Người lao động TP Hồ Chí Minh với nỗi lo thất nghiệp trước Tết 2023

Theo báo cáo của Khu chế xuất - Khu công nghiệp (KCX-KCN) TP Hồ Chí Minh, có không ít doanh nghiệp đang sa thải hàng ngàn lao động vì thiếu đơn hàng, gặp khó khăn về các khoản chi. Điều này đang khiến người lao động TP Hồ Chí Minh thấp thỏm lo mất việc trước Tết 2023.

Các công nhân tại TP Hồ Chí Minh đang đối mặt với nỗi lo thất nghiệp trước Tết 2023.

Các công nhân tại TP Hồ Chí Minh đang đối mặt với nỗi lo thất nghiệp trước Tết 2023.

Thất nghiệp trước Tết

Chị Lê Thị Thu, ngụ ở quận Tân Bình, là công nhân gắn bó lâu năm tại Công ty TNHH Tỷ Hùng (trụ sở tại quận Bình Tân) cho biết, chị vừa mới bị thất nghiệp do công ty cắt giảm nhân sự và đây là đợt cắt giảm lớn nhất từ đầu năm đến nay của công ty.

Theo chị Thu, công ty Tỷ Hùng là doanh nghiệp xuất khẩu giày da. Từ đầu năm đến nay, do đơn hàng ít và thậm chí có vài tháng không có đơn hàng, doanh nghiệp buộc phải thu hẹp lại quy mô sản xuất. Vì vậy, công ty đã cắt giảm nhân sự khá nhiều, phần lớn đều là những công nghân lớn tuổi (từ 45 tuổi trở lên).

"Tôi và nhiều đồng nghiệp đã bị công ty cho nghỉ việc từ đầu tháng 11 và đang chờ nhận khoản trợ cấp bằng 2 tháng tiền lương do bị mất việc. Sau khi nhận được khoản hỗ trợ từ công ty và trợ cấp thất nghiệp, tôi sẽ cùng gia đình chuyển về quê sinh sống ”, chị Lê Thị Thu chia sẻ.

Từ 1/12, có khoảng 1.200 người lao động làm việc tại công ty Tỷ Hùng sẽ rơi vào cảnh thất nghiệp.

Theo đại diện Công ty Tỷ Hùng, vì các đối tác gặp khó khăn và công ty không có đơn hàng sản xuất, do đó công ty buộc phải chấm dứt hợp đồng với khoảng 1.200 người lao động để cố gắng duy trì hoạt động, thu hẹp quy mô sản xuất so với trước. Đợt chi trả tiền hỗ trợ cho người lao động bị mất việc sẽ được triển khai từ đầu tháng 12 sắp tới và tất cả người lao động sẽ được nhận hai tháng lương tiền hỗ trợ bắt đầu từ đầu tháng 12.

Tương tự, công ty TNHH Việt Nam Samho (huyện Củ Chi) cũng đã thông báo về kế hoạch dự kiến cắt giảm hơn 1.400 lao động do khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây cũng là doanh nghiệp giày da sử dụng đông lao động phổ thông đóng tại xã Trung An, huyện Củ Chi nhiều năm qua. Với tổng số lao động 8.733 người, việc phải cắt giảm hàng ngàn lao động nằm ngoài mong muốn của doanh nghiệp.

Ngay sau khi nắm tình hình của các doanh nghiệp đang gặp khó khăn, phải sa thải công nhân, Sở Lao động Thương binh và Xã hội (Sở LĐTB&XH) TP Hồ Chí Minh đã làm việc với các doanh nghiệp và đề nghị, phía doanh nghiệp lưu ý việc cho thôi việc đối với người lao động chỉ được tiến hành sau khi đã trao đổi ý kiến với công đoàn cơ sở và phải thông báo trước 30 ngày cho UBND TP Hồ Chí Minh. Dù vậy, nhiều doanh nghiệp vì gặp khó khăn trong sản xuất nên buộc phải cắt giảm nhân sự khi tết Dương lịch đã cận kề.

Chia sẻ lý do khiến các doanh nghiệp cắt giảm hàng loạt lao động trước Tết 2023, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH TP Hồ Chí Minh cho biết, vừa qua do tình hình lạm phát trên toàn cầu đã có ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp và các đơn vị trên địa bàn thành phố. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng, gặp khó khăn về sản xuất nên buộc phải cắt giảm nhân sự để duy trì hoạt động. Theo đó, từ đầu năm đến nay đã có 22 doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp FDI có thông báo về cắt giảm lao động, trong đó có gửi phương án sắp xếp lại lao động về Sở với khoảng 1.600 lao động bị cho thôi việc. Những doanh nghiệp khó khăn đa phần là các ngành may mặc, giày da, sản xuất gia công, công nghệ thông tin và kinh doanh bảo hiểm...

Tương tự, ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn lao động TP Hồ Chí Minh cho biết, tình hình chung hiện nay là các nhà máy dệt may, da giày bị giảm đơn hàng do khó khăn trong tìm kiếm nguyên phụ liệu, hàng khó xuất. Vì vậy, một số nhà máy bố trí công nhân làm việc giờ hành chính, không tăng ca, nghỉ luân phiên hoặc giảm lao động.

“Chúng tôi đang chỉ đạo công đoàn các cấp, những nơi đang bị ảnh hưởng phải nắm kỹ tình hình, hoàn cảnh của những lao động đang mất việc, khó khăn để công đoàn hỗ trợ. Trong đó, sẽ động viên họ dịp Tết sắp tới, hỗ trợ vé xe về quê, các phần quà bằng tiền mặt… Đối với các công nhân ở lại TP Hồ Chí Minh, công đoàn sẽ tổ chức Tết sum vầy hoặc kết nối việc làm thời vụ vào dịp Tết nếu người lao động có nhu cầu”, ông Trung nói.

