Người lao động mong muốn 'an cư' để lập nghiệp tại các tỉnh phía Nam

Người lao động có thu nhập thấp, đặc biệt là công nhân, lao động nhập cư tại các tỉnh phía Nam như: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… đang mong ước có một mái ấm để 'an cư' để lập nghiệp.

Ngày 24/9, tại TP Hồ Chí Minh, báo Tiền Phong đã tổ chức hội thảo với chủ đề: “Giải pháp an cư cho công nhân lao động vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”. Hội thảo nhằm tìm ra giải pháp tối ưu giúp công nhân “an cư" tại các tỉnh phía Nam.

Các đại biểu đóng góp các giải pháp thiết thực cho người lao động an cư lập nghiệp.

Các đại biểu đóng góp các giải pháp thiết thực cho người lao động an cư lập nghiệp.

Nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng biên tập báo Tiền Phong cho biết, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là vùng kinh tế phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Cùng với các dự án và dòng vốn đầu tư, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng thu hút một lượng lớn lao động tại chỗ và lao động nhập cư đến từ khắp nơi trong cả nước. Nhà ở và an sinh xã hội cho công nhân lao động vùng kinh tế trọng điểm phía Nam luôn là vấn đề được quan tâm. Tuy nhiên điều kiện đảm bảo cuộc sống tối thiểu về nhà ở và làm việc cho công nhân lao động còn rất nhiều hạn chế. Đa số công nhân lao động phải sống trong những khu nhà trọ chật hẹp, thiếu các điều kiện sống tối thiểu. Cụ thể một gia đình có khoảng 4 người đa số phải sống trong căn phòng trọ chặt hẹp chỉ dưới 10 m2, nhiều bạn công nhân độc thân cũng phải ở 7 - 8 người với diện tích không đủ tiêu chuẩn.

Theo khảo sát của Tổng LÐLÐ Việt Nam, Việt Nam hiện có 400 Khu chế xuất - Khu công nghiệp (KCX-KCN) với 3 triệu lao động làm việc, phần lớn công nhân lao động trong các KCX, KCN là người ngoại tỉnh. Tuy nhiên, nhà ở cho CNLÐ tại khu vực này hiện mới chỉ đáp ứng khoảng 28% nhu cầu thuê, mua. Còn lại, phần lớn công nhân lao động đang phải ở trọ tại các nhà dân với điều kiện sống rất thấp, ảnh hưởng sức khỏe, tác động xấu đến năng suất lao động.

Ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục quản lý nhà và Thị trường Bất động sản Bộ Xây dựng, cho biết để đảm bảo đời sống cho công nhân lao động an tâm làm việc, các tỉnh thành phố đã hoàn thành 100 dự án nhà ở dành cho công nhân, quy mô khoảng 41.000 căn, với tổng diện tích trên 2 triệu m2, bố trí cho 330.000 người ( tuy nhiên chỉ đáp ứng 28%).

Theo ông Ninh, việc đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người lao động thu nhập thấp, công nhân ngoại tỉnh còn gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân do các dự án xây dựng nhà ở xã hội có gói vay vốn mua nhà 30.000 tỉ đồng kết thúc, ngân sách Nhà nước chưa bố trí được nguồn vốn mới để cấp bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại. Một số địa phương chưa quan tâm đúng mức phát triển nhà ở xã hội, chưa đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm, khi quy hoạch KCX-KCN chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển nhà ở xa hội. Mặt khác, còn do đa số doanh nghiệp bất động sản chưa quan tâm, tích cực tham gia nhà ở xã hội do vướng mắc về thủ tục hành chính kéo dài, lợi nhuận không cao. Mặc dù nhà ở xã hội được nhà nước hỗ trợ nguồn vốn ữu đãi để có giá bán thấp hơn nhà ở thương mại 20-30%, tuy nhiên mức thu nhập của công nhân thấp nên việc mua nhà ở cũng vẫn còn khó khăn.

Ông Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng Lao động Việt Nam, cho biết, Tổng LĐLĐ Việt Nam đang tập trung nhiều giải pháp để nâng cao đời sống cho người lao động, đặc biệt là công nhân làm việc tại các khu chế xuất khu công nghiệp. Sắp tới, sẽ tập trung giải quyết lợi ích về nhà ở, giải quyết nhu cầu gửi trẻ cho con công nhân, phục vụ nhu cầu thiết yếu có siêu thị, nhà thuốc, nhà văn hóa cho công nhân làm việc tại các KCX-KCN. Trong đó, dự án nhà ở dành cho công nhân mỗi căn hộ sẽ có diện tích từ 30-45 m2 bao gồm phòng khách, phòng ngủ, bếp và nhà vệ sinh có giá từ 150 triệu đồng trở lên. Nếu mỗi cặp vợ chồng mỗi tháng tiết kiệm 1,8 đến 2 triệu đồng, trong khoảng 5-7 năm sẽ mua được nhà ở diện tích 30 m2.

Tin, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/xa-hoi/nguoi-lao-dong-mong-muon-an-cu-de-lap-nghiep-tai-cac-tinh-phia-nam-20190924122129682.htm