'Người lãnh đạo phải dám đứng ra 'đỡ đòn' cho cấp dưới'

Nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM Phạm Phương Thảo cho rằng cán bộ TP sẵn sàng đổi mới nếu như người lãnh đạo dám đứng ra 'đỡ đòn' cho những đột phá, đổi mới đó.

Sáng 26-7, Thành ủy TP HCM đã tổ chức hội thảo khoa học "Khơi dậy và phát huy truyền thống năng động, sáng tạo để phát triển TP giai đoạn 2018-2020 và những năm tiếp theo".

Khai mạc hội thảo, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết vừa qua TP tổ chức Hội nghị Thành ủy lần thứ 17 nhằm đánh giá kết quả giữa nhiệm kỳ, sau 2,5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ X đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, qua đánh giá cũng thấy rằng nếu TP không thay đổi hoàn thiện trong điều hành quản lý thì nhiều nội dung của nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ X sẽ không hoàn thành.

Ông Nhân cho rằng một vấn đề nổi bật là nguồn lực của TP để phát triển tiếp tục trong 2,5 năm còn lại. TP chỉ có thể phát triển mạnh hơn và tốt nhất nhờ vào vốn con người mà cụ thể là sự sáng tạo. Sự vượt trội về trí tuệ, khoa học công nghệ sẽ giúp giữ vững an ninh quốc gia, phát triển kinh tế…Đây chính là nguồn tài nguyên lớn nhất, có sẵn trong lòng TP.

Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội thảo

Người lãnh đạo phải là "bà đỡ"

Chia sẻ tại hội thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo nhìn nhận Nghị quyết 54 tháo gỡ trên 5 lĩnh vực nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. "Đây không phải là chiếc đũa thần để giúp TP tháo gỡ khó khăn, phát huy tiềm lực mà nó chỉ phát huy ở một số lĩnh vực thôi. Nhưng ta phải tận dụng để phát triển TP" - bà Thảo nói và cho rằng phải là cơ chế chính quyền đô thị thì mới tạo điều kiện cho TP phát triển nhanh và bền vững.

Để TP phát triển nhanh và bền vững, theo bà Thảo cần tập trung quy hoạch và quản lý quy hoạch. Bên cạnh đó là làm mạnh về cải cách hành chính, giảm hội họp để giải quyết công việc sao cho nhanh hơn. Muốn sáng tạo là phải đổi mới cơ chế. Nguyên Chủ tịch HĐND TP bày tỏ: "Tôi không nghĩ đội ngũ cán bộ TP trì trệ, không dám đổi mới. Cán bộ mình sẵn sàng đổi mới, nếu như lãnh đạo dám đứng ra "đỡ đòn" cho những đột phá, đổi mới đó. Tôi nhớ lúc TP làm một cửa liên thông; các ngành phải ngồi lại chứ, nhất là ngành tổng hợp. Phải ngồi lại để tìm cơ chế gì tháo gỡ, chứ ta nói mãi đổi mới cũng vậy thôi, phải tháo gỡ. Nó kẹt từ trong cơ chế chính sách, nó ràng buộc tất cả mà không ai chịu trách nhiệm cuối cùng hết. Ta phải nghe từng chuyện mà gỡ, có sự kết nối để gỡ chứ một mình khó gỡ lắm".

Nguyên Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo nhận định: "Người lãnh đạo phải dám đứng ra "đỡ đòn" cho cấp dưới sáng tạo (Ảnh: Phan Anh)

Bà Thảo phân tích người lãnh đạo phải là "bà đỡ" cho sự sáng tạo, đứng sau sự đột phá, phải can thiệp cho cán bộ mình, lắng nghe, đi cơ sở để phát hiện vấn đề. Bà kể, hồi xưa "chú Kiệt" (cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt) làm kế hoạch là xuống ăn ở với công nhân xem người ta làm cái gì, kế hoạch ra sao để đề xuất lên trung ương. "Phải sát cơ sở hơn nữa. Tôi nghĩ có khó gì mấy nhưng lối ra có hết, cuộc sống đã chỉ cho mình lối ra, quan trọng là có sát cơ sở, lắng nghe, cầu thị hay không" – bà Thảo kiến nghị.

Đồng tình, ông Lê Hồng Liêm, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng đánh giá việc măng động, sáng tạo phải có quá trình chứ không phải là chuyện nhất thời nên rất cần những "bà đỡ". Lãnh đạo TP phải có tầm tri thức, lòng bao dung và trách nhiệm đầy đủ để bảo vệ nhân tố tích cực, thai nghén những nhân tố đó. Ông Liêm cũng lưu ý lãnh đạo đừng có "cặp kính hồng", người góp ý thẳng thì không nghe mà chỉ nghe lời nịnh bợ. Ông gửi gấm: "Muốn cho TP năng động, sáng tạo thì Thường vụ Thành ủy TP phải chú ý điều đó. Thành hay bại là do người đứng đầu".

"Không sợ nghèo, chỉ sợ không công bằng"

Góp ý tại hội thảo, ông Phạm Chánh Trực, nguyên phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP khẳng định thành tựu lớn nhất sau 43 năm giải phóng là chuyển đường lối kinh tế kế hoạch tập trung bao cấp sang đường lối "Đổi mới kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa". Đường lối ấy có điểm xuất phát từ tính năng động, sáng tạo của TP. "Vậy làm sao giữ gìn, phát huy tính năng động, sáng tạo của TP" – ông Trực đặt vấn đề.

Ông đánh giá với mức thu nhập bình quân khiêm tốn như hiện nay (6.000 USD/người trong năm 2017), TP cần phân phối nguồn lực và thu nhập sao cho nhân dân cảm thấy "không sợ nghèo, chỉ sợ không công bằng" để có động lực xây dựng TP, cống hiến cho đất nước. Xây dựng động lực hành động, động lực vì nước vì dân, chính là giải pháp để duy trì và phát huy ngọn lửa năng động, sáng tạo cháy mãi trong tim nhân dân và cán bộ, đảng viên TP.

Ông Trực cho rằng có thể bắt đầu xây dựng xã hội "ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành và ai cũng có nhà ở". "Vậy chúng ta hãy thực hiện "dân chủ, công bằng, văn minh" ở mức độ này cho thật tốt đã, làm cho đồng bào ta cảm thấy hạnh phúc ở mức độ phát triển của nền kinh tế hiện nay. Rồi tiếp tục tiến lên, tiến lên nữa. Đồng thời xây dựng TP có luật pháp, kỷ cương, kỷ luật, nghiêm minh" - nguyên phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP đúc kết.

TRƯỜNG HOÀNG - PHAN ANH

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/chinh-tri/tai-nguyen-con-nguoi-la-quan-trong-nhat-trong-phat-trien-tp-20180726093845383.htm