Người "lập dị"

TP - Từ trước đến nay, nhiều người trong làng vẫn gọi thầy giáo Tâm là người lập dị, người cổ điển. Trong mắt họ, cái sự lập dị của người thầy giáo già này biểu hiện ở nhiều lẽ, trong đó nổi bật nhất là những việc làm không giống ai của thầy.

Vào cái thời mà thiên hạ đua nhau kiếm tiền mưu sinh thì không hiểu tại sao lại có người luôn coi đống sách báo cũ là tài sản quý giá nhất như thầy Tâm. Quả thật, trong ngôi nhà nhỏ bé nằm khiêm nhường ở cuối làng, ngoài cái giá sách ra thì chẳng có gì đáng giá cả. Cái giá sách ấy chứa đựng hàng trăm cuốn thuộc đủ các lĩnh vực tri thức cùng những tờ báo được xuất bản từ hàng chục năm trước. Đáng chú ý hơn là những cuốn sổ tay, nơi thầy Tâm ghi chép những đối tượng địa lý như sông ngòi, cầu cống, công trình xây dựng cùng những sự kiện và nhân vật điển hình trong công cuộc xây dựng quê hương từ trước đến nay. Đôi lần, thầy Tâm hào hứng khoe với một số người rằng mình đang tiến hành biên soạn một cuốn sách tổng hợp các kiến thức về lịch sử, địa lý, phong thủy, văn hóa và cộng đồng dân cư của xã nhà. Cuốn sách đó sẽ giới thiệu khá chi tiết, nhằm giúp cho mọi người hiểu biết một cách có hệ thống và đầy đủ hơn về quê hương mình, từ đó, giáo dục cho mọi người tình yêu và trách nhiệm đối với nơi chôn rau cắt rốn… Nghe thấy thế, có người bảo rằng thầy là kẻ rỗi hơi. Từ ngày nghỉ hưu, thầy Tâm dành thời gian và công sức nhiều hơn cho việc sưu tầm, biên soạn cuốn sách trên. Trước hết, thầy tập hợp các tài liệu đã ghi chép được, rồi phân loại chúng theo từng lĩnh vực khác nhau. Những gì còn thiếu, thầy tìm các cụ già để tìm hiểu. Thầy còn cất công đi lần lượt mười hai xóm để đo đạc, sao chụp, vẽ bản đồ, tính đếm rồi ghi chép tài liệu cẩn thận. Mỗi xóm làm như thế ít nhất phải mất vài ngày. Hôm nào cũng vậy, cứ tờ mờ sáng là thầy đạp xe đi, đến tối mịt mới về. Rồi cuốn sách dần được hoàn thành trong niềm vui khôn tả của thầy, sau những ngày lao động miệt mài, khắc phục mọi khó khăn, thiếu thốn. Thầy đánh máy vi tính rồi in ra hai mươi cuốn tặng cho các cơ quan, đoàn thể trong xã và những ai quan tâm. Đặc biệt, cuốn sách này đã được các thầy cô giáo và học sinh đón nhận nhiệt liệt bởi nó trở thành tài liệu duy nhất phục vụ cho các bài học về chương trình địa phương. Nhận thấy hiệu quả to lớn của cuốn sách, chính quyền và các trường học đã tài trợ để thầy Tâm in thêm một trăm cuốn nữa, phát miễn phí cho nhân dân trong xã, giúp cho mọi người có điều kiện hiểu sâu sắc hơn về quê hương mình. Và cũng từ đó, không thấy ai còn gọi thầy Tâm là người lập dị nữa mà họ luôn nhìn thầy bằng ánh mắt kính phục, đầy thiện cảm…

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/tianyon/index.aspx?articleid=172121&channelid=55