Người lao động được chăm lo tốt hơn

Tận dụng lợi thế để tiết kiệm chi phí

(HNM) - Tình hình người lao động ngừng việc tập thể đang có xu hướng giảm, bởi doanh nghiệp đã quan tâm, chăm lo tốt hơn cho người lao động. Đồng thời, công đoàn cơ sở ngày càng phát huy tốt vai trò đại diện người lao động trong đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể.

Đánh giá về tình hình chung, ông Lê Cao Thắng, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Tuyên giáo, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, năm 2019, thu nhập bình quân của công nhân, viên chức, lao động tăng hơn 17% so với năm 2018, do việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng và mức lương cơ sở. Về mức thưởng Tết năm 2020 của người lao động, theo ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hầu hết các doanh nghiệp đều giữ mức cam kết trước đó, có mức thưởng Tết trung bình một tháng lương cho nhân viên. Nhờ vậy, đa phần người lao động đã yên tâm công tác.

Theo số liệu công bố ngày 7-1-2020, năm 2019, cả nước chỉ xảy ra 121 cuộc ngừng việc tập thể, giảm gần 50% so với năm trước. Có được kết quả này là do doanh nghiệp bảo đảm được quyền, lợi ích chính đáng của người lao động. Mặt khác, công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp đã từng bước phát huy vai trò đại diện cho người lao động trong đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể; chú trọng nắm bắt tình hình, giải quyết kịp thời những kiến nghị, đề xuất của người lao động.

Tại Hà Nội, ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Chủ tịch Công đoàn Các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cho biết, thu nhập của công nhân bình quân từ 5 triệu đồng đến hơn 5,5 triệu đồng/người/tháng. Công tác đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động luôn được quan tâm. Vừa qua, qua nắm bắt tình hình, phát hiện Công ty TNHH Hicel Vina và Công ty TNHH ELK Vina không thực hiện thưởng Tết theo thỏa thuận trong thỏa ước lao động tập thể, nợ lương, nợ tiền bảo hiểm xã hội của người lao động, dẫn đến ngừng việc tập thể, Công đoàn Các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã cùng Công đoàn cơ sở gặp gỡ công nhân, trao đổi với chủ sử dụng lao động về những kiến nghị của người lao động. Sau đó, nhiều quy định về quyền lợi của công nhân đã được doanh nghiệp điều chỉnh. Cùng với đó, các cấp công đoàn đã tư vấn cho người lao động và công đoàn cơ sở qua hơn 2.000 cuộc điện thoại trực tiếp về chi lương, thưởng Tết. Do vậy, người lao động thêm yên tâm vì có tổ chức công đoàn là chỗ dựa vững chắc.

Hay tại Nghệ An, hơn 3 nghìn công nhân tại Công ty TNHH HAI VINA Kim Liên ngừng việc, bày tỏ sự bất bình khi công ty vừa thông báo tăng lương cơ bản thêm 200.000 đồng/tháng, nhưng đồng thời lại giảm một số khoản phụ cấp, dẫn tới tình trạng dù được tăng lương nhưng thu nhập vẫn như cũ. Sau khi xảy ra sự việc, Liên đoàn Lao động huyện Nam Đàn và Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An đã mời các cơ quan hữu quan, đại diện chủ doanh nghiệp, người lao động đối thoại. Tại đây, 24 kiến nghị, đề xuất của công nhân được đại diện công ty cam kết giải quyết thỏa đáng.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, muốn xung đột được giải quyết, cán bộ công đoàn từ cơ sở đến lãnh đạo công đoàn cao nhất của địa phương cần có sự chia sẻ, tạo niềm tin nơi người lao động, nhất là thời điểm “nhạy cảm” như tăng lương, lễ, Tết. Hiện, theo chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ngoài quan tâm đến người lao động nói chung, các cấp công đoàn đang đặc biệt quan tâm đến người lao động ở các doanh nghiệp gặp khó khăn, dự báo khó khăn để có thể chăm lo tốt nhất cho họ.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/956240/nguoi-lao-dong-duoc-cham-lo-tot-hon