Người lao động tìm việc làm dịp đầu năm

Ngày 21/2 (tức ngày 12 tháng Giêng), cô Nguyễn Thị Tháp, sinh năm 1965, quê xã Thăng Long, huyện Nông Cống tìm đến Công ty TNHH Giúp việc xứ Thanh, phường Tân Sơn (TP Thanh Hóa) với mong muốn nhờ công ty giới thiệu việc làm.

Ở độ tuổi 60 nên cô Tháp mong muốn được công ty giới thiệu các công việc như trông trẻ, làm việc nhà... Cô Tháp gửi thông tin cá nhân và nhu cầu việc làm đến các nhân viên tư vấn. Tìm được việc làm sớm hay muộn lại do nhu cầu của khách hàng, vì vậy cô Tháp ra về để chờ thông báo của công ty.

Cũng như cô Tháp, cô Nguyễn Thị Viên, xã Thiệu Phú, huyện Thiệu Hóa đã đến Công ty TNHH Giúp việc xứ Thanh với mong muốn được giới thiệu việc làm tết. Cô Viên đã có kinh nghiệm hơn 10 năm đi làm dọn dẹp, phục vụ ở các quán ăn, công trình xây dựng... Ở độ tuổi hơn 50, cô đã không còn làm được các công việc nặng nhọc, vì vậy cô chỉ muốn tìm một công việc nhẹ nhàng như giúp việc gia đình. Vì vậy cô đã tìm đến các công ty giới thiệu việc làm nhằm tiếp cận với công việc nhanh hơn so với việc chủ động tự tìm.

Theo ông Nguyễn Thành Chung, đại diện Công ty TNHH Giúp việc xứ Thanh: Những ngày đầu xuân mới Giáp Thìn 2024, công ty cũng đã tiếp nhận nhiều thông tin của người lao động mong muốn giới thiệu việc làm. Trung bình một ngày có từ 10 - 15 lao động đến đây. Họ ở độ tuổi từ 40 - 60 tuổi, chủ yếu là lao động phổ thông, mong muốn tìm việc làm như tạp vụ các nhà hàng, khách sạn, quán ăn, giúp việc gia đình. Sau tết, nhu cầu tìm việc làm ở các gia đình để chăm sóc trẻ nhỏ, chăm người già, dọn dẹp nhà cửa... nhiều hơn so với công việc khác với mức lương khoảng 6 triệu đồng/tháng.

Chúng tôi có mặt ở Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thanh Hóa tại phường Phú Sơn, TP Thanh Hóa. Những ngày này, trung tâm có đông người lao động đến làm các thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp và tìm việc làm mới.

Sáng sớm, chị Lê Thị Hoa, sinh năm 1993, quê xã Thọ Dân (Triệu Sơn) có mặt ở Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa để khai báo thất nghiệp và làm các thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp lần 2. Trước đây, chị Hoa làm việc cho một công ty giày da trên địa bàn huyện Triệu Sơn. Tuy nhiên, sau khi sinh con, chị cũng đã xin nghỉ việc. Hàng tháng, chị đến trung tâm khai báo để hưởng trợ cấp thất nghiệp, đồng thời nhờ trung tâm giới thiệu việc làm mới. Với kinh nghiệm hơn 9 năm làm công nhân giày da nên chị Hoa mong muốn được giới thiệu công ty có mức lương, thưởng cao hơn so với trước đây.

Ông Lê Ngọc Hảo, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa, cho biết: Kết nối việc làm, cân bằng cung – cầu lao động là vấn đề không dễ giải quyết tại Thanh Hóa khi chất lượng ứng viên không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng, nhiều lao động có xu hướng tìm kiếm những vị trí việc làm được đãi ngộ tốt hơn, dẫn đến tình trạng nghỉ việc, chuyển đổi công việc mới... thường xuyên diễn ra, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Thời gian qua, ngoài việc tư vấn tập trung cho người lao động đến đăng ký và hưởng trợ cấp thất nghiệp các chính sách, pháp luật về việc làm, học nghề, thông tin thị trường lao động, thông qua các phiên giao dịch việc làm định kỳ; online,... trung tâm đã tổ chức các hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm, định hướng nghề nghiệp, tuyển dụng lao động tại các địa phương cũng như các buổi nói chuyện chuyên đề; hội thảo tư vấn kỹ năng nghề; giới thiệu việc làm và đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng làm việc cho lao động trên địa bàn toàn tỉnh. Năm 2023, dù gặp nhiều khó khăn, trung tâm đã tư vấn việc làm, chế độ, chính sách liên quan đến lao động – việc làm, hoạt động xuất khẩu lao động cho 77.493 lượt lao động (tăng 11,85% so với cùng kỳ năm 2022). Kết nối việc làm cho 6.752 lao động làm việc trong nước, xuất khẩu lao động, học nghề.

Để nâng cao hiệu quả nghiệp vụ tư vấn, giới thiệu việc làm, tư vấn nghề cho người lao động, trung tâm tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, nhiều hình thức tư vấn để hỗ trợ tối đa cho người lao động được tiếp cận thông tin thị trường lao động, thông tin về việc làm trống... để người lao động có nhiều cơ hội lựa chọn việc làm phù hợp với nguyện vọng, nhu cầu của bản thân. Sau khi tiến hành thu thập thông tin việc làm trống, thông báo tuyển dụng, trung tâm sẽ tiến hành cung cấp, tư vấn cho người lao động có nhu cầu tìm việc làm. Các hình thức tư vấn hiện nay được tiến hành như tư vấn trực tiếp, tư vấn qua điện thoại; tư vấn thông qua các trang thông tin điện tử, các trang mạng xã hội do trung tâm quản lý, vận hành. Mỗi ngày có hàng ngàn người được tiếp cận thông tin việc làm trống, học nghề do trung tâm cung cấp.

Người lao động đến làm các thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp và tìm việc làm mới tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa.

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, hiện nay, dân số trong độ tuổi lao động của Thanh Hóa trên 2,203 triệu người, chiếm 59,2% tổng dân số. Lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế là trên 2,071 triệu người. Toàn tỉnh có trên 40.000 lao động đang làm việc ở nước ngoài, tập trung chủ yếu ở các thị trường: Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc... Số người lao động đang hưởng bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn tỉnh là 11.574 người. Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, đa số người lao động đều quay trở lại làm việc bình thường, phần lớn doanh nghiệp không xảy ra tình trạng thiếu hụt lao động do chính sách về lương thưởng, phúc lợi cũng như hoạt động hỗ trợ người lao động được chú trọng. Các doanh nghiệp đã chăm lo tết chu đáo tới từng lao động có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ công nhân, người lao động ở xa về quê ăn tết. Cùng với đó mức thưởng tết ổn định, thậm chí cao hơn so với năm trước đã khuyến khích người lao động gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

Bài và ảnh: Ngọc Huấn

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/nguoi-lao-dong-tim-viec-lam-dip-dau-nam/30417.htm