Người lính quân hàm xanh ươm mầm tương lai

Nhiều năm qua, các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh đã được những người lính quân hàm xanh của Đồn Biên phòng Bắc Sơn (Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh) hết mực chăm lo, nuôi dưỡng giúp ước mơ tới trường của các em thành hiện thực.

Thiếu tá Nguyễn Kiến Hùng (bên phải), Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Bắc Sơn tới thăm em Choỏng Tài Múi. Ảnh: NGUYỄN MINH

Mới lọt lòng mẹ, Choỏng Tài Múi đã bị căn bệnh lạ. Năm nay 20 tuổi, nhưng cô gái có khuôn mặt rất thánh thiện này chỉ nhỏ như đứa trẻ lên 7, chân tay co quắp, không đi lại được. Việc ăn uống, vệ sinh của Múi giới hạn ngay trên chiếc giường em vẫn nằm hàng ngày trong ngôi nhà tềnh toàng, xơ xác, không một vật dụng đáng giá ở thôn Phình Hồ, xã Bắc Sơn, thành phố Móng Cái. Không chỉ Múi gặp bất hạnh, bố mẹ em cũng ngơ ngơ ngẩn ngẩn, hỏi đến tên con mình cũng không nhớ…

Cán bộ xã Bắc Sơn cho biết, bố mẹ Múi là ông Choỏng Bắc Tài (SN 1953) và bà Tằng Nhì Múi (SN 1956), cả hai đều là người dân tộc Dao, ở xã Đại Dực, huyện Tiên Yên. Năm 1997, gia đình này di dân ra Bắc Sơn xây dựng kinh tế mới theo chương trình xây dựng khu kinh tế quốc phòng Bắc Hải Sơn. Sau Múi, hai đứa em Choỏng Văn Chiu (SN 2006) và Choỏng Văn Tý (SN 2008) lần lượt ra đời và may mắn được là người bình thường. Nhà 5 khẩu thì có 3 người khuyết tật, trong đó Múi và mẹ được “xếp hạng” khuyết tật đặc biệt. Mỗi tháng, nhà nước hỗ trợ cho gia đình bất hạnh này số tiền hơn 2,9 triệu đồng để họ tồn tại, sinh sống.

Với tinh thần “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, cùng với 9 em nhỏ khác trên địa bàn đơn vị quản lý được chăm sóc trong chương trình “Nâng bước em tới trường” do Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phát động, Đồn Biên phòng Bắc Sơn đã nhận đỡ đầu, hỗ trợ Choỏng Văn Chiu mỗi tháng 500 nghìn đồng cho đến năm 18 tuổi. Đặc biệt, Choỏng Tài Múi được đơn vị hỗ trợ 200 nghìn đồng/tháng đến suốt đời.

Biên giới là quê hương

Ngoài trường hợp gia đình Choỏng Tài Múi, hai chị em Trần Thị Xuân (SN 2006) và Trần Ngọc Mai (SN 2008) đang học trường Tiểu học Hải Đông, ở xã Hải Đông, thành phố Móng Cái cũng có hoàn cảnh rất cơ cực. Bố mất sớm, mẹ bị thần kinh, hai chị em Xuân và mẹ phải nương nhờ bà ngoại năm nay đã hơn 80 tuổi. Để giúp chị em Xuân nuôi dưỡng ước mơ tới trường, thoát cái nghèo, cái khổ đeo đẳng bao năm qua, Văn phòng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh và Đồn Biên phòng Bắc Sơn nhận đỡ đầu cả hai chị em...

Trao đổi với PV Tiền Phong, thượng tá Đỗ Thái Bình Vương, Chính trị viên Đồn Biên phòng Bắc Sơn cho biết, ngoài số tiền hỗ trợ các cháu hàng tháng (500 nghìn đồng/1 cháu) do cán bộ, chiến sĩ của đồn tự nguyện đóng góp, Chi đoàn Thanh niên của đồn được giao nhiệm vụ thường xuyên thăm nom, động viên, phối hợp cùng chính quyền địa phương, nhà trường theo dõi quá trình học tập, sinh hoạt của các cháu. Mỗi dịp khai giảng, ngày tết, trung thu và ngày Quốc tế Thiếu nhi, đơn vị lại tất bật chuẩn bị sách vở, đồ dùng học tập, quà bánh đến tặng các cháu.

Theo thượng tá Vương, bên cạnh nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, những người lính biên phòng trên tuyến biên giới Móng Cái luôn coi trọng việc chăm lo đời sống của nhân dân, quan tâm đến tương lai các em nhỏ bất hạnh nơi đây. Đây là nhiệm vụ cao cả, là trách nhiệm xuất phát từ trái tim những người lính, coi người dân vùng biên như chính người ruột thịt của mình.

“Trong năm 2018, chúng tôi đã chỉ đạo quân y đơn vị phối hợp khám, cấp thuốc, tiêm chủng cho gần 1.200 lượt người dân trên địa bàn; tặng quà cho 80 gia đình chính sách, hộ nghèo; phối hợp xây dựng nhà tình nghĩa cho một gia đình ở xã Bắc Sơn. Đồng thời chỉ đạo Đội Vận động quần chúng của đồn phối hợp với trường cấp 2 và cấp 3 Bắc Sơn tuyên truyền, vận động 9 học sinh bỏ học quay lại trường”, thượng tá Đỗ Thái Bình Vương nói.

Nguyễn Sơn

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/hanh-trang-nguoi-linh/nguoi-linh-quan-ham-xanh-uom-mam-tuong-lai-1338857.tpo