Người lính òa khóc... nhớ về đường Trường Sơn huyền thoại

Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh một huyền thoại, một 'tượng đài bất tử' của dân tộc Việt Nam trong công cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh là xương, thịt... của người lính (Ảnh: Nhân chứng kể về quá trình mở đường Trường Sơn đi cứu nước).

Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh là xương, thịt... của người lính (Ảnh: Nhân chứng kể về quá trình mở đường Trường Sơn đi cứu nước).

Ngày 14/5, tại Đắk Nông, Bộ quốc phòng phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Đắk Nông tổ chức Hội thảo khoa học cấp Quốc gia “Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh - Biểu tượng của ý chí thống nhất Tổ quốc”, nhân kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn (19/5/1959-19/5/2019).

Thượng tướng Lê Chiêm, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương, Ủy viên quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban chỉ đạo hội thảo phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thượng tướng Lê Chiêm, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương, Ủy viên quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban chỉ đạo hội thảo cho biết: “Trong suốt 16 năm (1959-1975), các thế hệ chiến sĩ Bộ đội Trường Sơn, cùng lực lượng thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và nhân dân các địa phương luôn nêu cao quyết tâm “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”, vượt bao biết bao khó khăn, gian khổ, đánh bại mọi thủ đoạn đánh phá khốc liệt của kẻ thù, bảo vệ tuyến đường chi viện chiến lược, vận chuyển sức người, sức của từ hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến miền Nam. Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh đã đi vào lịch sử như một huyền thoại, một kì tích của dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất tổ quốc”.

Quang cảnh buổi Hội thảo.

“Hội thảo lần này nhằm khẳng định và làm sáng tỏ thêm quyết định đúng đắn, sáng suốt của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc mở tuyến vận tải chi viện chiến lược; Quá trình hình thành và phát triển Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh. Ý nghĩa chiến lược của tuyến chi viện đối với cách mạng miền Nam; âm mưu, thủ đoạn và các biện pháp ngăn chặn của Mỹ và chính quyền Sài Gòn,; Mặt trận Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh nơi đọ sức quyết liệt giữa ta và địch, ý chí quyết chiến quyết thắng, sự hy sinh cao cả của quân và dân cả nước; Những bài học kinh nghiệm về chỉ đạo chiến lược và bảo vệ tuyến vận tải quân sự trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ngoài ra, Hội thảo còn góp phần tuyên truyền, giáo dục cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ phát huy truyền thống cách mạng, hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc…”, Thượng tướng nhấn mạnh.

Thiếu tướng Nguyễn Bá Tòng, nguyên Phó Tư lệnh Chính trị Binh đoàn 12, Phó Chủ tịch Hội truyền thống Bộ đội Trường Sơn - Hồ Chính Minh, người xúc động chia sẻ: "Huyền thoại đường Trường Sơn được làm nên từ xương máu của người lính...".

Phát biểu tham luận tại Hội thảo, Thiếu tướng Nguyễn Bá Tòng, nguyên Phó Tư lệnh Chính trị Binh đoàn 12, Phó Chủ tịch Hội truyền thống Bộ đội Trường Sơn - Hồ Chính Minh, xúc động chia sẻ: “Huyền thoại đường Trường Sơn làm bằng xương, bằng thịt, được bồi tụ bằng trí tuệ, bản lĩnh, sức sáng tạo, ý chí quyết tâm của các thế hệ Việt Nam. 60 năm trôi qua kể từ ngày mở đường thắng lợi, cuộc kháng chiến chống Mỹ đã lùi xa hơn bốn thập kỷ, nhưng tinh thần “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” vẫn còn mãi. Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh trở thành một huyền thoại, một “tượng đài bất tử” của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh”.

Chương trình nghệ thuật tái hiện không khí lịch sử mở đường Trường Sơn năm xưa với chủ đề “Trường Sơn Đông gọi Trường Sơn Tây - Giao điểm Trường Sơn".

Trước đó, tối 13/5, tại khu vực Đảo nổi (TX Gia Nghĩa) diễn ra chương trình nghệ thuật tái hiện không khí lịch sử mở đường Trường Sơn năm xưa với chủ đề “Trường Sơn Đông gọi Trường Sơn Tây - Giao điểm Trường Sơn". Đêm nghệ thuật xây dựng từ những câu chuyện về 3 điểm mốc nối quan trọng trong cả tuyến đường: điểm bắt đầu tuyến đường Trường Sơn, đến nơi giao điểm Trường Sơn với miền Bắc; điểm nối với Trường Sơn Tây Nguyên và cuối cùng là giao điểm của tuyến Trường Sơn Tây Nguyên với tuyến Trường Sơn miền Nam.

Đan xen các tiết mục ca múa nhạc với những bài ca hùng tráng về Trường Sơn đi cùng năm tháng là các phóng sự về Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh và chương trình giao lưu với các nhân chứng lịch sử. Những ca khúc viết về người lính, về chiến tranh cùng với những phóng sự, những cuộc trò chuyện sinh động đã phần nào tái hiện bức tranh lịch sử oai hùng về tuyến đường huyền thoại năm xưa.

Hình ảnh xúc động tại đêm nghệ thuật “Trường Sơn Đông gọi Trường Sơn Tây - Giao điểm Trường Sơn":

Những bài ca hùng tráng về Trường Sơn được vang lên trong đêm tái hiện không khí lịch sử mở đường Trường Sơn năm xưa.

Hình ảnh người lính năm xưa xúc động, trước cảnh tái hiện về máu xương của đồng đội để lại và làm nên đường Trường Sơn huyền thoại.

Ngọc Hùng

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/nguoi-linh-oa-khoc-nho-ve-duong-truong-son-huyen-thoai-d420777.html