bà đã thành cây cổ thụ giữa làng Gầm. Ngày còn sống, bà dệt cho mình, khi mất bà dệt cho con cái, cho cháu chắt, cho họ hàng nhà mình. Những ảnh hình hoa văn thổ cẩm ấy đã bay lên cùng bà, bay lênh bênh trên chóp núi hay lẽo đẽo theo sau gót chân bà, trôi lãng đãng giữa dòng sông Mã, đính vào những mỏm đá những màu sắc của Mường mình, của tộc mình. Tôi được lạc trong lấp lánh của người Mường, ngắm nhìn người phụ nữ dệt sợi, chằm gối trong mênh mang lời kể. Thương đến thế, yêu đến thế những đôi tay khéo léo, chăm chỉ, luồn lách tâm hồn mình trong những ngóc ngách thêu thùa.

Làng Gầm tạc nên một bức tranh xao xuyến, ông trời tạo duyên cho tôi gặp bố và tôi được sống ở nơi đây như quê hương của mình. Có lẽ kiếp trước tổ tiên của chúng tôi đã hứa hẹn với nhau. Để rồi, tôi buộc phải đến đây, đến một ngôi làng miên dại bóng núi đổ giữa dòng sông Mã uy linh, ấm áp, ôm tôi như một người mẹ quê nương đồng thấm đẫm kiếp người…

Nguyên Như

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoa/nguoi-lang-gam-det-hon-doi-song/26185.htm