Tích cực chăm lo cho người lao động

Theo Sở LĐTB&XH TP Hồ Chí Minh, thành phố hiện có khoảng 4,7 triệu lao động hoạt động tại các KCN-KCX và KCNC trên địa bàn. Khi Tết Dương lịch 2023 đang đến gần, Sở và các đơn vị liên quan đã và đang chủ động khảo sát nhu cầu sản xuất kinh doanh ở các KCX -KCN, nhất là tại các doanh nghiệp đang thiếu hụt đơn hàng hoặc địa bàn đang có đơn hàng giảm từ quý 4/2022 để có phương án chủ động xử lý, hỗ trợ công ty và người lao động gặp khó khăn.

Theo đó, đợt khảo sát sẽ được triển khai diện rộng tại khoảng 3.000 doanh nghiệp để thành phố nắm bắt cụ thể tình hình trả lương, thưởng dịp Tết năm 2023 và kế hoạch ổn định lao động, việc làm, quan hệ lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn. Quá trình khảo sát sẽ đảm bảo các doanh nghiệp thực hiện đúng pháp luật lao động, quy chế dân chủ ở cơ sở trong áp dụng lương tối thiểu, tiền lương, thưởng cho người lao động, nhất là ở những doanh nghiệp giảm đơn hàng để không xảy ra tình trạng nợ đọng tiền lương, thưởng như các năm trước.

Nhiều nhà trọ tại TP Hồ Chí Minh "cửa đóng then cài" vì công nhân thất nghiệp trước Tết 2023 nên về quê sớm.

Hiện nay, để hỗ trợ tìm việc cho người lao động mất việc, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Hồ Chí Minh, đơn vị trực thuộc Sở LĐTB&XH TP Hồ Chí Minh cũng sẽ tham gia phối hợp các bên liên quan để liên hệ, làm việc với các công ty cắt giảm số lượng lao động lớn như công ty Samho, Tỷ Hùng…để tư vấn, kết nối, hỗ trợ tìm việc cho người lao động mất việc cũng như tư vấn về các chính sách liên quan. Đối với người lao động chưa làm việc đủ 12 tháng theo luật lao động (chưa đủ nhận trợ cấp thất nghiệp), cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh cũng đã có kế hoạch phối hợp hỗ trợ một phần tiền và quà tết cho người lao động, hỗ trợ xe đưa rước công nhân, người lao động về quê ăn tết.

Cùng với kế hoạch khảo sát, nắm thông tin tại 3.000 doanh nghiệp trên địa bàn của Sở LĐTB&XH TP Hồ Chí Minh, hiện Liên đoàn lao động TP Hồ Chí Minh cũng đã chỉ đạo, yêu cầu công đoàn các cấp và các đơn vị trực thuộc phối hợp kiểm tra, giám sát, nắm tình hình lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn đang bị giảm đơn hàng, tạm ngưng hoạt động, kịp thời có phương án dự báo nguy cơ phá sản, giải thể, chủ doanh nghiệp bỏ trốn để bảo đảm người lao động được hỗ trợ đúng theo quy định của pháp luật. Trong đó, doanh nghiệp bắt buộc phải thông báo thời gian chi trả lương, thưởng Tết gửi về các cơ quan chức năng theo dõi, giám sát và phối hợp theo quy định.

Theo ông Nguyễn Văn Lâm, đối diện với một năm rất nhiều thách thức hiện nay, qua khảo sát sơ bộ tại gần 250 doanh nghiệp có quy mô từ 200 lao động trở lên ở các KCN-KCX, có tới hơn 100 đơn vị có nhu cầu tuyển dụng, còn lại có đến 125 doanh nghiệp không có nhu cầu tuyển dụng, thậm chí nhiều đơn vị thông báo cắt giảm lao động, trong đó đa phần là từ nguyên nhân thiếu đơn hàng. Vì vậy, dự báo sẽ còn rất nhiều khó khăn trong dự chi về lương thưởng cho công nhân, người lao động khi thời điểm tết dương lịch đã cận kề.

Các cấp công đoàn TP Hồ Chí Minh đi thăm và tặng quà cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn.

Ông Trần Đoàn Trung cho biết, hiện Liên đoàn lao động TP Hồ Chí Minh đang chỉ đạo các cấp công đoàn theo dõi và yêu cầu công đoàn các cơ sở phải nắm rõ tình hình của người lao động đang gặp khó khăn, mất việc trên địa bàn để có phương án hỗ trợ kịp thời, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Trong trường hợp không thỏa đáng, công nhân hoàn toàn có thể khởi kiện công ty nếu cảm thấy quyền lợi của mình không được đảm bảo và công ty không làm đúng quy định pháp luật.

Đối với những đơn vị quá khó khăn, không có điều kiện chăm lo Tết cho người lao động, công đoàn cơ sở cần báo cáo lên Liên đoàn lao động Thành phố để có hỗ trợ cho người lao động. Đồng thời, giám sát việc thực hiện chế độ theo quy định pháp luật như trả trợ cấp mất việc, đặc biệt là chốt sổ BHXH, BHYT để người lao động hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp cũng như hỗ trợ đào tạo nghề theo quy định của Luật Việc làm, giúp người lao động có điều kiện tham gia trở lại thị trường lao động.

Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/nguoi-lao-dong-tp-ho-chi-minh-voi-noi-lo-that-nghiep-truoc-tet-2023-20221115161617338.htm